February 29, 2024 | 10:14 GMT+7

Các quy định mới về tiền lương, tiền thưởng của lao động trong doanh nghiệp nhà nước

Phúc Minh -

Doanh nghiệp được quyết định các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, song phải bảo đảm quỹ tiền lương; đồng thời khi sửa đổi phải có tham khảo ý kiến của người lao động...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2024/NĐ-CP quy định về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2024.

Theo đó, căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Về xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách, theo quy định mới tại Nghị định số 21/2024/NĐ-CP, căn cứ vào cơ cấu tổ chức quản lý, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xây dựng, ban hành bảng lương và xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách làm cơ sở để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong bảng lương do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong bảng lương, không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách theo quy định.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung bảng lương của người quản lý, Kiểm soát viên, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Công ty có năng suất lao động không giảm, và lợi nhuận kế hoạch cao hơn so với thực hiện của năm trước liền kề, thì được áp dụng hệ số tăng thêm như sau:

Đối với nhóm ngân hàng, tài chính (không bao gồm tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán, lưu ký chứng khoán), viễn thông: Dưới 500 tỷ đồng thì hệ số tăng thêm là 0,5; từ 500 đến dưới 1.500 tỷ đồng, hệ số tăng thêm là 1,0.

Từ 1.500 đến dưới 2.000 tỷ đồng, hệ số tăng thêm là 1,5; từ 2.000 đến dưới 3.000 tỷ đồng, hệ số tăng thêm là 2,0; từ 3.000 tỷ đồng trở lên, hệ số tăng thêm là 2,5.

Với nhóm khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ, dưới 300 tỷ đồng thì hệ số tăng thêm là 0,5; từ 300 đến dưới 1.000 tỷ đồng, hệ số tăng thêm là 1,0; từ 1.000 đến dưới 1.500 tỷ đồng, hệ số tăng thêm là 1,5.

Từ 1.500 đến dưới 2.000 tỷ đồng, hệ số tăng thêm là 2,0; từ 2.000 tỷ đồng trở lên, hệ số tăng thêm là 2,5.

Đối với tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán, lưu ký chứng khoán và các lĩnh vực còn lại, dưới 200 tỷ đồng thì hệ số tăng thêm là 0,5; từ 200 đến dưới 700 tỷ đồng, hệ số tăng thêm là 1,0.

Từ 700 đến dưới 1.000 tỷ đồng, hệ số tăng thêm là 1,5; từ 1.000 đến dưới 1.500 tỷ đồng hệ số tăng thêm là 2,0; từ 1.500 tỷ đồng trở lên, hệ số tăng thêm là 2,5.

Công ty có lợi nhuận kế hoạch không cao hơn so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề, thì được áp dụng hệ số tăng thêm không vượt quá mức 70% hệ số tăng thêm tương ứng với mức lợi nhuận, nhân với tỷ lệ giữa lợi nhuận kế hoạch so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề.

Công ty không có lợi nhuận thì mức tiền lương bình quân kế hoạch phải thấp hơn mức tiền lương cơ bản, nhưng không thấp hơn 50% mức tiền lương cơ bản. Trường hợp lỗ thì mức tiền lương bình quân kế hoạch bằng 50% mức tiền lương cơ bản.

Công ty giảm lỗ so với thực hiện năm trước liền kề, công ty mới thành lập hoặc mới hoạt động, thì căn cứ vào mức độ giảm lỗ, hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh để xác định tiền lương, bảo đảm tương quan chung và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét quyết định.

Đối với trường hợp lợi nhuận kế hoạch bằng, hoặc cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề, sau khi áp dụng hệ số tăng thêm, mà tiền lương bình quân kế hoạch thấp hơn mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề, thì mức tiền lương bình quân kế hoạch được tính bằng mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate