Ngày 18/9/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ phục hồi sản xuất trồng trọt sau bão, lũ tại các tỉnh, thành phố phía Bắc”. Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết bão số 3 (bão Yagi) gây thiệt hại rất nặng nề cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền Bắc.
CẦN HÀNG CHỤC NGHÌN TẤN GIỐNG LÚA, RAU MÀU
Riêng đối với cây lúa, đã có 200.000ha bị ngập lụt, ước tính thiệt hại khoảng 3.000 tỉ đồng. Đối với hoa màu và cây ăn trái thiệt hại khoảng 1.250 tỉ đồng.
"Rất đau xót, rất thương tâm, nhiều vùng ngập lụt đến tận ngọn cây chuối, nhiều khu vực trồng cây cảnh, cây ăn trái giá trị nhiều tỉ đồng đều ngập trong lũ. Có những ruộng lúa chuẩn bị gặt mà chưa gặt được, ngập lụt khiến lúa nảy mầm không khác gì giá đỗ", Thứ trưởng Hoàng Trung chia sẻ.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3 có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%, riêng ngành nông nghiệp giảm 0,33%, con số giảm rất lớn từ trước đến nay và đây là thiệt hại rất lớn đối với bà con nông dân.
Thứ trưởng Hoàng Trung cũng cho biết thứ Hai (ngày 16/9), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã họp và chỉ đạo thứ trưởng và các lĩnh vực chủ động với tinh thần cao nhất, chung tay lớn nhất để giúp đỡ bà con ở các địa phương khắc phục hậu quả.
“Để sớm có nguồn lực phục hồi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng rất trách nhiệm, cùng chung tay chia sẻ với sự mất mát của người dân. Bộ sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp với khả năng cao nhất, tình thần nhanh chóng, kịp thời nhất để hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất”.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết đến nay, ảnh hưởng do bão số 3 và mưa lũ đã làm 312.000ha cây trồng bị thiệt hại. Trong số đó, ước tính có khoảng 200.000ha lúa bị thiệt hại trên 70%, 15.000ha thiệt hại từ 30-70%; cây rau màu bị thiệt hại 51.000ha (riêng cây ngô 36.000); 61.000ha cây ăn quả, cây công nghiệp bị thiệt hại…
Về khắc phục diện tích bị thiệt hại, bà Hương khuyến cáo đối với lúa, nông dân cần tranh thủ làm vệ sinh đồng ruộng, tiêu thoát nước để chuẩn bị gieo trồng cây vụ Đông sớm, ưu tiên những loại rau ăn lá, rau ngắn ngày. Với rau màu, nông dân cần chủ động kiểm tra, thoát nước kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất hạt giống rau để gieo trồng lại với diện tích không có khả năng phục hồi những loại rau ăn lá, ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.
Để khắc phục thiệt hại trên, tổng hợp nhu cầu hạt giống hỗ trợ địa phương khôi phục sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết cần khoảng 15.000 tấn lúa giống để gieo trồng vụ đông xuân. Đối với giống rau cần khoảng 112,5 tấn, giống ngô cần khoảng 1.080 tấn để sản xuất vụ đông tới. Trong khi đó, lượng giống trong kho dự trữ quốc gia chỉ còn ít, như giống lúa phù hợp với các tỉnh phía Bắc chỉ còn hơn 4.100 tấn, giống rau còn 250kg, giống ngô còn 275,4 tấn.
Trước nhu cầu cây giống trên, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng và học viện, viện, trường đại học về việc chuẩn bị giống cây trồng nông nghiệp phục vụ sản xuất các tỉnh phía Bắc. Theo đó, các đơn vị xem xét, chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa bão.
Cục Trồng trọt cũng đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng không nâng giá bán giống cây trồng trong dịp này nhằm góp phần giúp bà con nông dân vùng mưa bão giảm bớt khó khăn, khắc phục sản xuất để sớm ổn định đời sống.
NHIỀU DOANH NGHIỆP CAM KẾT HỖ TRỢ NÔNG DÂN
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed), kiêm chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, cho rằng thiệt hại do bão số 3 là không thể kể hết được, rất đau xót.
Để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất và đời sống, ThaiBinh Seed sẽ hỗ trợ 30 tấn giống ngô, 20 tấn giống lúa (tương đường 3 tỷ đồng) và sẽ trao trực tiếp tới bà con thông qua sự phân bổ của Bộ.
“Đối với hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi đăng ký tên các giống và số lượng, khi bộ phân bổ giống nào, số lượng bao nhiêu cho địa phương nào, thì chúng tôi có trách nhiệm giao đến tận nơi để thực sự có hiệu quả cho bà con nông dân. Đồng thời chúng tôi cam kết sẽ không tăng giá các loại giống để yên tâm sản xuất”, ông Trần Mạnh Báo khẳng định.
Đại diện Công ty Bayer Việt Nam, ông Nguyễn Trường Vương cho biết công ty quyết định hỗ trợ 20 tấn giống ngô (tương đương với 2,4 tỷ đồng) cho người dân các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ. Thời gian tới, công ty cũng đã có chủ trương nhập khẩu các loại hạt giống rau màu để tiếp tục hỗ trợ bà con với mức giá ưu đãi nhất.
Cập nhật đến 11 giờ ngày 18/9, đã có 18 doanh nghiệp, hiệp hội… đã ủng hộ cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… cùng tiền mặt trị giá 15,2 tỷ đồng. Điển hình Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền ủng hộ giống cây trồng, vật tư, phân bón trị giá 3 tỷ đồng/mỗi doanh nghiệp. Công ty CP Việt Nam cam kết hỗ trợ nông dân các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai giống ngô và 1,2 tỷ đồng tiền mặt.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng thiệt hại sau bão số 3 rất lớn và nặng nề, chính vì vậy rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng các doanh nghiệp, các hiệp hội. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần xác định rõ người dân cần gì, chứ không phải chúng ta có gì là đem ủng hộ cho bà con thứ đó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với các địa phương để tìm hiểu rõ nhu cầu thực tế của từng địa phương, nhu cầu của bà con. Nếu là giống thì các loại giống gì, các loại vật tư gì… Trên cơ sở đó Bộ sẽ lập danh sách để các doanh nghiệp có thể phân bổ tận nơi với mục tiêu tiền, hàng sẽ đến được tay người dân thiết thực và hiệu qủa nhất.
"Bộ cũng đã giao cho Cục Trồng trọt thống kê đầy đủ, ghi nhận, tri ân những đóng góp của các doanh nghiệp, sau đó lên kế hoạch cụ thể tới từng địa phương, cân đối theo nhu cầu của từng địa phương và mời các doanh nghiệp cùng Bộ đi trao quà hỗ trợ cho từng địa phương", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.