Bộ Giao thông Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số vốn lên tới 71.288 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, tổng số vốn đã giải ngân đạt 43.188 tỷ đồng, tương đương 60,58% kế hoạch cả năm, cao hơn 13,5% so với mức bình quân chung của cả nước.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, kết quả này thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ trong việc đảm bảo tiến độ giải ngân, đồng thời minh chứng cho sự quyết tâm vượt qua các rào cản kỹ thuật, tài chính để hoàn thành những mục tiêu đề ra.
ĐIỂM SÁNG TỪ TỐC ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN
Trong số các nguồn vốn được phân bổ, gần 24,3 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân cho các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam, chiếm 56% tổng giá trị giải ngân. Đây là tuyến cao tốc đóng vai trò huyết mạch kết nối hai đầu đất nước, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương.
Bên cạnh đó, các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã giải ngân hơn 2,6 nghìn tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch. Đối với các dự án trong nước khác, số vốn đã giải ngân gần 13 nghìn tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch.
Để đạt được kết quả đó, trong chín tháng đầu năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải tiến hành khởi công đồng loạt nhiều dự án đóng vai trò then chốt trong chiến lược mở rộng và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia.
Đồng thời tăng cường năng lực vận tải và cải thiện kết nối giữa các vùng miền. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn hay Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng.
Chiếm 56% tổng giá trị giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải là các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Cùng đó là dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để tổ chức lại giao thông; Dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80 QL4B qua tỉnh Lạng Sơn và dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang.
Đặc biệt, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 hiện đang là một trong những dự án trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải. Tuyến đường này bao gồm nhiều dự án thành phần, trải dài qua nhiều địa phương và có tầm quan trọng chiến lược trong việc cải thiện khả năng kết nối từ Bắc vào Nam.
Đến nay, 6 dự án thành phần đã đăng ký rút ngắn thời gian hoàn thành và dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 30/4/2025, bao gồm Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ và Vân Phong - Nha Trang. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu thời gian di chuyển giữa các tỉnh thành mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế, xã hội và du lịch tại những vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn có công trình hầm dài 3,2 km đã được Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ dự án ngay trong năm 2025.
MỘT SỐ DỰ ÁN VẪN CHẬM TIẾN ĐỘ
Mặc dù vậy, quá trình triển khai các dự án này không hề dễ dàng. Các vấn đề về giải phóng mặt bằng, thiếu hụt vật liệu xây dựng và các yếu tố liên quan đến thời tiết, địa chất đã và đang trở thành những rào cản lớn ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Đơn cử như Dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án này vẫn chưa đạt được tiến độ bàn giao mặt bằng như kế hoạch đề ra.
Cụ thể, chỉ có dự án thành phần 3 – đi qua địa phần tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bàn giao mặt bằng thi công đáp ứng yêu cầu. Dự án thành phần 1 và 2 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến nay mới được bàn giao khoảng 40%, chưa đảm bảo mặt bằng để triển khai thi công đồng loạt trên hiện trường.
Nguyên nhân của sự chậm trễ này chủ yếu là do công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại địa bàn tỉnh Đồng Nai tiến hành rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.
Bên cạnh đó, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu còn phải đối mặt với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao hơn so với dự kiến ban đầu và nhu cầu bổ sung thêm nút giao tại Mỹ Xuân - Ngãi Giao để nâng cao năng lực vận tải, kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với sân bay Long Thành.
Được biết, theo ước tính, tổng mức đầu tư dự án này cần điều chỉnh tăng thêm khoảng 5.400 tỷ đồng, một con số không nhỏ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch và thời gian thi công.
Không chỉ có tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng gặp phải những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và triển khai thi công.
Theo đó, dự án thành phần 1 còn khoảng 3 km vẫn chưa được giải phóng mặt bằng hoàn toàn, trong khi dự án thành phần 2còn khoảng 1,5 km trên địa phận huyện Krông Bôn vẫn còn một số vị trí cầu chưa thể tiếp cận để thi công do phải chờ di dời, chặt hạ rừng tự nhiên.
Đường công vụ phục vụ thi công dự án thành phần 2 cũng đang gặp khó khi vẫn còn một số vị trí cầu chưa thể tiếp cận để triển khai thi công do đang giải quyết vấn đề liên quan đến đất rừng tự nhiên.
Đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam, hai đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau vẫn đang gặp khó khăn nghiêm trọng về nguồn cát san lấp. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần trực tiếp làm với các địa phương cũng như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết vấn đề nhưng việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu còn chậm. Chính điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và thời gian hoàn thành các dự án.
Ngoài ra, đối với dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống điện cao thế, cũng đang gặp nhiều trở ngại. Theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, đây là khâu khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành các dự án thành phần chính là nguồn vật liệu đắp bởi với đặc thù toàn bộ các dự án thành phần đều đi qua khu vực đất yếu cần đắp gia tải, chờ lún trong khoảng 10 - 12 tháng nên tiến độ triển khai dự án chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, đặc biệt trong công tác thi công nền đường, xử lý nền đất yếu.
THÁO GỠ VƯỚNG MẮC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ
Đứng trước tình trạng thiếu hụt nguồn cát nghiêm trọng, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định thí điểm sử dụng cát biển thay thế cho cát sông trong một số dự án trọng điểm.
Theo đó, việc sử dụng cát biển đã được triển khai trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau và dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một giải pháp mang tính đột phá trong bối cảnh nguồn cát sông ngày càng khan hiếm và việc khai thác cát trên sông tiềm ẩn nhiều rủi ro về sạt lở và tác động môi trường.
Mặc dù việc sử dụng cát biển đòi hỏi sự kiểm soát nghiêm ngặt về các yếu tố môi trường, cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức kỹ thuật trong quá trình khai thác và vận chuyển, nhưng đây được xem là một hướng đi mới mang tính bền vững. Nếu thành công, giải pháp này không chỉ giúp giảm áp lực về nguồn cung cát mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái sông ngòi và bờ biển.
Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông Vận tải đã tăng cường phối hợp với các địa phương, đẩy mạnh công tác bồi thường và tái định cư, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ tại các dự án quan trọng. Các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng đã cam kết đẩy nhanh quá trình thu hồi đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công đồng bộ.
Song song đó, việc điều chỉnh kế hoạch và nguồn vốn đầu tư cho các dự án cũng đang được Bộ Giao thông Vận tải triển khai một cách chủ động. Theo đó, Bộ đã tiến hành thẩm định và hoàn thiện các hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời làm việc với các bộ, ngành và cơ quan liên quan để giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh.