Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây đưa ra phương án đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4, và ngày Quốc tế Lao động 1/5, để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Đề xuất đưa ra trong bối cảnh năm 2024, dịp nghỉ lễ 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 có ngày 29/4/2024 (thứ Hai) nằm giữa ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ hằng tuần.
Do đó, Bộ này đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4/2024), và làm bù sang ngày khác để dịp nghỉ 30/4, 1/5 năm nay, người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Cơ quan này cũng lý giải, việc kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày góp phần kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc hoán đổi này cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Đề xuất này sau khi được thông tin đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với VnEconomy chiều 5/4, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói việc hoán đổi ngày nghỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất rõ ràng sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Bởi doanh nghiệp phải điều chỉnh lại các kế hoạch sản xuất kinh doanh, và việc phân công ca kíp để đảm bảo việc làm.
Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đây có thể là cơ hội để tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng, tăng nhu cầu phục vụ khách hàng trong dịp này.
“Quan điểm của doanh nghiệp chúng tôi là cũng nhất trí với đề xuất, để tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi. Doanh nghiệp sẽ cố gắng khắc phục những khó khăn, sắp xếp làm sao để có phương án hợp lý trong điều tiết công việc của mình”, ông Hoàng Quang Phòng cho hay.
Về thời điểm đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra trong bối cảnh còn chưa đầy một tháng nữa là đến dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, ông Phòng thừa nhận việc này về cơ bản cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc sắp xếp.
Theo ông, thực tế doanh nghiệp thường đã lên các kế hoạch sản xuất kinh doanh từ trước, cũng như bố trí sẵn lực lượng lao động. “Vì thế, tự dưng hoán đổi thêm một ngày nghỉ nữa cũng khó khăn nhưng doanh nghiệp cũng phải khắc phục thôi”, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Nhìn chung phía doanh nghiệp sản xuất ít nhiều có sự đảo lộn trong bố trí phương án sản xuất, song trong bối cảnh hiện tại cũng phải chấp nhận, thậm chí đây cũng có thể là cơ hội của nhiều doanh nghiệp trong một số lĩnh vực khác.
“Việc này cũng cần cân bằng giữa doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề, tạo sự hợp lí trong phương án hoán đổi”, Phó Chủ tịch VCCI nêu quan điểm.
Đại diện VCCI cũng cho biết sau khi nhận được thông tin đề xuất này, tới đây đơn vị sẽ thông báo kịp thời đến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Sau khi tổng hợp ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp, VCCI sẽ gửi báo cáo góp ý chính thức về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động, và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực lao động, việc làm, cũng nêu ý kiến đồng tình đề xuất hoán đổi ngày nghỉ, cho rằng hợp lý nếu nhìn ở góc độ người lao động.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, chuyên gia nhìn nhận sẽ không tránh khỏi việc có nhiều doanh nghiệp không tán thành với phương án đề xuất của cơ quan quản lý lao động.
Theo chuyên gia, nếu đề xuất được thông qua, doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh lại các kế hoạch sản xuất, tuy nhiên phần đông người lao động được hưởng lợi.
Bởi thực tế phần lớn công nhân lao động đều đến từ các vùng quê, nên việc có kỳ nghỉ dài ngày sẽ giúp người họ có thêm thời gian nghỉ ngơi, về thăm quê.
Tương tự, như lý giải của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chuyên gia cho rằng việc này cũng giúp kích cầu du lịch, tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của công chức, người lao động.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, từ năm 2021, người lao động có thêm một ngày nghỉ dịp Quốc khánh, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm lên 11 ngày. Trong những ngày nghỉ lễ, Tết, người lao động được nghỉ làm việc song vẫn được hưởng nguyên lương.
Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực tế hiện nay số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam vẫn đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5- 6 ngày.