Bắt đầu từ ngày 3/6/2024, các ngân hàng thương mại quốc doanh trực tiếp bán vàng miếng mang thương hiệu Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC, nhà sản xuất và phân phối vàng và trang sức vàng thuộc sở hữu Nhà nước hàng đầu Việt Nam), gọi tắt là ‘vàng miếng SJC’, cho khách hàng cá nhân.
Kết quả trong những ngày đầu thực hiện cho thấy giải pháp này đã thành công trong việc giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế.
Chênh lệch giá đã giảm xuống chỉ còn 10% vào ngày 07/06/2024 (gần với mức trung bình 17 năm là 7%) từ mức trung bình từ ngày 27/05/2024 đến ngày 31/05/2024 là 24%.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcap, việc sửa đổi Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng là cần thiết để có giải pháp bền vững hơn cho thị trường vàng Việt Nam trong dài hạn. Nghị định 24 được áp dụng từ năm 2012 đã xác lập độc quyền sản xuất vàng miếng cho SJC và độc quyền xuất nhập khẩu vàng cho Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù Nghị định đã giải quyết thành công các vấn đề của thị trường vàng trong năm 2012, Nghị định đã gây ra 2 vấn đề đáng kể bao gồm khan hiếm nguồn cung vàng trong nước và chênh lệch giá ngày càng lớn giữa vàng trong nước và vàng thế giới cũng như giữa vàng miếng SJC và vàng miếng thương hiệu khác ở Việt Nam.
Một số sửa đổi được đề xuất bao gồm xóa bỏ tình trạng độc quyền hiện do SJC nắm giữ trong sản xuất vàng miếng và cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng và cho phép các công ty nhập khẩu vàng miếng.
Vietcap tin rằng những đề xuất này có thể giải quyết những vấn đề về mặt cơ bản của thị trường trong nước sự khan hiếm nguồn cung vàng trong nước và chênh lệch giá lớn nếu được chấp thuận thực hiện. Các cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra bất kỳ định hướng rõ ràng nào để sửa đổi nghị định.
Tuy nhiên, việc các ngân hàng thương mại quốc doanh trực tiếp bán vàng miếng SJC đặt ra dấu hỏi liệu có tác động đến tình hình kinh doanh của PNJ? Theo Vietcap việc này không tác động đáng kể đến lợi nhuận của PNJ.
Mảng bán lẻ là mảng đóng góp chính vào lợi nhuận gộp của PNJ, chiếm trung bình 96% lợi nhuận gộp của PNJ trong 3 năm qua. Ngoài ra, không có mối quan hệ nhân quả giữa giá vàng và biên lợi nhuận mảng bán lẻ của PNJ.
Giá bán lẻ trang sức thời trang được xác định không chỉ bởi chi phí nguyên vật liệu mà còn bởi giá trị thương hiệu, thiết kế và dịch vụ giá trị gia tăng. Mặc dù vàng nguyên liệu chiếm khoảng 50% tổng giá vốn hàng bán của PNJ (theo PNJ), biên lợi nhuận gộp bán lẻ của PNJ vẫn ổn định qua các năm nhờ sức mạnh xác định giá bán mạnh. Ngoài ra, việc PNJ tích lũy vàng tồn kho hàng ngày giúp ổn định chi phí vàng nguyên liệu.
Mới đây, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024. Theo đó, doanh thu thuần 5 tháng đầu năm 2024 của PNJ đạt 19.546 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.051 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,9% và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, công ty đã hoàn thành được 52,6% kế hoạch doanh thu (37.148 tỷ đồng); và 50,3% kế hoạch lợi nhuận năm (2.089 tỷ đồng).
Theo PNJ, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu trang sức bán lẻ của PNJ tăng 12,8% so với cùng kỳ, chủ yếu do sự nỗ lực của PNJ trong việc tung ra nhiều bộ sưu tập mới phù hợp thị hiếu khách hàng; triển khai nhiều chiến dịch marketing và chươngtrình bán hàng hiệu quả, và thu hút nhiều khách hàng mới và tăng cường tỉ lệ khách hàng cũ quay lại.
Doanh thu trang sức bán sỉ trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 16,4% so với cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, doanh thu vàng 24K cũng tăng 90,9% so với cùng kỳ 2023, nhờ sự sôi động của thị trường.
Biên lợi nhuận gộp trung bình trong 5 tháng năm 2024 đạt 16,5%, giảm so với mức 19% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh (tỷ trọng doanh thu vàng 24K với biên lợi nhuận không cao, đóng góp tỷ trọng 43,4% doanh thu so với mức 30,9% cùng kỳ năm 2023).