April 17, 2024 | 09:54 GMT+7

Các doanh nghiệp bố trí lịch nghỉ 30/4 - 1/5 linh hoạt và phù hợp

Thu Hằng -

Mặc dù lịch nghỉ dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài liên tục trong 5 ngày chỉ áp dụng đối với khu vực nhà nước, song nhiều doanh nghiệp đã lên phương án dự kiến cho người lao động nghỉ theo lịch chung. Những đơn vị khác sẽ linh hoạt bố trí nghỉ phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo nguyện vọng của người lao động...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện lịch hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nghỉ 5 ngày liên tục. Thời gian từ thứ Bảy ngày 27/4, đến hết thứ Tư ngày 1/5, làm bù vào ngày thứ Bảy ngày 4/5.

DOANH NGHIỆP CỐ GẮNG XẾP LỊCH NGHỈ THEO NGUYỆN VỌNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Đối với khu vực doanh nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cho người lao động như quy định đối với khu vực nhà nước.

Mặc dù không bắt buộc thực hiện theo lịch nghỉ chung, nhưng theo ghi nhận nhiều doanh nghiệp đang dự kiến phương án nghỉ như nhà nước, hoặc sắp xếp lịch nghỉ và làm bù phù hợp để đảm bảo theo nguyện vọng của người lao động.

Bà Lê Thị Phượng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ Hàng không Việt Nam, cho biết dù là doanh nghiệp nhưng theo nguyện vọng của người lao động nên đơn vị cũng sắp xếp lịch nghỉ liền mạch.

Hiện công ty vẫn làm việc vào sáng thứ Bảy, nên ngày làm việc thứ Hai (29/4) sẽ hoán đổi làm bù vào chiều thứ Bảy kế tiếp. Theo bà Phượng, dù lịch nghỉ 30/4 – 1/5 năm nay được quyết định có “hơi gấp” song nhìn chung doanh nghiệp không gặp nhiều khó khăn, sẵn sàng bố trí lại thời gian làm việc để tạo điều kiện cho người lao động theo lịch chung.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư công nghệ Đại Sỹ, cho rằng với phương án hoán đổi ngày làm việc đã được thống nhất thì các doanh nghiệp sẽ thực hiện theo đúng quy định, nếu có khó khăn cũng phải tìm cách khắc phục.

Theo ông Kha, dù lịch nghỉ lễ dịp 30/4 – 1/5 theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ áp dụng với khối công chức, viên chức, nhưng khi đơn vị lấy ý kiến của người lao động, thì họ đều có mong muốn được nghỉ liên tục dịp này để về quê. Do đó, công ty cũng sắp xếp lịch nghỉ hoán đổi theo đúng lịch của nhà nước.

“Việc hoán đổi ngày làm việc cũng không tạo ra xáo trộn lớn, nhưng với doanh nghiệp quyết định này hơi gấp gáp. Hơn nữa, vấn đề của doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm các chi phí cho người lao động về tiền lương làm thêm giờ”, ông Kha cho hay.

Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết từ trước đến nay, đơn vị đều có phương án dự phòng về việc sắp xếp lịch nghỉ, theo lịch của nhà nước hay nguyện vọng cá nhân của của người lao động. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ cố gắng đáp ứng và tạo điều kiện theo phần lớn người lao động mong muốn.

Hiện nay, công ty này đang làm việc cả thứ Bảy, nên theo lịch công nhân và người lao động của đơn vị nghỉ 4 ngày, từ Chủ Nhật ngày 28/4, đến thứ Tư ngày 1/5. Với ngày thứ Hai 29/4, người lao động sẽ có 2 phương án lựa chọn, là nghỉ không lương, hoặc làm bù vào thời gian làm thêm giờ các ngày thường.

“Tuy nhiên, thông thường công ty chúng tôi vẫn thực hiện theo lịch nghỉ chung của nhà nước, thậm chí vào dịp Tết còn cho người lao động nghỉ dài hơn”, ông Khang chia sẻ.

ĐẢM BẢO THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ CÁC CHẾ ĐỘ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Nhìn chung việc hoán đổi ngày làm việc không gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp, song đại diện Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư công nghệ Đại Sỹ, cho rằng doanh nghiệp khu vực tư nhân rất mong muốn các ngày nghỉ lễ, Tết nên có phương án cố định ngay từ đầu năm.

Việc này sẽ giúp công ty có thời gian chuẩn bị, sắp xếp lịch từ trước, thuận tiện cho bố trí kế hoạch sản xuất, bởi “không ai muốn phát sinh để chạy theo cả”.

Phương án nghỉ trong các doanh nghiệp sẽ tùy vào tình hình thực tế của đơn vị. Ảnh minh họa: Nhật Dương.
Phương án nghỉ trong các doanh nghiệp sẽ tùy vào tình hình thực tế của đơn vị. Ảnh minh họa: Nhật Dương.

Theo phản ánh từ công đoàn cơ sở tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị cũng đang bố trí, sắp xếp lại lịch làm việc phù hợp với đơn hàng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã bố trí cho người lao động được nghỉ 4 - 5 ngày liên tiếp, giúp họ có thời gian nghỉ lễ dài ngày, tái tạo sức lao động để làm việc tốt hơn, hay về quê thăm gia đình.

Còn nếu không thực hiện theo lịch nghỉ của khối nhà nước, ở khu vực doanh nghiệp sẽ có hai trường hợp về lịch nghỉ 30/4 - 1/5. Theo đó, nếu thực hiện nghỉ ngày thứ Hai (29/4), người lao động sẽ được nghỉ liên tiếp 4 ngày, từ Chủ Nhật (28/4) đến hết ngày thứ Tư (1/5), và sắp xếp ngày làm bù thích hợp.

Trường hợp nếu không nghỉ ngày thứ Hai, người lao động sẽ được nghỉ Chủ Nhật (28/4), thứ Ba (30/4) và thứ Tư (1/5). Ngày thứ Hai vẫn sẽ đi làm bình thường.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khuyến khích các doanh nghiệp dù áp dụng lịch nghỉ chung hay tùy phương án sắp xếp theo tình hình thực tế, thì vẫn cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, khuyến khích những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động.

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, trong năm nay người lao động sẽ chỉ còn một dịp nghỉ cuối cùng vào ngày Quốc khánh. Dịp nghỉ này cũng sẽ kéo dài trong 4 ngày, từ thứ Bảy ngày 31/8/2024, cho đến hết thứ Ba ngày 3/9/2024, áp dụng đối với khu vực nhà nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate