Hội thảo trực tuyến “Tác động của dịch Covid-19 tới các hộ làng nghề chế biến gỗ”, do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest) tổ chức chiều 22/9/2021 đã ghi nhận được nhiều câu chuyện thực tế từ cơ sở. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest), cho biết cả nước có trên 300 làng nghề gỗ với hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động tham gia sản xuất kinh doanh. Làng nghề chế biến gỗ là nguồn cung chủ yếu các sản phẩm đồ gỗ cho thị trường nội địa. Các biện pháp giãn cách nhằm kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian gần đây có tác động rất lớn tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ làng nghề.
LÀNG NGHỀ GỖ CHỊU TÁC ĐỘNG MẠNH TỪ ĐẠI DỊCH
"Khác với lượng thông tin dày đặc về tác động của đại dịch tới các doanh nghiệp ngành gỗ, thông tin về tác động của đại dịch tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ, bao gồm lao động tại làng nghề gỗ hầu như chưa có. Lỗ hổng về mặt thông tin về làng nghề gỗ và thiếu kênh kết nối hiệu quả giữa làng nghề và cơ quan quản lý làm cho vai trò và vị thế của các làng nghề trở nên mờ nhạt trong xã hội", ông Lập cho hay.
Vừa qua, Viforest phối hợp với Tổ chức Forest Trends tiến hành khảo sát nghiên cứu tại 6 làng nghề gỗ vùng Đồng bằng sông Hồng (Đồng Kỵ, Hữu Bằng, La Xuyên, Liên Hà, Thụy Lân và Vạn Điểm) về tác động của dịch Covid-19 tới các hộ làng nghề. Trong số 6 làng nghề khảo sát, 3 làng nghề nằm trong vùng giãn cách (Hữu Bằng, Vạn Điểm, Liên Hà), 1 làng nghề bị phong tỏa do có nhiều ca F0 (Thụy Lân), 2 làng nghề còn lại (La Xuyên, Đồng Kỵ) không nằm trong vùng giãn cách và không bị phong tỏa.
TS. Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho biết kết quả khảo sát nghiên cứu cho thấy năng lực sản xuất của các hộ làng nghề gỗ đã giảm 62%. Phần còn lại (38%) mới được phục hồi sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách trong một vài tuần trở lại đây.
Hiện đã có khoảng 46% số hộ tại các làng nghề gỗ đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên các hoạt động này chỉ mang tính chất “cầm chừng” với mục đích “làm để giữ thợ” và “lấy công làm lãi” mà không có lợi nhuận. Làng có số hộ quay lại sản xuất cao nhất đạt 80% (La Xuyên) và làng thấp nhất chỉ đạt 30% (Đồng Kỵ)
Lực lượng lao động tại các làng nghề suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là nhóm lao động tự do từ các nơi khác tới làm thuê cho các hộ tại đây. So với trước giãn cách, lượng lao động làm thuê tại các làng nghề giảm 73%, lao động của bản thân hộ giảm 36%.
THU NHẬP CỦA HỘ NGHỀ GỖ GIẢM 90%
Theo TS. Tô Xuân Phúc, chi phí nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất tại hộ nghề gỗ tăng, phụ liệu đầu vào như sơn, đinh ốc vít… tăng mạnh nhất, bình quân khoảng 25% so với thời điểm trước giãn cách.
Chi phí vận chuyển đứng thứ 2 về tốc độ tăng, bình quân khoảng 23% so với trước giãn cách. Gia tăng chi phí vận chuyển chủ yếu là bởi chi phí phát sinh về kiểm tra xét nghiệm Covd-19 của chủ phương tiện vận chuyển, thời gian và công sức mà họ bỏ ra để xin giấy phép di chuyển giữa các địa bàn khi vận chuyển hàng hóa.
Kết quả khảo sát cũng đưa ra những con số không khỏi giật mình, như: đầu ra sản phẩm của các hộ giảm khoảng 76%, thu nhập của hộ giảm gần 90%; thậm chí một số nơi như Đồng Kỵ, Liên Hà, La Xuyên lượng sản phẩm bán ra giảm 80-90%.
Cũng tại các làng nghề gỗ, hiện có trên 70% số hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất đình trệ, nguồn thu bị mất hoặc sụt giảm tạo ra sức ép về các khoản vay rất lớn cho các hộ.
Trước sức ép trả lãi suất ngân hàng và để tránh rơi vào danh sách hộ nợ xấu, một số hộ phải đi vay “tín dụng đen” với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng để trả lãi và các khoản vay đến hạn phải trả, trước khi có được các khoản vay mới từ ngân hàng. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với hộ.
TS. Tô Xuân Phúc cho hay, từ đầu tháng 7 năm 2021 đến nay Chính phủ ban hành hai Nghị quyết hỗ trợ các nhóm đối tượng chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các hộ sản xuất tại các làng nghề khảo sát đều khẳng định không tiếp cận được với nguồn hỗ trợ này.
Nguyên nhân chính là bởi các hộ không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế do vậy các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ không được các cơ quan quản lý công nhận một cách chính thức. Kết quả là hộ nằm ngoài tiêu chí được hỗ trợ được quy định trong các nghị quyết nêu trên.
Viforest và Forest Trends kiến nghị Chính phủ nên điều chỉnh lại các tiêu chí hỗ trợ theo hình thức bao trùm hơn, đảm bảo các hộ tại làng nghề có thể tiếp cận được với các nguồn hỗ trợ này và không bị bỏ lại phía sau như mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Trong tương lai, Chính phủ nên đẩy mạnh việc trợ giúp các hộ chuyển đổi từ hình thức không chính thức như hiện nay sang hình thức chính thức, giúp hộ có vị thế pháp lý rõ ràng. Việc chuyển đổi sẽ giúp hộ tiếp cận được với các nguồn lực của nhà nước và của xã hội để phát triển mà còn giúp cho các cơ quan nhà nước quản lý được hoạt động của làng nghề tốt hơn trong tương lai.
" Tại Liên Hà, nơi có cụm công nghiệp tập trung là nơi các hộ tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiền thuê đất của các hộ tại khu công nghiệp này là 21.000 đồng/m2 mỗi năm. Bình quân tiền thuê đất mỗi tháng của hộ là 6-10 triệu/hộ tùy theo diện tích thuê.
Trong bối cảnh không có nguồn thu, số tiền thuê đất của các hộ là không nhỏ. Kiến nghị Nhà nước, Chính quyền địa phương giảm hoặc miễn tiền thuê đất tại các làng nghề nơi các hộ tiếp cận được với quỹ đất thuê, để giúp hộ làm nghề gỗ giảm được sức ép về chi phí trong bối cảnh đại dịch".
Ông Nguyễn Trạch Thường, Phó Chủ tịch Hội làng nghề Mộc Liên Hà, huyện Đan Phượng.