Một phân tích của hãng nghiên cứu Anh Airfinity cho thấy khoảng 100 triệu liều vaccine đã được mua hoặc cam kết cung cấp cho các quốc gia thuộc nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy, Nhật) và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Con số này là ước tính sau khi trừ đi số lượng vaccine mà các nước này dự kiến tiêm tăng cường cho người dân (mũi thứ 3). Nếu tính cả vaccine dự kiến tiêm tăng cường, tổng số vaccine sẽ hết hạn của các quốc gia trên là khoảng 240 triệu liều. Vì hạn sử dụng ngắn, số vaccine này khó có thể chuyển tới các quốc gia đang phát triển – nơi đang chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung vaccine và tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.
Theo Airfinity, tồn kho vaccine của các nước G7 và EU sẽ vượt 1 tỷ liều vào cuối năm nay do cung vượt xa nhu cầu. Phân tích của Airfinity giả định rằng tất cả các quốc gia trên sẽ triển khai tiêm vaccine tăng cường và không xét tới việc các nước này tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Vaccine Covid-19 được cung cấp tới các quốc gia phát triển thường có hạn sử dụng trong vòng 6-7 tháng. Khi vaccine được phân phối tới các nước đang phát triển thông qua cơ chế COVAX, cần có thời gian để bảo quản lạnh và vận chuyển đến nơi tiêm chủng. Thời gian này phải được tính đến khi xem xét thời hạn của vaccine mà các nước giàu chia sẻ.
Nhật Bản đã mua hoặc đồng ý mua 560 triệu liều vaccine. Dù triển khai tiêm chủng chậm hơn so với châu Âu và Mỹ, Nhật hiện đã tiêm vaccine đầy đủ cho hơn 60% dân số. Airfinity ước tính hơn 100 triệu vaccine của Nhật sẽ hết hạn trong vài tháng tới.
Theo thư ký nội các Nhật Bản, nước này phân phối vaccine của Pfizer và Moderna cho các địa phương ngay sau khi nhận được và không có lưu ý đặc biệt về thời hạn sử dụng. Trong khi đó, Nhật Bản đang tăng cường quyên góp vaccine AstraZeneca – loại vaccine hạn chế tiêm cho người cao tuổi ở nước này – để giảm thiểu tình trạng lãng phí.
Theo Nikkei Asia, các nhà sản xuất vaccine Covid-19 đang trên đà sản xuất 12,2 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, đủ để tiêm hai mũi cho toàn bộ dân số trên 12 tuổi toàn cầu. Tuy nhiên, phần lớn số vaccine này đã được cam kết cung cấp cho các nước phát triển và chiến dịch tiêm chủng tại các nền kinh tế đang phát triển sẽ tiếp tục tụt lại phía sau nếu không có sự phân bổ hợp lý hơn. Đến nay, mới chỉ có hơn 300 triệu liều vaccine được cung cấp cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thông qua COVAX, cách xa mục tiêu 2 tỷ liều vào cuối năm nay.
Một trở ngại nữa là nhiều quốc gia đang phát triển không đủ điều kiện về sở hạ tầng vận chuyển và bảo quản lạnh vaccine. Do đó, các nước phát triển cũng cần hỗ trợ vấn đề này. Hồi tháng 5, Malawi đã phải bỏ đi 20.000 liều vaccine hết hạn, còn Cộng hòa Congo đã phải trả lại cho COVAX 1,3 triệu liều vaccine sắp hết hạn.
Theo một đại diện thuộc Liên minh vaccine Gavi – tổ chức đồng điều hành COVAX, các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao cần chia sẻ vaccine một cách có tổ chức, trên quy mô lớn và với vaccine vẫn còn hạn sử dụng.