July 15, 2021 | 15:42 GMT+7

Các địa phương hỗ trợ lao động tự do từ gói 26.000 tỷ đồng như thế nào?

Phúc Minh -

Việc chi trả hỗ trợ cho nhóm lao động tự do sẽ do khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương, Chính phủ chỉ đưa ra mức sàn tối thiểu. Hiện nhiều tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch để sẵn sàng triển khai cho đối tượng này…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ mới đây ban hành Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc hỗ trợ cho nhóm lao động tự do sẽ do địa phương tự cân đối chi phí.

Nghị quyết 68 xác định rõ, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, đây là nhóm đối tượng bị giảm thu nhập sâu và khó khăn nhất, đa phần hiện nay họ hầu như không có tích lũy song việc triển khai cũng khó nhất.

“Nhóm đối tượng này di biến động, nay ở chỗ này mai ở chỗ khác rất khó tìm. Có lần tôi đi kiểm tra thực tế tại Hà Đông - Hà Nội, theo phản ánh của cán bộ địa phương để chi được tiền cho những nhóm đối tượng này phải đến nhà xác minh đến 8 – 9 lần vì không gặp được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã bắt đầu như vậy trước khi đưa ra gợi ý các giải pháp.

Rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ đồng, trước đây lao động phải về quê lấy xác nhận của địa phương, với gói lần này người lao động sinh sống ở đâu sẽ hưởng ở đó, liên kết các danh sách để tránh việc một người hưởng ở hai nơi, sau đó tăng cường hậu kiểm.

“Chính phủ chỉ đưa ra mức sàn tối thiểu còn sàn tối đa, các địa phương xem xét tùy khả năng cân đối ngân sách để quyết định chứ Chính phủ không can thiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Trong số các tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, TP.HCM hiện là địa phương triển khai sớm nhất. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn thông tin, ngày 25/6 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua gói hỗ trợ an sinh cho người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỷ đồng, để hỗ trợ cho 6 nhóm đối tượng.

Trong đó, có 230.000 lao động tự do được hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/người. Thành phố dự kiến việc chi hỗ trợ cho lao động tự do hoàn thành trong ngày 15/7.

Ngoài ra, thành phố cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do trong 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với mức 50.000 đồng/người/ngày.

Nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19. Ảnh - N.Dương. 
Nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19. Ảnh - N.Dương. 

Tại Bắc Giang, ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, riêng nhóm đối tượng lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác, tỉnh đã có dự kiến hỗ trợ từ trước song kinh phí khó khăn nên đang tính toán lại. Sở sẽ đề xuất chính sách, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ riêng đối với nhóm đối tượng này.  

Với Đà Nẵng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Đăng Hoàng thông tin, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã thống nhất kế hoạch hỗ trợ cho khoảng 90.000 đối tượng thuộc 3 nhóm với tổng số tiền 92 tỷ đồng. Trong đó, nhóm không có giao kết hợp đồng lao động, gồm: giáo viên, nhân viên các trường mầm non, thuyền viên phục vụ tàu du lịch, lái xe, người phục vụ tại các điểm du lịch, bán vé sổ xố, thợ cắt tóc, giúp việc gia đình, được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.

Tại tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Thu Hiền xác nhận, tỉnh dự kiến dành khoảng 45 tỷ đồng hỗ trợ 30.000 lao động tự do, với mức 1,5 triệu đồng/người và thực hiện chi trả một lần. Nhóm này gồm: người thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; xe ôm, xe công nghệ hai bánh; người bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lao động giúp việc gia đình…

Bà Hiền cho biết, đến nay tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch hỗ trợ, trong đó phân cấp rõ ràng cho các cấp, vì thế việc chi trả sẽ sớm được triển khai ngay.

Tỉnh Bình Dương cũng cho biết sẽ hỗ trợ một lần cho khoảng 40.000 lao động tự do với mức 1,5 triệu đồng/người với tổng số tiền khoảng 70 tỷ đồng.

Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến dành hơn 345 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 125.000 lao động bị ảnh hưởng. Riêng nhóm lao động tự do, mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người, nếu tiếp tục mất việc được thêm 1 triệu, song không quá 3,5 triệu đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ cho 3.500 người bán vé số với mức 750.000 đồng/ người, tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng từ nguồn của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh.

 
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động có việc làm phi chính thức tiếp tục tăng, với 20,9 triệu người trong quý 2/2021, đưa quý 2 trở thành quý có tỷ lệ lao động phi chính thức ở mức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây.
Điều này chứng tỏ những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã không chỉ tước đi cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động mà còn đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate