Dự án có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m. Ở giai đoạn phân kỳ, tuyến đường có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22m, mặt đường 14m; Tổng mức đầu tư của dự án là 2.113 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng hơn 951 tỷ đồng. Trên toàn đoạn tuyến có tổng số hồ sơ cần giải tỏa mặt bằng là 1.216 hồ sơ, 3.275 ngôi mộ; trong đó, giải toả 272 hồ sơ là đất ở, với nhu cầu 792 lô đất tái định cư cần được bố trí.
Dự án đi qua địa bàn các xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn và Hòa Liên của huyện Hòa Vang. Tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 60,7873ha. Trong đó, tổng số thửa đất trên toàn tuyến là 1.220 thửa; số hộ bị ảnh hưởng khoảng 600 hộ và số hộ tái định cư 272 hộ; số mồ mả phải di dời là 3.298 mộ.
Theo ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng do nhiều nguyên nhân, trong đó, có 7 vướng mắc, khó khăn là nguyên nhân chính đang được các đơn vị chức năng của Thành phố và các địa phương huyện Hòa Vang quyết liệt triển khai tháo gỡ.
Những vướng mắc cụ thể đó bao gồm: các văn bản pháp lý liên quan làm cơ sở triển khai công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng thực hiện dự án bị chậm trễ; sức ép về tiến độ cho công tác giải phóng mặt bằng được rút ngắn (ban đầu Chính phủ cho thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30/9/2024, nhưng sau đó rút xuống là ngày 30/6); khối lượng hồ sơ giải tỏa rất lớn, vừa thực hiện dự án vừa hoàn thiện tuyến đường gom với hơn 2.000 hồ sơ. Trong đó, khó khăn lớn nhất đó là việc thiếu đất để bố trí tái định cư, bởi có khoảng 272 hồ sơ đất ở cần bố trí tái định cư, với hơn 792 lô đất tái định cư nhưng hiện nay vẫn còn nhiều khu chưa có đất thực tế, dẫn đến việc vận động các hộ giải tỏa đất ở và các hộ có nhà trên đất hiện đang ở gặp rất nhiều khó khăn…
Tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực của chính quyền các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) và các cơ quan chức năng của thành phố, đến thời điểm hết 30/6, các địa phương đã bàn giao 1.075/1.216 hồ sơ (đạt tỉ lệ 88,5%) mặt bằng cho đơn vị thi công dự án, tính trên chiều dài tuyến là 10,05km/11,47km của đoạn cao tốc này.
Để dự đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch thi công toàn tuyến cao tốc hoàn thành trong năm 2025, Huyện ủy Hòa Vang đã phân công các Ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp chỉ đạo và tham gia với các xã nói trên tiếp dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, phát sinh thuộc thẩm quyền của huyện. UBND huyện Hòa Vang đã thành lập 3 tổ công tác giải phóng mặt bằng tại các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Nhơn do chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng và thường trực Đảng ủy xã cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể là thành viên vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho biết để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, UBND huyện đã rà soát đôi chiếu đầy đủ các văn bản thủ tục pháp lý, chủ động chuẩn bị các phương án cần thiết để công tác bàn giao mặt bằng được thực hiện an toàn và đúng tiến độ.
Các tổ công tác đã đến tận từng nhà dân nằm trong dự án để giải thích cho người dân nắm rõ quyền và lợi ích khi triển khai dự án, qua đó, đã thuyết phục các hộ dân tự giác bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện để chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công triển khai dự án được thuận lợi, nhằm bảo đảm tiến độ đề ra.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, hiện địa phương chỉ còn 32 hồ sơ/1.220 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, Huyện đang tập trung vận động người dân bàn giao mặt bằng hết số hồ sơ này, phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng trong tháng 9/2024, hạn chế đến mức thấp nhất việc buộc phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân này.
Đoạn tuyến cao tốc Túy Loan - Hòa Liên qua địa bàn huyện Hòa Vang, Đà Nẵng thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam, là công trình trọng điểm quốc gia, thời gian qua được Thủ tướng Chính phủ và Thành phố Đà Nẵng chỉ đạo rất quyết liệt. Dự án hoàn thành sẽ kết nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào cao tốc Túy Loan - La Sơn - Cam Lộ, sẽ thông thương toàn tuyến cao tốc dài gần 300 km từ tỉnh Quảng Trị qua các địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Quảng Ngãi, góp phần giảm tải đáng kể lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 1A đi qua địa bàn các tỉnh miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực.