Áp lực giảm điểm của chỉ số trong tuần giao dịch vừa qua chủ yếu do những thông tin căng thẳng tại khu vực Trung Đông, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố việc bán ngoại tệ giao ngay để ổn định tỷ giá. Chỉ trong vòng 1 tuần, VN-Index giảm 4 phiên, mất 101,75 điểm, tương đương 7,97%, xuống 1174,85 điểm. Nếu tính từ đỉnh đạt được vào 28/3, chỉ số bay 116 điểm, tương ứng -8,9%.
Trong tuần từ ngày 15/4 - 19/4/2024, dòng tiền qua các quỹ ETF tiếp tục rút ròng mạnh với hơn 405 tỷ đồng, ghi nhận đây là tuần thứ 10 liên tiếp dòng tiền ở trạng thái âm. Mức rút ròng tăng +628% so với tuần trước trong bối cảnh VN-Index chịu áp lực bán mạnh giảm 101,75 điểm tương đương -7,97%. Trạng thái rút ròng diễn ra ở 10/20 quỹ bao gồm cả quỹ ngoại và quỹ nội, tập trung chủ yếu ở quỹ Xtrackers FTSE Vietnam Swap ETF.
Từ đầu tháng 4/2024, dòng tiền qua các quỹ ETF bị rút ròng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Như vậy, lũy kế từ đầu năm 2024, giá trị rút ròng ở các quỹ ETF đạt hơn 9,5 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, dòng tiền đến từ các quỹ ETF ngoại quay trở lại rút ròng 384 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở quỹ Xtrackers FTSE Vietnam Swap ETF với hơn 208 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 quỹ VanEck Vietnam ETF và iShares MSCI Frontier and Select ETF cũng ghi nhận vào ròng lần lượt hơn 79 tỷ đồng và 77 tỷ đồng. Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút ròng 60 tỷ đồng.
Dòng tiền ở các quỹ ETF trong nước tiếp tục rút ròng gần 21 tỷ đồng, tuy nhiên, mức rút ròng đã giảm mạnh so với tuần trước. Đóng góp chủ yếu đến từ quỹ VFMVN Diamond ETF với giá trị rút ròng đạt hơn 94 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF cũng ghi nhận rút ròng gần 32 tỷ đồng. Ngược lại, 2 quỹ lớn KIM GROWTH VN30 ETF và quỹ VFM VN30 lại hút ròng hơn 96 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.
Trong phiên ngày 22/04/2024, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF quay trở lại vào ròng nhẹ gần 3 tỷ đồng và không có động thái mua/bán ròng các cổ phiếu trong danh mục đầu tư. Ngoài ra, quỹ VFM VNDiamond ETF quay trở lại rút ròng mạnh hơn 209 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo thống kê từ Yuanta, tại thị trường châu Á, Ấn Độ và Hàn Quốc tiếp tục là hai thị trường hấp dẫn khối ngoại trong thời gian gần đây khi tuần qua ghi nhận dòng tiền được bơm thêm lần lượt là 1,4 tỷ USD và 1 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Đài Loan tiếp tục bị rút ròng thêm 423,3 triệu USD.
Dòng tiền vào các quỹ ETF khu vực châu Á khá cân bằng, ghi nhận con số hút ròng không đáng kể, 0,1 triệu USD. Trong đó, Thái Lan và Singapore dẫn đầu chiều hút ròng với con số huy động được ghi nhận lần lượt là 2,4 triệu USD và 1,9 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam bị rút ròng 3,2 triệu USD, dẫn đầu chiều rút ròng. Theo đó, dòng tiền chủ yếu bị rút ròng bởi quỹ FUESSVFL (-20,6 triệu USD), mặc dù quỹ Fubon đã quay lại vào ròng hơn 21,5 triệu trong tuần qua.
Ở chiều ngược lại, các quỹ ETF Mỹ đầu tư ra thị trường thế giới tiếp tục duy trì đà hút ròng. Cụ thể, các quỹ đầu tư cổ phiếu huy động thêm hơn 3 tỷ USD giảm 45%, các quỹ đầu tư trái phiếu hút ròng 3,2 tỷ USD, gấp 2 lần lượng hút rò của tuần trước.
Tuần qua, đà bán ròng của khối ngoại đã giảm 52% so với tuần trước đó, con số bán ròng ghi nhận 971 tỷ đồng, tương đương 38,9 triệu USD. Trong đó, riêng cổ phiếu VHM bị bán ròng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng trong tuần qua. Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13.500 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dưới áp lực tỷ giá, dòng vốn ngoại chỉ được cho là sẽ quay lại vào giữa năm nay khi tỷ giá hạ nhiệt, hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành với dự kiến là từ 2/5 tới đây.