Theo số liệu vừa công bố của Cục Thống kê giao thông vận tải Mỹ, các hãng hàng không nước này thu gần 7 tỷ USD phí vận chuyển hành lý cho khách đi máy bay vào năm ngoái. Cao nhất là American Airlines kiếm được tới 1,4 tỷ USD từ hành lý ký gửi, chiếm hơn 2% tổng doanh thu cả năm của hãng.
Ông Henry Harteveldt, chuyên gia hàng không đến từ Công ty tư vấn Atmosphere Research cho biết, trong nhiều thập kỷ trước, hầu hết hành lý đều được bay miễn phí. Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế khiến các hãng hàng không buộc phải tìm nguồn thu mới: “Giá nhiên liệu tăng cao khiến các hãng bay gặp khó khăn tài chính và buộc phải thu phí vận chuyển hành lý của khách. Khi giá cước vận tải ngày càng tăng, phí vận chuyển hành lý đang trở thành khoản lợi nhuận đáng kể của các hãng hàng không”.
Hiện nay, ngoại trừ Southwest Airlines, cho phép miễn phí 2 gói hành lý ký gửi, hầu hết các hãng hàng không tại Mỹ đều tính phí khá cao, thậm chí tăng 5 USD so với trước đại dịch Covid-19. Cụ thể, Delta Airlines tính cước gói hành lý ký gửi đầu tiên là 30 USD, trong khi JetBlue tính phí 35 USD. Một số hãng giá rẻ như Allegiant, Frontier hay Spririt Airlines còn yêu cầu khách phải trả tiền để được mang hành lý xách tay lên máy bay.
Với hơn hơn 90 triệu hành khách qua các nhà ga mỗi năm, Hartsfield-Jackson Atlanta là một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới. Đi cùng với số lượng hành khách khổng lồ này là hàng triệu chiếc túi xách, va li đủ kích cỡ lớn nhỏ. Vào một ngày bận rộn ở Atlanta, riêng hãng Delta Airlines có thể phải xử lý tới 100.000 kiện hàng ký gửi.
Cô Cynthia Doby, thuộc bộ phận dịch vụ khách hàng của Delta Airlines cho biết: “Mọi thứ đang thay đổi so với trước đây. Mỗi ngày chúng tôi lại nhận thấy, những chiếc túi xách, va li hàng hóa nhiều hơn, các dây chuyền vận tải vì vậy cũng phải lắp đặt với số lượng ngày càng tăng cao”.
Tại châu Âu, để khuyến khích người dân đi du lịch qua đường hàng không, hành khách khởi hành từ Paris trên các chuyến bay của Air France sẽ không cần phải xách hành lý ra sân bay nữa, mà chỉ cần bỏ những địa điểm nhất định trong nội ô, Air France sẽ lo nốt phần còn lại.
Điểm nhận hành lý là những khách sạn nằm ở trung tâm thành phố Paris, như Novotel Tour Eiffel, Mercure Tour Eiffel, Novotel Les Halles, Mercure Montparnasse hay Pullman Bercy. Ngoài ra còn có ở các địa điểm triển lãm chính của các hội chợ thương mại lớn như Paris Expo Porte de Versailles, Trung tâm Triển lãm Villepinte hay trung tâm hội nghị Palais des Congrès.
Công ty khởi nghiệp Alltheway sẽ chịu trách nhiệm nhận hành lý, mang ra sân bay, làm thủ tục và gửi theo chuyến bay của hành khách. Dĩ nhiên, hành lý cũng trải qua đủ quá trình kiểm tra an ninh ở mọi giai đoạn của quy trình. Khách hàng có thể quản lý hành lý của mình thông qua tài khoản cá nhân Alltheway, hoặc tính năng “theo dõi hành lý của tôi” được tích hợp trong ứng dụng Air France, đảm bảo khách du lịch luôn được cập nhật về tình trạng hành lý của mình trong suốt hành trình.
Dịch vụ ký gửi hành lý được cung cấp từ 30 giờ đến 4 giờ trước khi chuyến bay khởi hành, tùy thuộc vào địa điểm trả hành lý. Đối với một kiện duy nhất, dịch vụ có giá 25 Euro, cộng thêm 10 euro cho mỗi túi phụ. Dịch vụ này hiện được áp dụng cho tất cả các chuyến bay do Air France khai thác khởi hành từ sân bay Charles de Gaulle và hãng đang hướng tới mở rộng ưu đãi này cho các chuyến bay khởi hành từ sân bay Orly trong tương lai.
Còn tại châu Á, khách du lịch và doanh nhân tại thủ đô nhộn nhịp của Thái Lan cũng có thể trải nghiệm du lịch liền mạch và rảnh tay khi công ty Airportels cách mạng hóa ngành du lịch với dịch vụ lưu trữ và giao nhận hành lý độc đáo. Theo đó, sau khi hạ cánh, người dùng chỉ cần gửi hành lý của mình tại sân bay và nhận lại tại khách sạn, điều này cho phép họ bắt đầu kỳ nghỉ ngay lập tức. Vào ngày cuối cùng của chuyến đi, họ có thể trả phòng khách sạn và tiếp tục khám phá thành phố mà không cần mang theo hành lý. Đồ đạc của họ sẽ được lưu trữ an toàn và đợi họ tại sân bay.
Airportels cung cấp bảo hiểm lên đến 50.000 baht cho mỗi đơn vị hành lý, giúp giải quyết những lo lắng của khách du lịch về sự an toàn của đồ đạc. Hơn nữa, hành lý được xử lý và giao nhận bởi nhân viên hậu cần chuyên nghiệp, đảm bảo mỗi đơn vị hành lý được xử lý với sự cẩn thận tuyệt đối. Giá vận chuyển một chiều cho mỗi đơn vị hành lý là 299 baht, không giới hạn kích thước và trọng lượng hành lý.
Trước đó, cũng với ý tưởng giúp du khách “nhẹ hóa” hành lý để du lịch thoải mái hơn, hãng hàng không Nhật Bản, Japan Airlines đã tung ra dịch vụ cho thuê quần áo. Với sáng kiến này, “size vali” của mỗi một hành khách khi bay đến Nhật sẽ nhỏ hơn rất nhiều, đồng thời khách du lịch sẽ dễ dàng thuê những trang phục trong chuyến đi với giá cả “phải chăng”.
Có thể nói, tất cả những sáng kiến này đều là nỗ lực kéo khách du lịch quay trở lại của các hãng hàng không. Mặc dù các biện pháp phòng dịch đã được gỡ bỏ hơn 1 năm nhưng tình hình du lịch vẫn chưa hồi phục như mong đợi.
Theo các chuyên gia, rõ ràng lợi nhuận thu được từ vận tải hàng hóa là tiềm năng, nhưng để tránh tình thất lạc, mất mát dẫn tới khách hàng bắt đền, khiếu nại, các hãng hàng không cũng cần đầu tư rất nhiều công sức tiền của. Đặc biệt khó khăn hơn trong bối cảnh hàng không thiếu hụt nhân sự nặng nề sau Covid-19. Được biết, trên các chuyến bay nội địa, các hãng hàng không Mỹ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn mỗi gói hành lý thất lạc lên tới gần 4.000 USD.
Bà Emily McNutt, biên tập viên du lịch của kênh CNN Underscored, nhận định: “Thẻ theo dõi hành lý đã trở nên khá phổ biến vào mùa hè này. Thiết bị giúp họ biết được tài sản của mình đang ở đâu”. Cũng theo bà Emily, nhiều năm trước mọi người thường chỉ đợi các hãng hàng không thông báo cho họ biết về vị trí của hành lý. Chính điều này khiến họ khó xác định vị trí tài sản của mình. Mặc dù thẻ hành lý vẫn chưa thật sự hoàn hảo, chúng đã giúp các du khách biết được chính xác vị trí hành lý của họ.
Tuy nhiên, ngành hàng không dường như vẫn đang loay hoay với câu hỏi liệu thiết bị theo dõi hành lý có thật sự an toàn hay không vì pin lithium có trong các thiết bị theo dõi hành lý cũng là loại vật liệu bị cấm mang lên máy bay. Cũng chính vì thế, hãng hàng không quốc gia Lufthansa (Đức) và hãng hàng không quốc gia Air New Zealand (New Zealand) đã cấm sử dụng một số loại thiết bị theo dõi hành lý.