Chiều tối 21/3/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thông tin về kết quả của hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ước tính, riêng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các quỹ đầu tư khoảng 600 triệu USD để thúc đẩy nông nghiệp thuận thiên. WB đang chuẩn bị hỗ trợ cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nguồn vốn từ 400-500 triệu USD
DỰA VÀO TỰ NHIÊN, LẤY NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết tham dự hội nghị có khoảng 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các cơ quan trong nước, các tổ chức tài chính, đối tác phát triển quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân quốc tế và trong nước cùng các hiệp hội ngành hàng.
Hội nghị là hành động cụ thể của Việt Nam để triển khai cam kết Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28). Đồng thời khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên, trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.
"Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái".
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Với quan điểm “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững” mà Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại COP26, đây sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam”, phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân và gắn kết với Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, hay còn được gọi là “Nghị quyết thuận thiên”.
"Ngay tại thời điểm này, người dân Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, ảnh hưởng tới đến sản xuất và đời sống dân sinh. Do vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp thuận thiên là một yêu cầu cấp bách, không chỉ vì sinh kế của 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long mà rộng hơn là trách nhiệm toàn cầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nêu những kết quả nổi bật đạt được sau hội nghị, ông Tuấn cho biết trước tiên, hội nghị đã tạo được cảm hứng cho toàn thể các thành phần trong xã hội, đặc biệt là hàng triệu người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang mong chờ vào phát triển nông nghiệp thuận thiên.
Bên cạnh đó, thông qua hội nghị lần này, đã đưa hình ảnh Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với thế giới, kết nối giữa hiện tại với quá khứ và hiện tại với tương lai bền vững cho vùng.
Hội nghị cũng nhận được sự đồng hành từ rất nhiều đối tác. Đó sẽ là những nguồn vốn quý báu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Ước tính, riêng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các quỹ đầu tư khoảng 600 triệu USD để thúc đẩy nông nghiệp thuận thiên.
Ngoài ra, còn có những nguồn hỗ trợ về hạ tầng từ nhiều đối tác, như Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MERIT) có hợp phần đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng khoảng 200 triệu USD.
Ngân hàng thế giới (WB) cũng đang chuẩn bị hỗ trợ cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nguồn vốn từ 400-500 triệu USD. Ngân hàng phát triển châu Á hỗ trợ 16 triệu USD và khoản vay để khôi phục rừng ngập mặn Đồng bằng
TẠO SÂN CHƠI CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC ĐỐI TÁC
Liên quan đến những câu hỏi về định hướng, chiến lược của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các dự án nông nghiệp thuận thiên cho vùng Đồng bẳng sông Cửu Long sau khi huy động được nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết cách tiếp cận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi làm việc với các tổ chức quốc tế là đưa ra các tầm nhìn, nguyên tắc khi hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp thuận thiên.
Dựa trên những nguyên tắc đó, sẽ tạo sân chơi chung cho tất cả các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam. Từ đó thúc đẩy các dự án nông nghiệp thuận thiên được triển khai một cách tốt nhất.
"Xu hướng chung thị trường sẽ áp những tiêu chuẩn mới, chẳng hạn như không phá rừng, carbon thấp, trong tương lai sẽ có là những yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp thuận thiện. Thị trường sẽ ép chúng ta đi theo xu hướng đó, nếu không đi theo sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Mỗi dự án đều có cơ chế vận hành độc lập riêng, hướng đến một mục tiêu chung là chia sẻ với các dự án khác và các địa phương, doanh nghiệp. Vụ Hợp tác quốc tế sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để giúp các đối tác chuẩn bị dự án và triển khai trên thực tiễn một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Ông Christopher Howe - Giám đốc Cảnh quan Đồng bằng sông Cửu Long của tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) nhận định: Tiềm năng phát triển trồng trọt, nuôi trồng thủy sản thuận thiên là rất lớn. Tuy nhiên thu nhập từ mô hình thuận thiên chưa cao.
"Chúng ta phải xây dựng các mô hình nhỏ, từ đó nhân rộng ra, tạo liên kết vùng, phát triển một thị trường đặc biệt, sản phẩm thuận thiên, thị trường thuận thiên và người tiêu dùng thuận thiên. Với cách làm như vậy, sẽ tạo ra mô hình quy mô lớn, mang lại lợi ích lớn hơn cho bà con, tạo ra văn hóa nông nghiệp thuận", ông Christopher Howe gợi mở.
WWF và đối tác đã và đang triển khai thí điểm một số giải pháp thuận thiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, tôm - rừng ngập mặn, tôm - lúa luân canh… cho kết quả cụ thể về mặt kinh tế, mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Từ kết quả bước đầu đã đạt được, ông Christopher Howe khẳng định: "WWF sẵn sàng chia sẻ với các đối tác về mô hình này, để mở rộng quy mô nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sinh thái rừng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo sức khỏe cho con người và thiên nhiên.