Theo trang CNBC, lạm phát kéo dài, dịch Covid-19, chi phí năng lượng cao ngất ngưởng, tình trạng thương mại liên quan đến vấn đề Brexit và diễn biến suy thoái đã gây ra khó khăn đối với kinh tế Anh trong thời gian qua. Ngân hàng Anh đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4,5% trong tháng 5, đây là lần tăng lãi suất thứ 12 liên tiếp trong nỗ lực chống lại tình trạng giá cả tăng cao.
Trong khi đó, theo cuộc khảo sát thường kỳ của công ty dữ liệu ECA International mới đây, Vương quốc Anh vẫn là điểm đến đắt đỏ nhất cho người nước ngoài, với mức lương và phúc lợi trung bình của người nước ngoài làm việc tại nước này là 441.608 USD vào năm 2022. Phúc lợi cho nhân viên cũng đã tăng 4% lên 167.594 đô la và đắt nhất thế giới. Người nước ngoài ở Anh hiện đang có xu hướng chuyển đến các quốc gia như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để tận hưởng chi phí sinh hoạt thấp hơn.
Trong bối cảnh châu Âu đang trải qua một mùa hè khắc nghiệt, nước Anh đã trở thành một trong những địa điểm hút khách du lịch nước ngoài tìm kiếm một kỳ nghỉ hè mát mẻ hơn. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch Anh đang báo cáo lượng khách quốc tế có dấu hiệu tăng lên, nhiều khách sạn và hãng hàng không thông báo lượng đặt phòng hay đặt vé "giờ chót" tăng vọt. Đa phần trong số này là du khách Mỹ - những người dự định đến khu vực phía nam của châu Âu, nhưng đã lựa chọn thay thế bằng Anh hoặc Ireland để tránh nóng.
Ở chiều ngược lại, kể từ khi các quy định thông hành mới sau Brexit được áp dụng, số lượng du khách Pháp và Đức tới Anh lại bắt đầu giảm mạnh. Các công ty dịch vụ du lịch cũng đang lo ngại về kế hoạch triển khai việc xin trên mạng giấy phép du lịch điện tử (ETA), bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 10/2023. Mô hình này tương tự như hệ thống ESTA của Hoa Kỳ, ngay cả thành phần khách du lịch không cần phải xin thị thực nhập cảnh trước khi tới Anh cũng sẽ phải nộp phí trực tuyến để xin giấy phép du lịch điện tử ETA.
Trước mắt, theo đánh giá của nghiệp đoàn Tourism Alliance, hệ thống ETA sẽ làm cho mọi thứ càng trở nên rắc rối phức tạp hơn, ít nhất là trong thời gian đầu thiết lập hệ thống này, khi du khách nước ngoài vẫn còn chưa quen với thủ tục mới. Công báo Nhà nước Vương quốc Anh và Bắc Ireland vừa đăng tải thông tin, cho biết sẽ tiến hành thu phí đối với các đối tượng được cấp ETA vào nước này, chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2024 tới.
“Giấy phép ETA thuộc dạng du lịch miễn thị thực. Tuy nhiên, ETA không chỉ nhằm thu phí mà còn để kiểm soát chặt chẽ những đối tượng vào Vương quốc Anh, cũng là việc cần thiết trong bối cảnh dòng người di cư ngày càng gia tăng - song hành với những nguy cơ của tội phạm và khủng bố”, người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh giải thích.
Các thủ tục mới khiến số lượng du khách tại châu Âu tới Anh giảm mạnh, còn những khách du lịch quốc tế khác thì phàn nàn rằng một số điểm đến hàng đầu của Vương quốc Anh như "con bò sữa" kiếm tiền từ du khách. Từ Lake District đến Stonehenge, Vương quốc Anh có nhiều địa điểm du lịch đáng kinh ngạc, nhưng có một vài điểm nóng khiến du khách giờ đây than phiền "hoàn toàn không xứng đáng với chi phí bỏ ra".
Một khách du lịch có tài khoản đăng ký mang tên JLaw118 đã viết trên nền tảng Reddit: “Tôi vừa trở về từ Anh trong một chuyến du lịch, và tôi bị vắt kiệt theo đúng nghĩa đen. Bãi đậu xe đắt tiền, quán cà phê, cửa hàng quà tặng đều tăng giá. Thậm chí, mỗi khi tôi muốn dừng lại để chụp một bức ảnh là lại thấy một tấm biển báo muốn tính phí! Tôi đành chụp một bức ảnh lén lút và rời đi. Du lịch như vậy hoàn toàn không đáng tiền”.
Land's End là một mũi đất ở phía tây Cornwall, điểm cực tây của lục địa Anh. Đây là một trong những địa danh hàng đầu của nước Anh và khách du lịch có thể nhìn thấy Quần đảo Scilly từ đỉnh vách đá vào một ngày đẹp trời. Tuy nhiên, cột mốc chính đã bị du khách xô đổ khi khách du lịch bị thu phí khi chụp ảnh với biển báo. Bên dưới bài đăng, rất nhiều khách du lịch đã đua nhau đề cử một số địa danh khác ở châu Âu như là giải pháp thay thế.
Chưa hết, một nghiên cứu mới đã tiết lộ sự khác biệt về chi phí giữa việc di chuyển trên một chuyến tàu ít carbon hoặc một chuyến bay thải nhiều khí thải ở Vương quốc Anh cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Báo cáo được công bố vào đầu tháng này bởi Tổ chức môi trường quốc tế Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho hay các chính phủ châu Âu đang tích cực khuyến khích người dân đi du lịch theo cách ít phát thải nhất có thể, do đó đã khuyến khích tái thiết trở lại nhiều tuyến đường sắt cũng như tour du lịch tàu hỏa. Nhưng không nơi nào ở châu Âu có sự chênh lệch về chi phí giữa đường sắt và đường hàng không rõ rệt hơn ở Anh.
Theo đó, trên khắp lục địa, giá vé các chuyến tàu đắt gấp đôi so với đi máy bay của các hãng hàng không giá rẻ, nhưng ở Vương quốc Anh, chúng đắt gấp bốn lần. Để đưa ra kết luận của mình, Greenpeace đã so sánh chi phí vé tàu và máy bay cho 112 tuyến đường giữa các thành phố lớn ở 27 quốc gia châu Âu. Các chuyến bay luôn rẻ hơn so với vé tàu trên tất cả 12 tuyến đường của Vương quốc Anh đã được đưa vào nghiên cứu, bao gồm các tuyến nội địa giữa London và Scotland và các tuyến quốc tế đến Paris, Berlin, Barcelona, Marseille và Amsterdam.
Ví dụ, đi từ Barcelona đến London bằng tàu hỏa trung bình đắt gấp 10 lần so với đi máy bay. Chênh lệch giá còn gia tăng hơn nữa đối với những vé đặt trong thời gian ngắn, với vé tàu trong một số trường hợp đắt gấp 30 lần vé máy bay. Tương tự, hành trình giữa Edinburgh và London cũng được cho là "rẻ hơn một cách có hệ thống nếu lựa chọn máy bay", dẫn đến 3,4 triệu hành khách mỗi năm di chuyển giữa hai thành phố bằng đường hàng không, mặc dù có hàng chục chuyến tàu mỗi ngày.
Hiện Greenpeace đang kêu gọi Vương quốc Anh cấm các chuyến bay đường ngắn khi có giải pháp thay thế đường sắt hợp lý - một chính sách như vậy đã được áp dụng vào đầu năm nay ở Pháp - và chấm dứt trợ cấp cho các hãng hàng không và sân bay, bắt đầu bằng việc loại bỏ dần việc miễn thuế cho dầu hỏa và việc áp dụng phí khách hàng thường xuyên. Tổ chức này cũng kêu gọi các chính phủ châu Âu ban hành "vé khí hậu" - vé dài hạn đơn giản có giá trị trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở một quốc gia hoặc khu vực.