February 03, 2023 | 09:47 GMT+7

Đạt doanh thu kỷ lục 100 tỷ USD, Pfizer thể hiện tham vọng tới năm 2030

Hoài Phương -

Hãng dược phẩm Pfizer đạt doanh thu kỷ lục 100,3 tỷ USD trong năm 2022, trong đó hơn một nửa đến từ việc bán vaccine Covid-19 và thuốc kháng virus Paxlovid…

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Theo báo cáo vừa được công bố, trong số hơn 100 tỷ USD đạt được trong năm 2022, vaccine và thuốc kháng virus Paxlovid của hãng chiếm hơn nửa doanh thu, gần 57 tỷ USD. Vaccine Covid-19 giúp hãng đem về gần 38 tỷ USD, chỉ tăng 3% so với năm 2021 trong tổng doanh số bán hàng của Pfizer do nhu cầu về vaccine chậm lại. Tuy nhiên doanh số bán thuốc điều trị kháng virus của hãng đã bù đắp cho sự sụt giảm đó, tăng lên 19 tỷ USD trong năm 2022.

Sau khi phát hành báo cáo, tờ The Guardian đã gắn nhãn vaccine Pfizer là “một trong những sản phẩm sinh lợi nhất trong lịch sử”. Giám đốc điều hành Pfizer, Tiến sĩ Albert Bourla thì nói rằng “những thành công” trong đại dịch đã “thay đổi Pfizer và văn hóa công ty mãi mãi”. Trong tuyên bố riêng, Giám đốc tài chính Pfizer Frank D'Amelio bày tỏ “tự hào khi thấy công ty đang hoạt động tốt hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong suốt gần 15 năm” ông làm việc ở đây.

Trên thực tế, doanh thu từ vaccine cộng với thuốc điều trị Covid-19 của năm 2022 còn nhiều hơn tổng doanh thu của Pfizer trong năm 2019, trước khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu và khiến hơn 6,8 triệu người thiệt mạng. Tuy nhiên, Pfizer dự báo kết quả kinh doanh của năm 2022 sẽ không lặp lại trong năm nay, do nhu cầu về vaccine và thuốc Covid-19 giảm xuống.

Hãng đã thông báo với các nhà đầu tư rằng ước tính doanh thu của năm 2023 sẽ giảm tới 33%, còn khoảng 67 - 71 tỷ USD, vì thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch và chính phủ Mỹ ngừng mua vaccine và thuốc điều trị Covid-19, cũng như ít người muốn tiêm vaccine chống lại dịch bệnh này, theo tờ Politico. “Dự kiến sẽ có ít người tiêm những mũi cơ bản hơn. Và phần lớn chỉ những người lớn tuổi hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn mới tiếp tục tiêm nhắc lại nhiều hơn một lần mỗi năm”, ông Albert Bourla cũng nhận định.

Vaccine Covid-19 giúp hãng đem về gần 38 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2021.
Vaccine Covid-19 giúp hãng đem về gần 38 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2021.

Tuy nhiên, hãng này cũng dự kiến thương mại hóa vaccine vào cuối năm nay. Pfizer dự kiến sẽ chiếm khoảng 2/3 số vaccine Covid-19, trong khi ông Bourla ước tính khoảng 102 triệu mũi vaccine Comirnaty của hãng sẽ được phân phối trong năm nay. Công ty cũng lưu ý rằng chính phủ Mỹ trước đó đã mua một số lượng vaccine Covid-19 nhất định; nhưng trong tương lai, nhu cầu sẽ giảm đi khi vaccine được bán trên thị trường thương mại.

Các giám đốc điều hành của Pfizer không đề cập đến việc họ sẽ định giá bao nhiêu đối với các sản phẩm ngừa Covid-19 trên thị trường thương mại. Tuy nhiên, trước đó, hãng từng tuyên bố rằng giá vaccine sẽ nằm trong khoảng 100 - 130 USD/mũi. Moderna, công ty cũng sản xuất vaccine Covid-19 mRNA, cũng cho biết mức giá từ 110 - 130 USD/mũi.

Doanh thu từ vaccine ngừa Covid-19 trong năm nay của hãng ước đạt 13,5 tỷ USD, giảm 64% so với năm ngoái, trong khi doanh thu từ thuốc Paxlovid ước đạt 8 tỷ USD, giảm 58%. Hãng cũng dự đoán cổ tức sẽ giảm tới 50% còn 3,25 - 3,45/cổ phiếu so với mức kỷ lục 6,58/cổ phiếu của năm 2022.

 
Ông Albert Bourla, Tổng Giám đốc Pfizer, đã công bố kế hoạch phát triển tới năm 2030, với tham vọng doanh thu của hãng sẽ không còn dựa vào đại dịch Covid-19.

Pfizer chuẩn bị tung ra tới 19 sản phẩm mới trong năm rưỡi tới, trong đó có các phẩm "bom tấn" chống virus hợp bào hô hấp (RSV), viêm loét đại tràng, thuốc trị chứng đau nửa đầu, viêm loét ruột già và một vài loại thuốc khác.

Trong khi đó, các nhà phân tích và đầu tư chăm sóc sức khỏe dự đoán các hãng dược phẩm như Pfizer, BioNTech và Moderna Inc vẫn có thể thu về hàng tỷ USD từ mũi tiêm bổ sung trong những năm tới, ngang với mức doanh thu 6 tỷ USD hàng năm từ việc bán vaccine cúm. Giới phân tích dự báo doanh thu trong năm 2023 của Moderna sẽ đạt 7,6 tỷ USD, chủ yếu nhờ doanh thu bán vaccine liều bổ sung.

Theo giới phân tích, nếu việc tiêm mũi vaccine Covid-19 bổ sung là cần thiết đối với công chúng, thị trường vaccine Covid-19 sẽ tương tự với vacicne cúm. Mỗi năm các nhà sản xuất vaccine cung cấp cho thị trường hơn 600 triệu liều vaccine phòng cúm mỗi năm. Hiện có bốn “kỳ phùng địch thủ” sản xuất vaccine cúm tại thị trường Mỹ. Đây cũng là những nhà sản xuất thu được nhiều lợi nhuận nhất, chiếm khoảng 1/2 doanh thu toàn cầu.

Pfizer chuẩn bị tung ra tới 19 sản phẩm mới, trong đó có các phẩm "bom tấn" chống virus hợp bào hô hấp (RSV).
Pfizer chuẩn bị tung ra tới 19 sản phẩm mới, trong đó có các phẩm "bom tấn" chống virus hợp bào hô hấp (RSV).

Theo nhà phân tích Steve Chesney, thuộc Atlantic Equities, tỷ lệ tiêm vaccine phòng cúm ở các nước đang phát triển hiện chiếm khoảng 50% dân số mỗi năm và việc tiêm mũi vaccine Covid-19 bổ sung có thể sẽ diễn ra theo mô hình tương tự với vaccine phòng cúm nếu kế hoạch này được triển khai rộng rãi. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, hiện một liều vaccine phòng cúm có giá dao động từ 18 - 25 USD và cạnh tranh khiến giá vaccine tăng có kiểm soát.

Tuy nhiên, Pfizer và Moderna đều có quyền tăng giá bán liều bổ sung, cho đến khi xuất khi các nhà đối thủ khác. Nhà phân tích Damien Conover của Morningstar cho rằng hiện có nhiều công ty vẫn chưa xuất hiện trên thị trường, và trong một năm tới, tất cả các nhà sản xuất vaccine đều đưa ra kế hoạch triển khai mũi vaccine bổ sung.

Dù sao, với túi tiền cực kỳ rủng rỉnh thu được trong đại dịch, “gã khổng lồ” Pfizer đang chi “không tiếc tay” để hoàn thiện các mảnh ghép của mình. Mới đây, Pfizer công bố thương vụ 5,4 tỷ USD để mua lại Global Blood Therapeutics, nhằm tăng cường khả năng của họ trong lĩnh vực huyết học hiếm gặp. Therapeutics đang sản xuất viên nén Oxybryta để điều trị bệnh hồng cầu hình liềm. Doanh thu của Oxbryta là khoảng 195 triệu USD vào năm ngoái.

Trước đó là thương vụ mua lại Biohaven trị giá 11,6 tỷ USD của Pfizer vào tháng 5/2022 và thương vụ mua lại Arena Pharmaceuticals trị giá 6,7 tỷ USD được công bố vào tháng 12/2021. Aamir Malik, Giám đốc đổi mới kinh doanh của công ty, đã nói với các nhà phân tích gần đây rằng Pfizer đang mạnh dạn tìm kiếm cơ hội mở rộng, đồng thời họ cũng đang tìm kiếm các giao dịch có thể làm tăng tốc độ tăng trưởng trong nửa sau của thập kỷ và có thể tăng thêm giá trị đáng kể về mặt khoa học hoặc thương mại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate