Theo thông tin từ Văn phòng Đề án 844, tính tới thời điểm hiện tại, có khoảng 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Những tên tuổi quỹ lớn và tích cực hoạt động trên thị trường gồm VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Nextrans, Do Ventures và Genesia Ventures.
Năm 2021 cũng là năm đánh dấu làn sóng đầu tư từ các startup “anh cả” như VNG hay MoMo. Các hoạt động tích cực này tạo ra lực đẩy quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong bối cảnh thị trường nhiều thách thức từ đại dịch Covid.
CÁC QUỸ TÍCH CỰC "CHỌN MẶT, GỬI VÀNG"
Chia sẻ với VnEconomy, bà Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư đến từ Genesia Ventures của Nhật Bản - một quỹ đầu tư có hiện diện khá sớm trên thị trường và từng đầu tư vào khoảng 8 startup tại Việt Nam, cho biết Covid-19 đã khiến các quỹ phải chuyển đổi sang hoạt động online.
“Trong hơn 5 tháng giãn cách xã hội vừa qua, chúng tôi cũng phải tích cực họp và gặp gỡ với các nhà sáng lập startup qua các nền tảng online hơn rất nhiều. Kỷ lục là Genesia Ventures đã chốt và giải ngân cho một startup chỉ trong vòng một tháng”, bà Dung chia sẻ. Năm 2021, Genesia Ventures đã thực hiện rót vốn cho nhiều startup Việt bao gồm Fundiin, Vietcetera và Kamereo.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho biết những hạn chế trong đi lại và di chuyển trong bối cảnh Covid-19 buộc các quỹ đầu tư phải làm quen với việc làm “deal” qua online. Trong năm 2021, điểm khác biệt lớn là tất cả các quỹ đầu tư đều tiên liệu về Covid-19 trong kế hoạch kinh doanh của mình. Nhiều quỹ đầu tư hiện đã hiểu rằng, họ sẽ phải hoạt động và sống chung với Covid-19.
“Chúng tôi tin rằng nguồn vốn đầu tư vào thị trường startup tại Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn năm 2020 nhưng chưa chắc về được như thời kỳ đỉnh cao năm 2019. Lý do là dịch bệnh hiện vẫn tạo ra nhiều rào cản, giới hạn để các quỹ có thể di chuyển và chốt các thương vụ, đặc biệt là các vụ đầu tư giá trị lớn”, bà Uyên Vy nói.
Trong năm qua, Do Ventures thực hiện trực tiếp cũng như hỗ trợ một loạt các thương vụ đầu tư hàng triệu USD vào các startup như MFast hay Bizzi.
Bên cạnh Do Ventures và Genesia Ventures, các nhà đầu tư khác cũng tham gia rót vốn khủng, lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD vào các startup Việt bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19. Cuối tháng 7, VNLife - công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay - thông báo huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, dẫn đầu là các nhà đầu tư Mỹ gồm: General Atlantic và Dragoneer Investment Group. Tham gia rót vốn còn có PayPal Ventures và EDBI, cùng với các nhà đầu tư hiện tại GIC và SoftBank Vision Fund 1.
BuyMed (đơn vị điều hành Thuocsi.vn), một startup B2B về phân phối dược phẩm trực tuyến, cũng thông tin về việc nhận được khoản đầu tư trị giá 9 triệu USD trong vòng Series A hồi tháng 9. Quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc Smilegate Investment dẫn đầu vòng gọi vốn này cùng với sự tham gia của B Capital Group và các nhà đầu tư hiện hữu như Cocoon Capital, Genesia Ventures, chương trình Surge của Sequoia Capital Ấn Độ và Nextrans.
Trong khi đó, KiotViet – một startup cung cấp giải pháp phần mềm trọn bộ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa - mới công bố huy động vốn thành công lên tới 45 triệu USD cho vòng gọi vốn Series B. Vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Công ty Đầu tư toàn cầu KKR với sự tham gia của nhiều bên như Jungle Ventures của Singapore, Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan và Công ty CVM.
NHÀ ĐẦU TƯ ĐẶT CƯỢC VÀO THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG
Trong mắt nhiều quỹ đầu tư, Việt Nam được xem là thị trường có nhiều tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Ông Louis Casey, Giám đốc phụ trách mảng công nghệ tăng trưởng của KKR Đông Nam Á, đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trong khu vực Đông Nam Á chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ, với dân số trẻ, dồi dào và ưu tiên sử dụng các dịch vụ số. “Việt Nam đã là một thị trường năng động cho KKR, nơi chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vốn vào các công ty hàng đầu của đất nước”, ông Casey chia sẻ trong một bài viết đăng gần đây.
Dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain, ông Casey cho biết sự chuyển dịch sang nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được phản ánh qua sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế Internet, dự kiến đạt 14 tỷ USD vào năm 2020 và tăng lên 52 tỷ USD vào năm 2025.
"Để thực sự có thể xây dựng một công ty startup lớn mạnh và trở thành “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, sẽ cần đến cả thập kỷ và cần các nhà đầu tư cực kỳ tâm huyết và đủ kiên nhẫn với thị trường".
Bà Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư đến từ Genesia Ventures của Nhật Bản
Còn bà Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng khoảng cách của Việt Nam không xa so với những quốc gia đi đầu. Ngoài Singapore và Indonesia, Việt Nam cũng không thua các quốc gia khác. Việt Nam vẫn có những startup được định giá giá trị cao như VNG, VNPAY hay có những công ty có quy mô lớn như Tiki, MoMo. Đó là những công ty đại diện cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.
“Ví dụ như Thái Lan là một quốc gia có GDP về dân số khá tốt nhưng nước này không có công ty nào đạt được như tầm VNG của Việt Nam”, bà Uyên Vy nói. Từ góc nhìn của nhà đầu tư, bà Uyên Vy cho rằng các công ty đang tận dụng Covid-19 như cơ hội “ngàn năm có một” về chuyển đổi số sẽ là những đơn vị nhận được sự quan tâm và đầu tư lớn nhất từ các nhà đầu tư trong những tháng cuối năm 2021.
Trong khi đó Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate cũng nhận định Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của Đông Nam Á và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba khu vực vào năm 2022. “Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á của các quỹ đầu tư mạo hiểm”, báo cáo “Southeast Asia Ecosystem 2.0” của Golden Gate Ventures cho biết.
KIÊN NHẪN HỆ SINH THÁI TRƯỞNG THÀNH
Ngoài “đặt cược” vào các tiềm năng của thị trường, các nhà đầu tư cũng mang trong mình một sự kiên nhẫn không nhỏ, để chờ cho hệ sinh thái trưởng thành hơn và có sự kết nối tốt hơn giữa các nguồn lực.
Từng có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc và lắng nghe tâm tư của nhiều quỹ đầu tư và các startup tại Việt Nam, bà Hoàng Thị Kim Dung từ Genesia Ventures cũng chỉ ra một thực tế và khác biệt hết sức thú vị giữa nhà đầu tư và các nhà sáng lập.
Theo đó, với nhiều nhà sáng lập, họ kỳ vọng là sẽ có nhiều nhà đầu tư hơn nữa, thêm nhiều dòng tiền đầu tư hơn nữa. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư, đặc biệt là những bên chưa thực sự có hoạt động giải ngân nào hay đang “dò dẫm tìm hiểu cơ hội đầu tư” trên thị trường hoặc các quỹ tập trung vào các vòng đầu tư muộn hơn (sau series A), lại cho rằng Việt Nam đang cần nhiều startup hơn nữa cả về chất và lượng. Tức là số lượng startup cần phải nhiều hơn nữa và chất lượng đủ tiêu chuẩn để các quỹ series A, series B có thể xuống tiền đầu tư. “Có thể thấy chúng ta đang có một cái “gap” (một khoảng trống giữa hai bên) ở đây khi mà các bên đều có kỳ vọng về sự bùng nổ và năng động hơn nữa của phía bên kia”, bà Dung nói.
Cũng theo bà Dung, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ cần thêm thời gian để dần tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm phát triển để tạo ra các dòng chảy của nhân tài và kỳ vọng của nhà đầu tư. Từ đó, sẽ có thêm nhiều các dòng tiền của nhà đầu tư chảy vào thị trường. “Những nhà đầu tư ngoại như chúng tôi khi vào thị trường vào những năm 2015, 2016 đã luôn có niềm tin về tiềm năng của thị trường. Và cho đến hiện tại, chúng tôi vẫn biết rằng mình cần kiên nhẫn”, bà Dung nói.
Để thực sự có thể xây dựng một công ty startup lớn mạnh và trở thành “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, sẽ cần đến cả thập kỷ và cần các nhà đầu tư cực kỳ tâm huyết và đủ kiên nhẫn với thị trường. “Sẽ không nên có sự “ép chín” ở đây để startup có đủ thời gian nuôi dưỡng, thử sai, đứng lên thật nhanh và hoàn thiện mình”, bà Dung nói thêm.<