June 04, 2024 | 12:18 GMT+7

Các sáng kiến bảo vệ môi trường thúc đẩy phát triển bền vững ngành bán lẻ

Ngọc Lan -

Các máy thu gom rác thải tái chế (RVM - Reverse Vending Machine) Sparklomats sẽ được lắp đặt tại hệ thống Trung tâm Thương mại GO! trên toàn quốc...

Photo: Central Retail Việt Nam
Photo: Central Retail Việt Nam

Với mục tiêu góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, Tập đoàn Central Retail Việt Nam và Sparklo đã hợp tác để phát triển dự án Sáng kiến tái chế tại Việt Nam...

Ngày 3/6/2024, Tập đoàn Central Retail Việt Nam và Sparklo, công ty công nghệ sạch, chuyên cách mạng hóa ngành tái chế và khuyến khích các hoạt động về phát triển bền vững trên toàn thế giới chính thức ký kết hợp tác "Sáng kiến tái chế". Sáng kiến này đã góp phần truyền cảm hứng, khuyến khích khách hàng cùng hướng đến lối sống xanh không rác thải, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. 

Được biết, Central Retail Việt Nam và Sparklo thảo luận việc hợp tác nhằm tối ưu hóa việc thực hành tái chế từ giữa năm 2023. Theo nội dung thỏa thuận giữa hai bên, các máy Sparklomats tại Trung tâm Thương mại GO! sẽ là nơi tiếp nhận vỏ lon, chai rỗng và thông qua các quy trình phân loại, làm sạch và nghiền nát để trở thành sản phẩm mới.

Quá trình này tiết kiệm 55% lượng khí thải CO2, 50% năng lượng, 20% dầu và không sử dụng dầu - một nguồn tài nguyên hữu hạn.

Tính từ đầu 2024 đến cuối tháng 4, các máy Sparklomats đã thu gom được gần 65.000 vỏ chai và gần 14.000 lon nhôm, đặc biệt tốc độ thu gom của tháng gần nhất tăng 50% so với thời điểm cùng kỳ trước đó.

Thỏa thuận hợp tác này sẽ mở rộng dự án ra quy mô toàn quốc nhằm đảm bảo rằng người dân trên cả nước có thể dễ dàng tiếp cận máy thu gom vỏ lon, chai tự động của Sparklo, từ đó hiện thực hóa lối sống xanh không rác thải.

Việc hợp tác cùng Sparklo của Central Retail Việt Nam tiếp tục thể hiện cam kết của Tập đoàn trong việc đặt phát triển bền vững trở thành kim chỉ nam song song các hoạt động kinh doanh của mình.

Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Điều hànhTập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết Central Retail tin tưởng sự hợp tác với Sparklo đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn tại Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của tập đoàn trong việc chung tay cùng các đối tác nhằm thúc đẩy giảm thiểu những nguy cơ có hại cho môi trường.

"Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ có sức ảnh hưởng, lan tỏa rộng rãi, tạo  nguồn cảm hứng đến người tiêu dùng về cách thức tái chế bao bì đúng cách, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng một tương lai xanh cho Việt Nam," ông Langlet nhấn mạnh. 

Đại diện Sparklo, ông Maxim Kaplevich, Tổng Giám đốc, chia sẻ rằng dự án không chỉ mang sứ mệnh bảo vệ môi trường, mà còn là phương tiện quảng bá về một phong cách sống hiện đại, nâng cao ý thức công dân.

"Sự phát triển của dự án ý nghĩa này hứa hẹn sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho người dân trên khắp đất nước Việt Nam, thông qua đó củng cố cam kết từ hai phía đối tác cũng như của quốc gia đối với phát triển bền vững," ông Kaplevich cho biết. "Chúng tôi hy vọng các Sparklomats ngoài việc được lắp đặt tại các trung tâm thương mại sẽ được nhân rộng tại nhiều địa điểm công cộng ở Việt Nam, góp phần giúp việc tái chế trở nên thuận tiện cho nhiều đối tượng, thúc đẩy ứng dụng thực hành tái chế vào cuộc sống hàng ngày một cách dễ dàng”.

Trong hơn một thập kỷ có mặt tại Việt Nam, Central Retail luôn tâm huyết với sứ mệnh trở thành nhà bán lẻ xanh và bền vững thông qua các nỗ lực: Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, khuyến khích tái sử dụng túi mua hàng giảm sử dụng nhựa, cung cấp các sản phẩm có lượng phát thải carbon thấp đến sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Tại Việt Nam, Central Retail hiện có hơn 340 cửa hàng & trung tâm thương mại trải dài khắp 42 tỉnh thành trên cả nước, với tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1,000,000 mét vuông, tạo công ăn việc làm cho khoảng 15,000 người lao động tại Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate