Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hiện các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội đang được tính theo mức lương cơ sở. Do đó, dự kiến khi mức lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2024, các loại trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng theo.
Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau
Khoản 1 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc, mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày trong một năm. Thời gian nghỉ này bao gồm cả ngày lễ, Tết và nghỉ hằng tuần.
Người lao động khi nghỉ dưỡng sức không được doanh nghiệp trả lương, nhưng sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán tiền chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% x mức lương cơ sở, tương ứng tăng lên 702.000 đồng/ngày (mức cũ là 540.000 đồng/ngày), tăng thêm 162.000 đồng/ngày.
Trợ cấp một lần khi sinh con
Lao động nữ sinh con, hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, thì được trợ cấp một lần cho mỗi con, bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con, hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội, thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Trợ cấp một lần khi sinh con được tính với công thức: Trợ cấp 1 lần/con = 2 x mức lương cơ sở, tương ứng tăng lên 4,68 triệu đồng/con, tăng 1,08 triệu đồng/con so với mức cũ.
Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1, hoặc khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi, thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 - 10 ngày.
Thời gian này bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Nếu có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau, thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Thời gian nghỉ dưỡng sức sau thai sản, người lao động không được doanh nghiệp trả lương, nhưng được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán tiền chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Mức trợ cấp dưỡng sức sau thai sản/ngày = 30% x Mức lương cơ sở. Như vậy, mức hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản của người lao động năm 2024 cũng là 702.000 đồng/ngày.
Mức trợ cấp một lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Căn cứ Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - 30% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được nhận trợ cấp một lần.
Một phần của khoản trợ cấp này sẽ được tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động, và mức lương cơ sở tại thời điểm chi trả. Theo đó, khi lương cơ sở được tăng, mức trợ cấp một lần tính theo mức độ suy giảm lao động cũng sẽ tăng theo.
Cụ thể, khi suy giảm 5% khả năng lao động, mức trợ cấp sẽ là 11,7 triệu đồng, tăng 2,7 triệu đồng. Sau đó cứ suy giảm thêm 1%, mức hưởng thêm 1,17 triệu đồng, tăng 270.000 đồng.
Trợ cấp hằng tháng khi bị suy giảm khả năng lao động
Theo Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được nhận trợ cấp hằng tháng. Khi tăng lương cơ sở, mức trợ cấp hằng tháng tính theo mức độ suy giảm lao động cũng sẽ tăng theo.
Tương ứng, khi suy giảm 31% khả năng lao động, mức trợ cấp hằng tháng tăng lên 702.000 đồng/ngày, tăng 162.000 đồng/ngày. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được tăng thêm 46.800 đồng/ngày, tăng 10.800 đồng/ngày.
Trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sẽ được trợ cấp phục vụ hằng tháng, nếu có thêm một trong các điều kiện sau: Bị liệt cột sống; mù hai mắt; cụt, liệt hai chi; bị bệnh tâm thần.
Trợ cấp phục vụ/tháng = Mức lương cơ sở. Như vậy, từ ngày 1/7, mức trợ cấp này sẽ tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tăng thêm 540.000 đồng/tháng so với mức cũ.
Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định, người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân sẽ được thanh toán trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần = 36 x Mức lương cơ sở. Theo đó, mức trợ cấp một lần từ ngày 1/7 sẽ tăng lên 84,24 triệu đồng, tăng 19,44 triệu đồng.
Mức trợ cấp dưỡng sức sau điều trị
Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động, hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, mà trong thời gian 30 ngày đầu sức khỏe chưa phục hồi, thì người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Mức trợ cấp dưỡng sức sau điều trị/ngày = 30% x Mức lương cơ sở.
Theo đó, mức dưỡng sức sau điều trị năm 2024 là 702.000 đồng/ngày, tăng 162.000 đồng/ngày.
Mức trợ cấp mai táng
Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, thân nhân sẽ được trợ cấp mai táng khi người lao động chết thuộc một trong các trường hợp: Đang tham gia bảo hiểm xã hội, đang bảo lưu quá trình đóng bảo hiểm xã hội, đang hưởng lương hưu, đang hưởng trợ cấp cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, hay chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trợ cấp mai táng = 10 x Mức lương cơ sở. Theo đó, khi lương cơ sở tăng, mức trợ cấp mai táng sẽ tăng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng, tăng 5,4 triệu đồng.
Mức trợ cấp tuất hằng tháng
Căn cứ theo Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức trợ cấp tuất hằng tháng chi trả cho thân nhân người lao động như sau:
Đối với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng, mức trợ cấp tuất hằng tháng = 70% x Mức lương cơ sở. Với các trường hợp còn lại, mức trợ cấp tuất hằng tháng = 50% x Mức lương cơ sở.
Như vậy, khi tăng lương cơ sở, mức trợ cấp tuất hằng tháng với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng tăng lên 1,638 triệu đồng/tháng, tăng 378.000 đồng/tháng. Trường hợp còn lại tăng lên 1,17 triệu đồng/tháng, tăng 270.000 đồng/tháng.