Một sinh viên đại học ở thời điểm hiện tại xuyên không tới Trung Quốc những năm 1980. Cô gặp gỡ người nông dân chăn nuôi lợn đang bị họ hàng âm mưu lợi dụng. Cô sinh viên dùng lối suy nghĩ hiện đại đã dạy cho những người họ hàng đầy mưu mô bài học nhớ đời, đồng thời chiếm được trái tim chàng trai. Hai người kết hôn và sống hạnh phúc mãi mãi về sau.
Đây là cốt truyện của một trong những bộ phim “truyền hình mini” hot nhất Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Với mỗi tập chỉ kéo dài một hoặc hai phút và mỗi loạt phim thường bao gồm 80 – 100 tập, định nghĩa phim “truyền hình mini” bắt đầu trở nên phổ biến vào năm ngoái, thu hút người xem phần lớn thông qua một số nền tảng truyền thông xã hội như WeChat và Douyin, theo KrASIA.
Ở quốc gia mà người dân ít sẵn sàng chi tiền cho nội dung yêu cầu trả phí, các nhà sản xuất đã tìm ra cách “rút hầu bao” của người xem. Hầu hết loạt phim đều cung cấp miễn phí 10 hoặc 20 tập đầu tiên, sau đó bắt đầu tính phí ở những phần tiếp theo, cũng là giai đoạn mấu chốt trong cốt truyện. Chuyên gia trong ngành tiết lộ lợi tức đầu tư ấn tượng, khi quá trình quay toàn bộ phim chỉ mất từ 7 đến 10 ngày và tổng chi phí thường nằm trong khoảng 300.000 – 500.000 RMB (41.000 – 69.500 USD). Nhưng khi phim lên sóng và trở nên “viral”, nhà sản xuất có thể thu về hơn 100 triệu RMB (13,6 triệu USD) chỉ trong vòng một tuần.
Một số gã khổng lồ bao gồm Tencent và Baidu cùng nhiều diễn viên gạo cội như Châu Tinh Trì đã bắt đầu tham gia cuộc chơi. Với một chút thành công trong nước và triển vọng về người xem ở thị trường nước ngoài, đa số nhà sản xuất đều đang mơ ước lớn: soán ngôi Netflix ngay trên sân nhà.
MÔ HÌNH KIẾM TIỀN MỚI LẠ
Ông He Zexi, Giám đốc thị trường nước ngoài thuộc công ty sản xuất phim truyền hình mini Jiuzhou Culture, cho biết trong hội thảo trực tuyến gần đây: “So với Netflix, chúng tôi lạc quan về triển vọng của phim truyền hình mini, khi người dân ngày càng rút ngắn thời gian giải trí”.
Hơn nữa, Netflix kinh doanh dựa trên tài khoản đăng ký, trong khi phim truyền hình mini theo mô hình kiếm tiền kết hợp bao gồm đăng ký và trả tiền cho mỗi lần xem từng tập, ông giải thích. “Chúng tôi tin chắc rằng một trong số chúng tôi sẽ phát triển thành kỳ lân sánh ngang với Netflix”.
Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã thâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Ví dụ, ReelShort, ứng dụng thuộc sở hữu của COL Group có trụ sở tại Bắc Kinh, nhà xuất bản kỹ thuật số được Tencent và Baidu hỗ trợ, đã ra mắt toàn cầu vào tháng 8/2022. Ban đầu, công ty chuyển thể một số tựa phim truyền hình mini trong nước sang phụ đề tiếng Anh nhưng chỉ sau bốn tháng, hãng đã tiến hành quay phim sử dụng diễn viên và trường quay ở Los Angeles.
Ứng dụng được chấm 3,9/5 trên App Store với khoảng 23.000 xếp hạng. Theo dữ liệu do Sensor Tower cung cấp, Hoa Kỳ là thị trường sinh lợi nhất của ReelShort, chiếm gần 70% tổng doanh thu kể từ khi ra mắt. Tháng 1/2024, tháng sinh lợi nhất từ trước đến nay đối với nền tảng phát trực tuyến, đã chứng kiến tổng cộng khoảng 6 triệu lượt tải xuống trên thiết bị di động, đồng thời kiếm được gần 15 triệu USD doanh thu mua hàng trong ứng dụng trên toàn thế giới.
Theo Sensor Tower, kể từ khi ra mắt, ReelShort đã đạt hơn 28 triệu lượt tải xuống toàn cầu và doanh thu hơn 77 triệu USD từ việc người dùng chi tiêu cho gói cao cấp và lượt xem một lần.
Doanh thu ReelShort phát triển giúp cổ phiếu COL Group tăng vọt. Giá cổ phiếu của công ty ở Thâm Quyến đã tăng hơn 200% từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11/2023, giảm khoảng 50% trong ba tháng tiếp theo sau đó phục hồi gần 50% vào tháng 2/2024.
XU HƯỚNG XEM PHIM VỚI ĐỊNH DẠNG DỌC
Ông Michael Berry, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học California (Los Angeles), nhận định: “Bối cảnh đã thay đổi khi ngày càng nhiều video quay dọc ngắn xuất hiện không chỉ trên TikTok mà còn trên Youtube, Facebook và nhiều nền tảng khác”.
Video quay dọc ngày càng trở nên phổ biến nhờ một số nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, YouTube và Instagram. Định dạng cho phép xem video bằng điện thoại được giữ ở vị trí thẳng đứng và khuyến khích cuộn liên tục.
“Phần lớn nội dung được tạo ra để phục vụ khán giả trẻ tuổi và được thiết kế 'gây nghiện', khiến người dùng khó cưỡng lại ham muốn xem say sưa hơn”, ông Berry chia sẻ thêm. “Khi khách hàng tiềm năng mở rộng đến nhóm người dùng lớn tuổi hơn, các cơ hội cho nội dung có kịch bản và đa dạng hơn cũng tăng lên”.
Theo Giám đốc He của Jiuzhou Culture, mặc dù chi phí sản xuất thấp hơn so với phim truyền hình truyền thống, nhưng chi tiêu cho mạng xã hội - cụ thể là Meta, Google và TikTok - nhằm tăng lưu lượng truy cập đến nền tảng của hãng là chi phí lớn nhất. Truyền thông Trung Quốc đưa tin một số hãng phim có thể chi tới 80% tổng số vốn cho hoạt động quảng cáo lưu lượng truy cập.
Vị Giám đốc bày tỏ việc nhắm mục tiêu đến người dùng nước ngoài cũng mang độ khó phức tạp hơn.
Ông khẳng định: “Sự khác biệt trong chính sách quyền riêng tư giữa trong và ngoài nước có thể dẫn đến sự khác biệt về độ chính xác của thuật toán. Do đó, rào cản và độ phức tạp đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội nước ngoài hiện cao hơn so với trong nước, dẫn đến hiệu quả thấp hơn”.
MỤC TIÊU CHINH PHỤC NGƯỜI XEM TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
ReelShort không phải nền tảng duy nhất đến từ Trung Quốc tung ra ứng dụng phim truyền hình mini nhắm vào thị trường nước ngoài. Một vài cái tên khác bao gồm GoodShort, MoboReels và FlexTV.
Diễn viên giỏi là chìa khóa thành công, một nhà sản xuất ở Bắc Kinh chia sẻ bí quyết. “Chúng tôi sẽ nhắm đến khán giả nữ ở cả thị trường trong và ngoài nước. Nói chung, nhân vật nam chính phải giàu có và đẹp trai, còn nhân vật nữ thường trông giản dị nhưng có tính cách dễ mến. Tạo hình nhân vật đáp ứng trí tưởng tượng phong phú của phần đa khán giả nữ”.
Để tiếp cận khán giả nước ngoài, một số công ty chỉ cần phát lại các bộ phim truyền hình nổi tiếng Trung Quốc có phụ đề tiếng Anh. Những người chơi khác lại chọn cách “remake" phim và sử dụng diễn viên có ngoại hình phương Tây - thường là người mẫu trên nền tảng thương mại điện tử, chủ yếu đến từ Ukraine và Nga. Nguồn tin trong ngành cho biết, hai cách tiếp cận giúp giữ chi phí thấp hơn khoảng 50% so với quay phim trực tiếp tại Los Angeles.
Đặc biệt, một số công ty đang thử nghiệm trí tuệ nhân tạo, sử dụng để thay thế khuôn mặt Trung Quốc bằng khuôn mặt phương Tây. Bản thân chiến lược đã trở thành một nguồn doanh thu, khi công ty cung cấp dịch vụ hoán đổi khuôn mặt AI với giá từ 50.000 RMB (6.830 USD) đến hơn 100.000 RMB (13.660 USD).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định rằng phương pháp sử dụng AI để hoán đổi khuôn mặt không phải là cách tiếp cận phổ biến vì một số lý do.
Giám đốc He phân tích: “Vẫn còn tồn tại câu hỏi liệu thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu có chấp nhận kiểu hoán đổi khuôn mặt này hay không. Chúng tôi đã thử nghiệm chiến thuật nhiều lần, nhưng trong hầu hết phân cảnh yêu cầu cảm xúc mãnh liệt và hành động quan trọng, việc triển khai hoán đổi khuôn mặt AI sẽ không thành công. Hiện tại, chưa có mô hình nào được áp dụng rộng rãi.”
“Ở Trung Quốc, cứ 25 phim truyền hình thì có một phim trở nên nổi tiếng, trong khi tỷ lệ ở thị trường nước ngoài là khoảng 1/3,5 phim”, một Giám đốc nội dung cấp cao đang làm việc tại công ty sản xuất phim truyền hình mini khẳng định. “So với khán giả Trung Quốc, khán giả quốc tế sẵn sàng trả tiền hơn và không hay tìm kiếm nguồn không chính thống”.
Nhưng còn quá sớm để nhận định liệu phim truyền hình mini có thể tái tạo thành công trong nước trên trường quốc tế hay không. “Phim truyền hình mini Trung Quốc đã bắt đầu bước vào giai đoạn bùng nổ ở quê nhà. Nhưng ra thị trường quốc tế lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Một dấu hỏi lớn là liệu thị trường nước ngoài có sẵn sàng xem những câu chuyện hoàn toàn xoay quanh bối cảnh Trung Quốc hay không”, vị Giám đốc phân vân.