March 22, 2023 | 13:20 GMT+7

Các hãng dược đua nhau tăng giá, trong đó có vaccine Covid-19

Hoài Phương -

Moderna hiện có kế hoạch tăng giá vaccine Covid-19 của hãng này từ 26 USD lên 130 USD/liều tại Mỹ trong thời gian tới…

Ảnh: USA Today
Ảnh: USA Today

Bên cạnh Mordena, nhiều hãng dược phẩm có kế hoạch tăng giá đối với hơn 350 loại thuốc tại Mỹ trong năm 2023. Những hãng dược phẩm dự kiến tăng giá thuốc bao gồm Pfizer, GlaxoSmithKline, Bristol Myers Squibb, AstraZeneca và Sanofi. Việc tăng giá này dự kiến sẽ diễn ra khi ngành dược phẩm Mỹ chuẩn bị cho Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Tổng thống Biden cho phép chương trình y tế Medicare của Chính phủ nước này đàm phán giá trực tiếp đối với một số loại thuốc bắt đầu từ năm 2026.

Theo Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid (CMS), chính phủ Mỹ cũng sẽ áp dụng hình phạt đối với các công ty dược phẩm có mức tăng giá chương trình chăm sóc sức khỏe và y tế vượt quá tỷ lệ lạm phát bắt đầu từ năm 2025. Một quan chức thuộc CMS nêu rõ, chương trình giảm lạm phát giá thuốc theo đơn sẽ yêu cầu các hãng dược phẩm đã tăng giá thuốc quá mức phải trả khoản tiền chênh lệch.

Theo đó, các công ty tăng giá cao hơn tỷ lệ lạm phát sẽ phải trả cho Medicare phần chênh lệch dưới hình thức giảm giá. Những công ty không thanh toán khoản chênh lệch sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt bằng 125% số tiền chênh lệch. CMS cho biết sẽ xem xét các ý kiến góp ý trước ngày 11/3 tới để sửa đổi hướng dẫn mà cơ quan này dự định ban hành vào cuối năm nay. Bắt đầu từ ngày 1/4, chi phí vượt quá khả năng chi trả của người tiêu dùng Mỹ sẽ được tính dựa trên giá thuốc đã điều chỉnh theo lạm phát.

Theo truyền thông Mỹ, ngành công nghiệp này cũng đang phải đối mặt với lạm phát và những hạn chế trong chuỗi cung ứng dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn. Các mức tăng dựa trên giá niêm yết, không bao gồm các khoản giảm giá cho người quản lý lợi ích của nhà thuốc và các khoản giảm giá khác. Cho đến nay, Pfizer đã công bố mức tăng nhiều nhất, với giá tăng đối với 89 nhãn hiệu thuốc độc quyền và tăng thêm đối với 10 nhãn hiệu thuốc tại chi nhánh Hospira.

Các khoản tăng của Pfizer bao gồm tăng 6% giá thuốc Xeljanz, thuốc điều trị các bệnh tự miễn bao gồm viêm khớp dạng thấp và viêm loét đại tràng, và tăng 7,9% đối với thuốc trị ung thư Ibrance và Xalkori. Người phát ngôn của Pfizer cho biết trong một email rằng giá niêm yết trung bình của công ty đối với thuốc và vaccine vào năm 2023 thấp hơn nhiều so với lạm phát chung ở mức khoảng 3,6%, đồng thời lưu ý rằng việc tăng giá là cần thiết để hỗ trợ đầu tư vào nghiên cứu và bào chế thuốc.

Nhiều hãng dược phẩm có kế hoạch tăng giá đối với hơn 350 loại thuốc tại Mỹ trong năm 2023.
Nhiều hãng dược phẩm có kế hoạch tăng giá đối với hơn 350 loại thuốc tại Mỹ trong năm 2023.

Tiếp theo là GSK, với kế hoạch tăng cho đến nay đối với 26 loại thuốc độc quyền, trong đó có mức tăng gần 7% đối với vaccine phòng bệnh zona nổi tiếng Shingrix. Các mức tăng đáng chú ý dự kiến bao gồm việc tăng giá 9% đối với các liệu pháp tế bào CAR-T của Bristol Myers Squibb là Abecma và Breyanzi, cả hai đều đã có giá hơn 400.000 USD cho các phương pháp điều trị ung thư máu.

AstraZeneca dự kiến sẽ tăng giá trong phạm vi 3% đối với thuốc điều trị ung thư máu Calquence, thuốc điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ Tagrisso và thuốc điều trị hen suyễn Fasenra. Người phát ngôn của công ty Brendan McEvoy cho biết: "AstraZeneca luôn thực hiện một cách tiếp cận cẩn thận về giá cả và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trên cơ sở xem xét nhiều yếu tố".

Sanofi có kế hoạch tăng giá đối với 14 loại thuốc hoặc vaccine của mình. Người phát ngôn của Sanofi cho biết, việc định giá thuốc năm 2023 của nhà sản xuất dược phẩm này là nhất quán với cách tiếp cận định giá có trách nhiệm, tuân thủ những chính sách của chính phủ và nhu cầu đáp ứng các xu hướng đang phát triển trên thị trường.

Theo lời Chủ tịch Moderna Stephen Hoge, công ty này dự kiến ​​​​định giá vaccine Covid-19 ở mức khoảng 130 USD/liều tại Mỹ trong thời gian tới. "Hiện chúng tôi có những khách hàng khác nhau, thương lượng mức giá khác nhau. Đây là lý do vì sao có sự điều chỉnh giá", chủ tịch Moderna, ông Stephen Hoge, phát biểu trước phiên điều trần Quốc hội Mỹ, ngày 20/3 vừa qua.

Trước đây, Moderna xem xét bán vaccine với giá 110 USD đến 130 USD, tương tự giá được Pfizer công bố vào tháng 10 năm ngoái. Hiện, đại diện hãng cho biết trong 3 tháng đầu năm, số ca nhập viện và tử vong do Covid cao gấp 2 - 3 lần so với do bệnh cúm. Trong khi chương trình sức khỏe Medicare của chính phủ dành cho người cao tuổi chỉ trả 70 USD/liều vaccine cúm mùa. Do đó, Moderna căn cứ vào những yếu tố trên để định giá vaccine Covid-19.

Vào năm 2020, khi vaccine vừa xuất xưởng, Moderna bán từ 32 đến 37 USD một liều (hai liều khoảng 70 USD) cho chính phủ Mỹ. Giai đoạn này, yếu tố định giá vaccine là thời gian điều chế, năng lực sản xuất, quá trình đệ đơn phê duyệt, nhu cầu y tế, sự hiệu quả và sức cạnh tranh. Đến nay, chính quyền Joe Biden cho biết tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do đại dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng 5. Sau đó, các cuộc đàm phán về giá cả vaccine sẽ được chính phủ chuyển cho công ty bảo hiểm và những đơn vị mua bán khác.

Bernie Sanders, chủ tịch Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí của Thượng viện, cho biết Moderna không nên tăng giá vaccine của mình vì bởi trước đó, họ đã nhận được khoản viện trợ của chính phủ. Ông dự định chất vấn giám đốc điều hành Moderna một lần nữa về vấn đề này vào phiên điều trần ngày 22/3. Nhưng theo lời Chủ tịch Stephen Hoge, thông qua việc bán số lượng vaccine tương tự Pfizer cho chính phủ với giá dưới 3 tỷ USD, Moderna đã hoàn trả nhiều hơn khoản hỗ trợ liên bang. Bên cạnh đó, công ty cũng tự bỏ tiền tăng cường sản xuất vaccine.

Sau tháng 5, các cuộc đàm phán về giá cả vaccine sẽ được chính phủ Mỹ chuyển cho công ty bảo hiểm và những đơn vị mua bán khác.
Sau tháng 5, các cuộc đàm phán về giá cả vaccine sẽ được chính phủ Mỹ chuyển cho công ty bảo hiểm và những đơn vị mua bán khác.

Theo ông Sanders, ông không thể nghĩ ra một lời biện minh nào cho việc tăng giá vaccine ngoài việc mang lại lợi ích cho các cổ đông của Moderna. Việc tăng giá vaccine nói trên sẽ không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của những người Mỹ bình thường, nhiều người trong số họ không có bảo hiểm, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến ngân sách của các chương trình như Medicaid, chương trình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các gia đình có thu nhập thấp. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho những người nộp thuế nghèo.

Theo Reuters, nhu cầu về vaccine giảm mạnh trong năm nay do sản phẩm này tồn kho trên khắp thế giới cũng như khả năng miễn dịch của người dân tăng lên do tỷ lệ tiêm chủng cao và từng nhiễm bệnh trước đó. Hồi tháng 2, Moderna dự đoán doanh số bán vaccine Covid-19 năm 2023 sẽ giảm đáng kể so với mức 18,4 tỷ USD vào năm 2022. Spikevax, tên thương mại của vaccine ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA) do Moderna phát triển được nhiều nhà phân tích nhận định chỉ có khả năng mang về doanh thu khoảng 7 tỷ USD trong năm 2023.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate