Các nhà đầu tư tư nhân trên toàn cầu và các nhà quản lý tài sản đang sẵn sàng cho các thương vụ M&A trị giá hàng tỷ USD và các khoản đầu tư liên quan đến các trung tâm dữ liệu ở Châu Á Thái Bình Dương. Khu vực này đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư khi trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ thúc đẩy nhu cầu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Tốc độ giao dịch đang diễn ra nhanh chóng tại khu vực đông dân nhất thế giới khi các quốc gia và công ty đáp ứng nhu cầu bùng nổ về AI, đòi hỏi nhiều năng lực dữ liệu hơn.
Dữ liệu từ Sàn giao dịch chứng khoán London (LSEG) cho thấy Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả Nhật Bản, đã dẫn đầu các hoạt động giao dịch trên thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu trong năm nay, với giá trị M&A lên tới 840,47 triệu USD, hơn một nửa số tiền toàn cầu.
Theo LSEG, vào năm 2023, các thương vụ về trung tâm dữ liệu của khu vực đã đạt mức cao kỷ lục 3,45 tỷ USD. Con số đó dự kiến sẽ bị vượt qua trong năm nay với ít nhất một vài giao dịch lớn đang được thực hiện.
Một số nhà đầu tư, bao gồm cả công ty đầu tư toàn cầu Blackstone đang tìm cách mua lại AirTrunk - công ty sở hữu 11 trung tâm dữ liệu siêu quy mô ở Úc và phần còn lại của khu vực, các nguồn tin thân cận với giao dịch cho biết.
Garren Cronin, Giám đốc điều hành của Cadence Advisory, đơn vị tư vấn về đợt huy động vốn 861 triệu USD của nhà điều hành trung tâm dữ liệu Úc NEXTDC vào tháng 4, cho biết: “Cuộc cách mạng AI đang tạo ra nhu cầu chưa từng có về các trung tâm dữ liệu chất lượng cao”.
"Nhu cầu xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Châu Á Thái Bình Dương trong vòng 3 đến 5 năm tới thật đáng ngạc nhiên. Tôi kỳ vọng rằng luồng giao dịch trong không gian trung tâm dữ liệu sẽ tăng cường vào năm 2024."
Microsoft vào tuần trước cho biết họ sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD trong 4 năm tới tại Malaysia để mở rộng các dịch vụ đám mây và AI trên khắp châu Á.
CÒN RẤT NHIỀU THỎA THUẬN TIỀM NĂNG
Sự gia tăng đầu tư vào trung tâm dữ liệu ở châu Á đi theo quỹ đạo tương tự như ở Mỹ và châu Âu với những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Amazon, Microsoft và Meta nhanh chóng mở rộng khả năng AI của họ. Microsoft sẽ mở trung tâm dữ liệu châu Á đầu tiên tại Thái Lan, công ty cho biết vào tuần trước, một ngày sau khi công bố khoản đầu tư trị giá 1,7 tỷ USD vào AI và cơ sở đám mây ở nước láng giềng Indonesia.
Theo các báo cáo, các thỏa thuận tiềm năng khác ở châu Á bao gồm Telkom Indonesia (thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia) mở đợt bán cổ phần mới trong hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỷ USD và NEC của Nhật Bản có thương vụ bán trung tâm dữ liệu trị giá 500 triệu USD.
Công ty đầu tư Bain Capital của Mỹ đang tìm kiếm nguồn tài trợ tín dụng cho các tài sản quốc tế của nhà điều hành trung tâm dữ liệu Chindata và các khoản đầu tư cho hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của họ, những người thân cận với Bain Capital cho biết.
Goldman Sachs Asset Management (GSAM), công ty đã đầu tư vào AirTrunk vào năm 2017 đã triển khai hơn 1 tỷ USD để phát triển trung tâm dữ liệu ở châu Á trong ba năm qua. Nikhil Reddy, người đứng đầu bộ phận bất động sản APAC tại GSAM cho biết, công ty sẽ tích cực đầu tư vào các dự án bổ sung, đặc biệt tập trung vào Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông nói: “AI tạo ra một loại nhu cầu khác về trung tâm dữ liệu ngoài nhu cầu lịch sử của đám mây, tập trung vào độ trễ thấp. Giờ đây, với AI, đòi hỏi mức tiêu thụ dữ liệu lớn, dung lượng là yếu tố then chốt”.