Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, khi đưa thêm quy định mới về thuế hay sắc thuế mới, Bộ Tài chính phải có đánh giá toàn diện về tác động, tính khả thi. Bởi việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn nhiều mặt khác.
Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đề xuất và báo cáo cơ quan có thẩm quyền thực hiện đánh thuế giao dịch vàng theo hướng phù hợp.
Trước đó, trong cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các chuyên gia kinh tế trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với thị trường vàng.
Theo đó, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những người mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Giải pháp này có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến người dân chuyển sang các kênh đầu tư khác và giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ bảo đảm công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản đều đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó, hoạt động mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đều áp dụng quy định đánh thuế khi mua bán vàng vật chất. Với hoạt động mua bán vàng trên các sàn giao dịch hàng hóa, chứng khoán thì nộp thuế như giao dịch chứng khoán. Chẳng hạn, tại Pháp khi bán vàng, chủ sở hữu sẽ nộp thuế 11% trên tổng số tiền bán hoặc nộp 36,2% trên mức lãi. Tuy nhiên, người có vàng sẽ được miễn thuế khi bán, nếu nắm giữ từ 22 năm trở lên.
Còn tại Việt Nam, người dân mua bán vàng gần như không phải chịu bất cứ loại thuế phí gì. Với chính sách thuế đang áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng, theo đại diện Tổng cục Thuế, doanh nghiệp đang đóng thuế giá trị gia tăng được khai theo tháng hoặc theo quý.
Về hồ sơ khai thuế, doanh nghiệp có nhiều hoạt động kinh doanh trong đó có hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì phải lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng riêng cho hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.
Bên cạnh đó, cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp doanh thu - chi phí hoặc theo phương pháp tỷ lệ trực tiếp trên doanh thu như các doanh nghiệp khác. Trên cơ sở đó nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Từ năm 2021 đến nay, Tổng cục Thuế đã ban hành các Công văn số 5045/TCT-TTKT ngày 22/12/2021; Công văn số 1002/TCT-TTKT ngày 04/4/2022; Công văn số 2705/TCT-TTKT ngày 30/6/2023, Công văn số 760/TCT-TTKT ngày 29/02/2024 về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát việc xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, ngành thuế cũng triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc bắt buộc xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng từ ngày 15/06.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục yêu cầu các cục thuế chỉ đạo các phòng chức năng, các chi cục thuế thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng…
Các chi cục thuế lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn, thực hiện nghiên cứu, triển khai theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gia công, chế tác vàng, trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.