
Ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump sau khi ông áp đặt mức thuế 25% đối với xe nhập khẩu từ nước ngoài.
Các nhà phân tích dự đoán dòng tiền của các nhà sản xuất ô tô từ mảng kinh doanh ô tô của họ sẽ bị siết chặt. Theo dữ liệu từ Visible Alpha, dòng tiền của Mercedes-Benz có thể giảm từ 9,4 tỷ euro năm ngoái xuống còn 3 tỷ euro; Volkswagen từ 7,1 tỷ euro xuống còn 3,5 tỷ euro; và BMW từ 4,8 tỷ euro xuống còn 4,4 tỷ euro.
Tình hình có thể xấu đi hơn nữa khi các nhà phân tích điều chỉnh dự báo của họ để phản ánh việc VW cắt giảm dự báo dòng tiền ròng cho mảng ô tô trong năm xuống còn từ 1 đến 3 tỷ euro, từ mức dự báo trước đó là từ 2 đến 5 tỷ euro.
Hậu quả của thuế quan chưa được phản ánh đầy đủ trong kết quả kinh doanh quý II, bởi một số nhà sản xuất ô tô đã tích trữ và xử lý hết lượng hàng tồn kho trước thuế quan trong khi chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, thuế quan cao hơn sẽ đồng nghĩa với việc tăng chi phí xuất khẩu sang Mỹ, mua sắm phụ tùng cũng như điều chỉnh chuỗi cung ứng, gây áp lực lên dòng tiền.
“Câu hỏi của chúng tôi là liệu chúng ta có cảm thấy an tâm khi tác động của thuế quan trong quý II thấp hơn so với lo ngại ban đầu hay đây chỉ là một cảm giác an toàn giả tạo?”, Michael Tyndall, nhà phân tích ô tô toàn cầu cấp cao tại HSBC, cho biết.

Volkswagen, Mercedes-Benz và BMW hiện đang phải trả mức thuế 27,5% cho nhiều lô hàng đến Mỹ từ các quốc gia như Đức và Mexico.
Hôm thứ Sáu tuần qua, VW đã công bố khoản thuế quan bị ảnh hưởng 1,3 tỷ euro trong quý II và dự đoán gánh nặng này sẽ tăng lên vài tỷ euro nếu thuế quan ô tô không được giảm. Dòng tiền thuần từ mảng ô tô của hãng đã âm 523 triệu euro trong quý II.
Trong khi đó, General Motors đã gây bất ngờ cho các nhà đầu tư khi cho biết chi phí thuế quan trong quý III có thể sẽ lớn hơn con số 1,1 tỷ USD được báo cáo trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, đồng thời cảnh báo tác động hàng năm lên tới 5 tỷ USD.
Các nhà phân tích dự đoán dòng tiền tự do đã điều chỉnh của GM cho mảng kinh doanh ô tô trong năm nay sẽ giảm một nửa từ 14 tỷ USD xuống còn 7,7 tỷ USD.
Stellantis tiết lộ họ sẽ chịu khoản thiệt hại 300 triệu euro từ thuế quan của ông Trump trong nửa đầu năm, nhưng thừa nhận tác động trong nửa cuối năm sẽ lớn hơn khi dự kiến lên tới 1,5 tỷ euro vào cuối năm.
Tesla thì đã phải đối mặt với khoản chi phí bổ sung 300 triệu USD liên quan đến thuế quan trong quý II và cảnh báo con số này sẽ tăng lên trong suốt cả năm.
Vào tháng 5, BMW đã lạc quan dự đoán rằng thuế quan của Mỹ sẽ được giảm từ tháng này. Mặc dù Washington vẫn chưa giảm thuế, nhưng những người am hiểu các cuộc đàm phán đã nói với tờ Financial Times rằng EU và Mỹ đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại, theo đó mức thuế đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ châu Âu sẽ ở mức 15%. Hiện vẫn chưa rõ liệu ô tô có được áp dụng hay không.
Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất ô tô, chi phí đã tăng lên do các nhà cung cấp, vốn có biên lợi nhuận thấp hơn, đã nhanh chóng chuyển mức thuế cao hơn không chỉ đối với các linh kiện có nguồn gốc nước ngoài mà còn đối với các vật liệu như nhôm và thép.
Trong số các nhà cung cấp, nhà sản xuất dây an toàn và túi khí Thụy Điển Autoliv đã tăng dự báo doanh số hàng năm để phản ánh các khoản thanh toán thuế quan sau quý II kỷ lục.

Lượng tiền mặt tích lũy dồi dào sau sự tăng vọt doanh số và giá xe cao hơn mà ngành công nghiệp được hưởng sau cuộc khủng hoảng bán dẫn Covid-19. Chỉ riêng tại VW, Mercedes-Benz và BMW, thanh khoản công nghiệp của họ đã lên tới hơn 100 tỷ euro, nghĩa là khoản lỗ 10 tỷ euro có thể được hấp thụ trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, áp lực lên vị thế tiền mặt và biên lợi nhuận của họ xuất hiện vào thời điểm các công ty như VW phải đối mặt với nhu cầu tái cấu trúc, nhằm giảm công suất dư thừa tại các nhà máy và điều chỉnh cơ cấu chi phí để cạnh tranh với BYD và các đối thủ Trung Quốc khác.
“Một số công ty vẫn đang mua lại cổ phiếu khi có lẽ họ không nên làm vậy. Họ đang giả vờ rằng mọi thứ đều ổn trong khi thực tế không phải vậy”, Besson nói. “Họ đang tận dụng lợi thế của vị thế tiền mặt mạnh mẽ này nhưng họ có thể đang tiêu thụ nó quá nhanh thay vì sử dụng nó một cách khôn ngoan hơn”.
Mark Wakefield, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường ô tô toàn cầu tại AlixPartners, cho biết các nhà sản xuất ô tô có thể sẽ chuyển 80% chi phí thuế quan, ước tính tổng cộng lên tới 30 tỷ USD nếu đạt được các thỏa thuận thương mại với châu Âu, Mexico và các quốc gia khác để giảm thuế.
Do việc tăng giá ô tô đối với người tiêu dùng Mỹ sẽ nhạy cảm về mặt chính trị, ông cho biết các công ty có thể chọn cách tăng giá một cách kín đáo hơn bằng cách giảm chiết khấu bán hàng và thay đổi các điều khoản tài chính cho thuê.
Mặc dù chi phí thuế quan có thể được giảm bớt bằng cách tăng giá xe, Wakefield giải thích rằng các nhà sản xuất ô tô vẫn sẽ bị "mất tiền mặt theo cách khác so với doanh số thấp hơn" nếu nhu cầu của người tiêu dùng giảm do giá xe tăng đối với những người mua hàng tiềm năng.