January 06, 2021 | 11:06 GMT+7

Các nhà mạng có thể phải roaming 5G

Thủy Diệu

Do vùng phủ sóng hẹp nên trong điều kiện đô thị mật độ trạm phát sóng 5G có thể gấp 4-5 lần mạng 4G

Một trạm BTS 5G của mạng MobiFone - ảnh minh họa.
Một trạm BTS 5G của mạng MobiFone - ảnh minh họa.

Roaming – chuyển vùng dịch vụ viễn thông di động, hiểu nôm na là nhà mạng này sử dụng hạ tầng của mạng khác – một khái niệm "xa xỉ" trên thị trường viễn thông Việt Nam, nhưng tới đây các mạng di động có thể sẽ phải thực hiện roaming ngay với công nghệ 5G.

Nhiều sở Thông tin và Truyền thông trong kiến nghị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, việc triển khai mạng 5G đòi hỏi cần phải xây dựng nhiều vị trí cột ăng ten lắp đặt trạm BTS, nên Bộ cần có định hướng, ban hành chính sách để kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng cột ăng ten để cho các doanh nghiệp viễn thông thuê, sử dụng chung. 

Thực tế, 5G với đặc điểm sử dụng băng tần cao, vùng phủ hẹp, mật độ trạm BTS 5G sẽ dày hơn nhiều so với 3G, 4G. Trong điều kiện đô thị, ngoài xây dựng các trạm BTS gốc, bắt buộc phải triển khai rất nhiều trạm nhỏ. Do vậy, trong những điều kiện đô thị này, mật độ trạm BTS 5G thậm chí có thể lên tới 40-50 trạm/km2 - gấp 4-5 lần mạng 4G (khoảng 8-10 trạm/km2).

Theo đại diện Cục Viễn thông, việc triển khai mạng 5G trong thời gian tới đây, sử dụng chung cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả đầu tư và sự thành công của mỗi doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước và cho chính các doanh nghiệp viễn thông.

Trong thông tin phản hồi kiến nghị của các sở Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông di động đang triển khai thử nghiệm việc cung cấp dịch vụ qua công nghệ 5G, trên cơ sở kết quả thử nghiệm và đề xuất của các doanh nghiệp, dự kiến trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 5G. 

Theo Cục Viễn thông, nếu so sánh ở cùng quy mô phủ sóng thì yêu cầu về số trạm 5G chắc chắn nhiều từ 2-3 lần so với số trạm 4G. 

Tuy nhiên, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm  quốc tế và thực tiễn trong nước, Bộ đã xác định việc triển khai 5G ở Việt Nam sẽ ưu tiên tận dụng toàn bộ hạ tầng của mạng 4G, tập trung triển khai tại các khu trung tâm, khu công nghiệp, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng. 

"Do vậy, chi phí đầu tư, số lượng cột ăng ten cho việc triển khai mạng và dịch vụ 5G sẽ được tối ưu hóa, bảo đảm tính khả thi. Bộ cũng đang yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, triển khai một số biện pháp như roaming 5G, chia sẻ mạng RAN… nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí đầu tư phát triển hạ tầng 5G của các doanh nghiệp viễn thông", Cục Viễn thông cho hay.

Cục Viễn thông cũng cho biết, trước đó, Chỉ thị số 52/CT-BTTTT ngày 11/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tăng cường chia sẻ sử dụng chung hạ tầng thụ động viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông, hạ tầng liên ngành và khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông thuê lại hạ tầng viễn thông thụ động của các doanh nghiệp xã hội hóa. 

Do vậy, cục này đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông trên cơ sở nội dung Chỉ thị 52/CT-BTTTT và kế hoạch phát triển hạ tầng số tại địa phương, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng (tập trung vào các hạ tầng phát triển mới) bảo đảm cảnh quan môi trường, mỹ quan đô thị và lợi ích kinh tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate