May 25, 2010 | 09:55 GMT+7

Các thành viên Chính phủ nói gì về đường sắt cao tốc?

Nguyên Phương

Thủ tướng Chính phủ và một số vị bộ trưởng nói về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Hiệu quả xã hội của đường sắt cao tốc là tốt - Ảnh: Lê Nhung.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Hiệu quả xã hội của đường sắt cao tốc là tốt - Ảnh: Lê Nhung.
Vào ngày cuối cùng của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội mới đưa ra quyết định về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM.

Song, ngay từ phiên khai mạc và các phiên thảo luận tại tổ vào ngày thứ hai, thứ ba… của kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ và một số vị thành viên Chính phủ viên khác đã lần lượt lên tiếng về dự án đang còn những ý kiến nhiều chiều trong Quốc hội.

Nếu không làm ngay sẽ chậm

Trong giờ giải lao của phiên khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu: “Đường bộ, đường biển, kể cả đường hàng không cũng tính hết rồi, không tải nổi nhu cầu đi lại, việc xây đường sắt cao tốc là cần thiết.

Ở Nhật Bản, tôi đi từ Tokyo xuống Osaka bằng tàu cao tốc, nhanh như máy bay, mà không có tai nạn gì. Cần nhớ là họ làm từ năm 1964, mà đến năm 1990 cũng mới trả xong nợ cho Ngân hàng Thế giới.

Cũng giống như mình vay ODA bây giờ rồi trả nợ trong 40 năm. Tôi đã yêu cầu tư vấn Nhật, Pháp, Đức, họ đều nói Việt Nam làm đường sắt cao tốc là phù hợp, nếu không thì chậm mất”.

Làm nhà phải đi vay là bình thường

Ngay sau khi dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM được trình Quốc hội tại phiên họp chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trao đổi với báo chí: “Vay nợ là cần thiết bởi hạ tầng của chúng ta hiện rất bất cập, làm cản trở sự phát triển. Tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn nhỏ mà chúng ta phải đồng thời giải quyết hai nhiệm vụ là đầu tư phát triển và lo an sinh xã hội. Nguồn vốn cho đầu tư không được nhiều nên phải vay thêm.

Cũng như một gia đình xây nhà, nếu không đủ thì phải đi vay, sau đó làm ăn, tiết kiệm trả nợ thì cũng rất bình thường.

Khi nào chạm mức an toàn là do mình lựa chọn thôi. Chính phủ đã lựa chọn giới hạn là 50% GDP, cũng tùy tiềm năng kinh tế mà có nước chọn mức cao hơn. Vấn đề là phải trả được nợ. Vay ít mà không trả được thì vẫn vỡ nợ như thường.

Đặt lên bàn tính toán thì hiệu quả kinh tế của dự án này không phải là rất cao, nhưng về lâu dài và tính cả hiệu quả xã hội là tốt”.

Riêng hiệu quả kinh tế thì không cao

Cũng trong chiều 20/5, sau khi trình bày tờ trình dự án trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng khẳng định bên hành lang Quốc hội: “Về hiệu quả kinh tế thì không phải là cao, nhưng xét về hiệu quả tài chính thì dự án có thể lấy thu bù chi, hoàn trả được vốn. Yếu tố hiệu quả ở đây xét trên yếu tố tổng hợp kinh tế, xã hội.

Nếu Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì nhiệm vụ sắp tới phải bàn cụ thể với đối tác là khả năng mình vay được vốn như thế nào, lãi suất ra sao rồi thời gian vay như thế nào, các điều kiện ra sao.

Đối tác cũng đang chờ xem Quốc hội có thông qua chủ trương đầu tư hay không và hiệu quả sơ bộ báo cáo đầu tư như thế nào thì họ mới trao đổi sâu về vấn đề này. Tuy nhiên, có thể nói đây là một dự án cực kỳ lớn, chiếm 50% GDP một năm của đất nước. Tất nhiên, nó trải dài đến năm 2035 và mỗi năm huy động hơn 4 tỷ USD và 10 năm đầu hơn 2 tỷ USD/năm”.

Sau năm 2020 mới vay nhiều

Cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc với báo chí cũng diễn ra bên lề buổi thảo luận tổ của Quốc hội cuối tuần làm việc đầu tiên của Quốc hội.

Bộ trưởng nói: “Đường sắt Hà Nội - Tp.HCM là một công trình đầu tư cho dài hạn, nếu chúng ta thực hiện thì đến năm 2014 chúng ta mới bắt đầu khởi công và dự án kết thúc vào năm 2035, tức là 21 năm. Nếu thực hiện, chúng ta đi vay trong 21 năm và cũng không phải chúng ta vay hết 55 tỷ USD mà ngoài vốn vay còn vốn ngân sách, vốn huy động doanh nghiệp…

Thời gian vay nợ nhiều của đường sắt là sau năm 2020, nhưng lúc đó nguồn lực kinh tế của ta sẽ khác. Bình quân đầu người của chúng ta bây giờ mới là 1.200 USD, nhưng dự tính trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bình quân thu nhập đầu người của chúng ta năm 2020 là trên 3.000 USD.
 
Chúng ta phải đặt dự án này trong tình hình kinh tế phát triển với mức tăng trưởng theo dự báo của chiến lược phát triển kinh tế xã hội là khoảng 7 - 8%. Với một đà tăng trưởng như vậy chúng ta đặt đường sắt này vào thời kỳ 2014 - 2035 là hợp lý.

Chúng ta muốn năm 2014 khởi công thì ngay năm 2012 chúng ta phải bắt tay xây dựng và muốn như vậy năm 2010 này chúng ta phải làm báo cáo khả thi để sau đó còn thẩm định, thiết kế. Thời gian chuẩn bị đó đòi hỏi phải như vậy”.

Tại báo cáo được làm quá kỹ

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách sáng 22/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng cần hiểu rạch ròi hơn.

Ông nói: “Về dự án đường sắt cao tốc thì Chính phủ và ban dự án sẽ giải trình, nhưng tôi được biết báo cáo Quốc hội mới là báo cáo chủ trương đầu tư sau đó mới làm dự án cụ thể. Nhưng hình như ban dự án này trách nhiệm quá nên làm quá kỹ.

Nhiều đại biểu phát biểu khẳng định như mình đã có một "cục" 56 tỷ rồi bây giờ chọn cái gì để đầu tư thì không đúng. Vì nếu mình vay làm đường sắt thì người ta cho vay, còn làm cái khác thì họ không cho vay. Nếu đầu tư cho vùng sâu vùng xa thì họ không cho vay vì không thể trả được, nên chỉ có thể đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Như vậy là số tiền này gắn với công trình, 40 năm mới khấu hao xong, nên người cho vay cái này là rất ưu ái với Việt Nam.

Theo quan điểm của tôi thì hạ tầng trước sau gì cũng phải làm, làm càng muộn thì giá thành càng cao, làm càng sớm càng tốt, không chỉ là giá thành kinh tế mà còn là giá thành niềm tin và giá thành phát triển. Cái này phải tính rất kỹ.

Những ý kiến chúng ta phát biểu đều đúng cả nhưng góc nhìn các nhau nên ý kiến còn khác nhau”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate