Tại tỉnh Thanh Hóa, theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới 47.620 lao động (đạt 82,1% kế hoạch năm và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 10.021 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (vượt 100,4% kế hoạch năm và tăng 26,2% so cùng kỳ năm 2022).
Năm 2023, dự báo Thanh Hóa có trên 60.000 lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động là rất cấp thiết, qua đó góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, năm 2023 trung tâm dự kiến sẽ tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 24 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm, 30 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, 24 phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngoài ra, trung tâm sẽ tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ việc làm thuộc Tiểu dự án 3; hỗ trợ việc làm bền vững thuộc dự án 4; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững dựa trên chương trình, kế hoạch đã xây dựng trong năm 2022.
Tại tỉnh Nghệ An, theo báo cáo trong 9 tháng qua toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 39.106 người (đạt 95,49% kế hoạch), trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 9.210 người, giải quyết việc làm ngoại tỉnh 12.800 người, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 17.096 người (đạt 117,9% kế hoạch).
Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết, thời gian tới, 5 Khu công nghiệp trên địa bàn Nghệ An có nhu cầu tuyển thêm gần 50.000 lao động. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng đối với lao động cũng tăng lên. Vì vậy, đơn vị này sẽ tăng cường đào tạo nâng cao tỉ lệ lao động có nghề. tập trung thực hiện đầy đủ các chính sách để người lao động có thể lựa chọn thị trường lao động; tạo điều kiện tối đa để kết nối cung cầu lao động. Thông tin đầy đủ về vị trí việc làm doanh nghiệp có nhu cầu đến với người lao động thông qua hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm, mạng xã hội, thông tin bằng văn bản qua hệ thống từ tỉnh xuống huyện, xã và xuống dân, qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại Hà Tĩnh, thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 87 phiên giao dịch việc làm, tư vấn định hướng nghề nghiệp thu hút 716 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động và 23.815 lượt người lao động, học sinh, sinh viên tham gia được tư vấn học nghề, việc làm; giải quyết việc làm cho 19.083 lao động, đạt 84,8% so với kế hoạch năm 2023, trong đó, xuất khẩu lao động 8.980 lao động, đạt 120,2% so với kế hoạch năm 2023.
Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh mới 11.288 người (trong đó, cao đẳng 717 người, trung cấp 3.318 người, sơ cấp 3.903 người, dưới 3 tháng 3.350 người, đạt 53,8% kế hoạch năm 2023), đạt 88,2% so với cùng kỳ năm 2022. trong 3 tháng cuối năm, đơn vị này tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động thông qua các ngày hội việc làm, tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh trong 3 tháng cuối năm 2023, đơn vi này sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động thông qua các ngày hội việc làm, tư vấn học nghề. Đồng thời, sở này sẽ tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh rình HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung môt số điều của Nghị quyết số 70/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh; Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng; danh mục ngành nghề ưu tiên đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.
Tại tỉnh Quảng Bình, theo thông tin Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.500 lao động, đạt 83,7% kế hoạch năm, trong đó có trên 3.200 lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Từ đầu năm đến nay, thông qua 52 phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn việc làm, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp, hợp đồng lao động, các chế độ chính sách về lao động cho 21.888 lượt người; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng 3.349 người.
Công tác đào tạo nghề từng bước được nâng cao về chất lượng và gắn với yêu cầu thị trường, giảm thiểu chi phí cho hoạt động đào tạo, đào tạo lại của doanh nghiệp. Trong 9 tháng, đã đào tạo được 916 học viên về ngoại ngữ và pha chế đồ uống...
Tuy nhiên, tình hình lao động và việc làm trong các lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế của thị trường xuất khẩu. Hiện, các cấp, ngành trong tỉnh cũng đang tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Tại tỉnh Quảng Trị, theo thông tin từ Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Quảng Trị cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh này đã giải quyết việc làm mới cho 12.817 lượt lao động (đạt 106,8% kế hoạch). Trong đó, làm việc trong tỉnh là 5.492 lượt lao động; làm việc ngoài tỉnh là 5.361 lượt lao động; làm việc ở nước ngoài gần 2.000 lao động.
Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Trị cũng đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 5.413 học viên, theo các bậc: cao đẳng, trung cấp nghề, sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 15/9/2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 13.445 người lao động, đạt 79,08% so với kế hoạch năm; trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 1.635 lao động, đạt 81,75% theo kế hoạch.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyển sinh 9.510 người (đạt 59,44%), trong đó chủ yếu là trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác: 7.020 người; trình độ cao đẳng, trung cấp 2.490 người. Số học sinh đã tốt nghiệp 7.357 người.