
Vào những năm 1980, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bị cáo buộc đã phá hoại ngành công nghiệp ô tô của Mỹ. Để đáp trả, chính quyền của Mỹ lúc đó đã đàm phán các biện pháp hạn chế xuất khẩu, gây áp lực buộc họ phải sản xuất nhiều ô tô hơn tại My để duy trì quyền tiếp cận thị trường. Và ở thời điểm hiện tại, khi chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng một đợt thuế quan mới đối với ô tô và linh kiện do nước ngoài sản xuất, nhiều nhà sản xuất ô tô đang nghĩ đến một kịch bản như trong quá khứ.
Một lần nữa, các nhà sản xuất ô tô châu Á, hiện bao gồm các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc như Hyundai và Kia, thấy mình ở trung tâm của chính sách thương mại Mỹ. Nhưng lần này không chỉ là vấn đề của chủ nghĩa bảo hộ mới xuất hiện mà vì ngành công nghiệp ô tô đã thay đổi cơ bản.
Trong quá khứ, một chiếc ô tô chủ yếu là thép, cao su và sự đơn giản về mặt cơ khí. Ngày nay, một chiếc xe trung bình chứa hơn 30.000 bộ phận. Vào đầu những năm 1990, thiết bị điện tử chỉ chiếm 1/10 tổng chi phí của một chiếc ô tô. Ngày nay, con số này lên tới khoảng 50% do việc sử dụng ngày càng nhiều cảm biến, thiết bị điện tử và chip trong ô tô hiện đại, cũng như số lượng linh kiện nói chung cao hơn.
Sự phức tạp đó đã dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu rộng lớn, được tích hợp chặt chẽ, được điều chỉnh trong nhiều thập kỷ để giao hàng đúng lúc và tìm nguồn cung ứng đa khu vực. Ô tô ngày nay không còn là sản phẩm có nguồn gốc đơn lẻ nữa mà là tổng hợp của vô số giao dịch xuyên biên giới. Sự phụ thuộc lẫn nhau đó đã trở thành một gánh nặng khi các hành động thương mại chuyển trọng tâm từ một chiếc ô tô hoàn thiện sang vấn đề nguồn gốc của các linh kiện.
Tuy nhiên, ông Trump đã bác bỏ những lo ngại về giá cả tăng cao, và nói rằng ông "không quan tâm" nếu các nhà sản xuất ô tô tăng giá vì người Mỹ sẽ chỉ bắt đầu mua ô tô do Mỹ sản xuất. Nhưng ô tô do Mỹ sản xuất chính xác là gì? Một chiếc Tesla Model X 2021 được lắp ráp tại California, có nguồn cung gần một nửa các bộ phận từ bên ngoài Bắc Mỹ. Một chiếc ô tô được sản xuất tại Alabama vẫn có thể dựa vào chip từ Đài Loan, Trung Quốc, cảm biến từ Nhật Bản, hộp số từ Đức và pin từ Trung Quốc. Ngày càng nhiều vấn đề dẫn đến cụm từ "Made in the USA" không chỉ phản ánh nguồn gốc mà còn phản ánh thương hiệu.
Trong tình hình mới sau khi Mỹ áp thuế quan ngày 2/4, các nhà sản xuất ô tô châu Á đang ở trong một vị thế đặc biệt bấp bênh. Trong nhiều thập kỷ, họ đã đầu tư hàng tỷ USD vào hoạt động sản xuất tại Mỹ, từ lắp ráp xe đến sản xuất pin và thép.
Hyundai gần đây đã công bố khoản đầu tư 21 tỷ USD, bao gồm một nhà máy thép trị giá 5,8 tỷ USD tại Louisiana. Toyota đã công bố các khoản đầu tư mới trị giá hơn 18 tỷ USD kể từ năm 2021 để mở rộng cơ sở sản xuất tại Mỹ.
Về lý thuyết, những động thái như vậy sẽ tạo ra một vùng đệm chống lại sự biến động thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế, những khoản đầu tư này diễn ra trong nhiều năm. Việc xây dựng một cơ sở sản xuất mới có thể mất tới năm năm. Việc bản địa hóa cơ sở cung ứng, tái cấp phép cho các nhà cung cấp theo các quy định của Mỹ và mở rộng năng lực trong nước đối với các bộ phận vốn có nguồn gốc từ nước ngoài là những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ.

Ngược lại, thuế quan có thể được áp dụng chỉ sau một đêm. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump được đánh dấu bằng những sự đảo ngược đột ngột: miễn thuế thép được cấp, sau đó thu hồi; đề xuất thuế đối với ô tô Mexico, sau đó rút lại và thuế quan toàn diện đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD bao gồm iPhone cũng như hàng xuất khẩu của Pháp như rượu vang và túi xách, bị đe dọa rồi đảo ngược.
Không có gì ngạc nhiên khi các giám đốc điều hành trong ngành ô tô nêu tên rủi ro địa chính trị là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong kế hoạch của họ trong cuộc khảo sát năm 2023 của Deloitte.
Không giống như châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản có ít đòn bẩy hơn để phản ứng. Khi ông Trump áp thuế thép và nhôm vào năm 2018, EU đã trả đũa bằng cách nhắm vào rượu whisky bourbon, quần jean xanh và xe máy Harley-Davidson, những sản phẩm gắn liền với các tiểu bang nhạy cảm về mặt chính trị và liên kết với ông Trump của Mỹ.
Nhật Bản và Hàn Quốc ngược lại không nhập khẩu đủ hàng hóa của Mỹ để trả đũa có hiệu quả. Mỹ thâm hụt thương mại với cả hai và mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ của họ với Washington hạn chế sự leo thang.
Điều đó khiến các nhà sản xuất ô tô châu Á rơi vào tình thế khó khăn đó là đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng hoạt động tại Mỹ theo các quy tắc có thể biến mất với chính quyền tiếp theo hoặc kìm hãm và có nguy cơ tụt hậu trên một thị trường quan trọng. Không con đường nào mang lại sự ổn định thực sự. Trong một ngành công nghiệp đầu tư theo chu kỳ kéo dài hàng thập kỷ, chính sách được xây dựng dựa trên khung thời gian bầu cử bốn năm không chỉ bất tiện mà còn mang tính sống còn với các doanh nghiệp.
Các biện pháp bảo hộ có thể có chỗ đứng khi chúng là một phần của chiến lược công nghiệp dài hạn, rộng lớn hơn. Nhưng nếu không có nền tảng đó, các nhà sản xuất ô tô sẽ phải đặt cược hàng tỷ USD trước tình hình chính trị khó lường, có thể chỉ thay đổi sau một đêm. Đặc biệt mối đe dọa lớn nhất không phải là bản thân thuế quan mà là sự bất ổn mà chúng gây ra cho một ngành công nghiệp thâm dụng vốn và phụ thuộc vào nhiều quốc gia toàn cầu. Cuối cùng, sự biến động đỏ chỉ chứng tỏ một vấn đề duy nhất là thuế quan gây thiệt hại nhất.