Đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh những cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, mặt hàng thực phẩm của Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức từ quá trình hội nhập và những xu hướng phát triển về công nghệ, thương mại.
GIA TĂNG HÀNG RÀO KỸ THUẬT
Theo ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày càng nhiều, “hàng rào thuế quan” gần như được dỡ bỏ theo nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho thương mại.
Nhưng thay vào đó, các hàng rào phi thuế quan không ngừng gia tăng, như: hàng rào kỹ thuật về TBT (biện pháp TBT); các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật (biện pháp SPS); các vấn đề môi trường…
Thậm chí, nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu.
Ví dụ như cam kết của doanh nghiệp, hoạt động thẩm xét và xác nhận của các cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu, sự tham gia của mạng lưới đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước...
Đơn cử, gần đây nhất, Liên minh châu Âu yêu cầu đối với chứng nhận dư lượng ethylene oxide trong các sản phẩm mỳ ăn liền do EU đã phát hiện dư lượng ethylene oxide (EO) trong các lô hạt vừng vượt nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép.
EU đã nhanh chóng mở rộng hoạt động kiểm tra dư lượng ra nhiều nhóm mặt hàng chế biến, trong đó một số lô hàng mỳ ăn liền sản xuất tại Việt Nam và Hàn Quốc đã phát hiện có dư lượng EO vượt ngưỡng.
Kể từ tháng 1/2022, EU đã tăng tần suất kiểm tra đối với mặt hàng mỳ ăn liền xuất xứ từ Việt Nam lên 20% và yêu cầu mỗi lô hàng cần kèm theo chứng thư cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam xác nhận đạt yêu cầu của EU về dư lượng EO dựa trên kết quả kiểm nghiệm.
Không chỉ EU, Trung Quốc cũng quản lý doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248 và Lệnh 249.
Trong năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Các quy định này nhằm đánh giá hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu. Bao gồm: đánh giá hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia xuất khẩu, đăng ký đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hồ sơ sản phẩm xuất nhập khẩu, kiểm dịch động thực vật nhập cảnh…
THẬN TRỌNG TÌM HIỂU KỸ CÁC QUY ĐỊNH CỦA NƯỚC NHẬP KHẨU
Để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, ông Tấn cho rằng, các Bộ, ngành cần nắm bắt thông tin, khẩn trương thống nhất phương án triển khai đáp ứng các quy định, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện hoạt động tuyên truyền, giải đáp đến các doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, thực tế triển khai cho thấy, khi các quốc gia và vùng lãnh thổ đưa ra những quy định mới về đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là khi gắn các yêu cầu kỹ thuật với các yêu cầu về thủ tục và hồ sơ, khi ấy nhiều bất cập sẽ xuất hiện do sự thiếu sẵn sàng của hệ thống quản lý của bên nhập khẩu.
Ví dụ như sự thiếu đồng bộ trong cách thức phê duyệt chứng thư tại các cảng hải quan khác nhau của khu vực EU, sự thiếu hoàn thiện trong hệ thống quản lý doanh nghiệp trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc...
Đây là những thách thức đối với cơ quan quản lý của Việt Nam trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý và triển khai hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp. Do đó, việc đối thoại với cơ quan quản lý của các nước nhập khẩu nhằm tháo gỡ vướng mắc là vô cùng quan trọng.
Chính vì vậy, cần tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường vai trò và tiếng nói của các đơn vị kỹ thuật, các viện nghiên cứu, các hiệp hội chuyên môn và ngành hàng.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, Bộ ngành trong công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, định hướng và xây dựng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đồng bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
Mặt khác, nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tìm hiểu các thông tin về TBT, SPS của các quốc gia nhập khẩu. Thông tin kịp thời sự thay đổi trong các quy định về an toàn thực phẩm của các nước tới doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhằm nâng cao vị thế của các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trên thị trường thương mại thế giới.
Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.
“Điều này sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Tấn nhấn mạnh.