January 17, 2025 | 14:00 GMT+7

Cải cách thể chế để đất nước phát triển bền vững

PGS.TS. Ngô Trí Long

Trong nhiều năm qua, vấn đề cải cách thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xem là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính sống còn đối với sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng thể chế không chỉ là công cụ để quản lý, mà còn là “điểm nghẽn của các điểm nghẽn”, một rào cản lớn nhất mà nếu không vượt qua, chúng ta khó có thể khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế quốc gia...

Thể chế là “xương sống” của một quốc gia, nơi các chính sách, quy định và luật pháp được thiết lập để tạo ra môi trường minh bạch, bình đẳng và khuyến khích sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều vấn đề trong hệ thống thể chế hiện tại đang cản trở sự phát triển của đất nước. Từ sự chồng chéo trong pháp luật, cơ chế thực thi thiếu hiệu quả, đến tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý mơ hồ, những “điểm nghẽn” này cần được tháo gỡ nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai gần.

Thể chế được hiểu là tập hợp các quy tắc, luật lệ, tổ chức và cơ chế nhằm điều chỉnh các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật trong một quốc gia. Thể chế bao gồm ba loại chính: một là, thể chế kinh tế: các chính sách, quy định điều chỉnh hoạt động kinh tế, như quyền sở hữu, cơ chế thị trường, chính sách tài khóa, và các quy định kinh doanh; hai là, thể chế chính trị: các cơ cấu quyền lực, hình thức chính quyền, và cách thức quản lý, như dân chủ, độc tài, liên bang, hay đơn nhất; ba là, thể chế pháp luật: hệ thống luật pháp, quy định, cơ chế thực thi luật nhằm đảm bảo công bằng và bảo vệ quyền lợi của các bên.

VAI TRÒ CỦA THẾ CHẾ TRONG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC 

Thể chế là khung xương sống cho hoạt động xã hội và kinh tế, thể chế định hình cách các nguồn lực được phân bổ, cách các tranh chấp được giải quyết và cách xã hội phát triển bền vững. Thể chế tốt tạo ra môi trường ổn định, thúc đẩy đầu tư, sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

 
PGS.TS. Ngô Trí Long
PGS.TS. Ngô Trí Long

"Thể chế là nền tảng đảm bảo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả trong xã hội. Thể chế pháp luật rõ ràng và nghiêm minh đảm bảo mọi người đều có quyền và nghĩa vụ như nhau, không phân biệt đối xử.

Thể chế kinh tế vững mạnh giúp định hướng thị trường, giảm rủi ro, và thúc đẩy năng suất. Thể chế chính trị hiệu quả giúp điều phối nguồn lực, quản lý khủng hoảng và phát triển bền vững".

Một quốc gia có hệ thống thể chế mạnh, trong đó chính phủ minh bạch, pháp luật nghiêm minh và hệ thống kinh tế được quản lý chặt chẽ. Những quốc gia có thể chế mạnh có thể tạo điều kiện cho sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và tạo ra môi trường công bằng cho doanh nghiệp và người lao động. Ngược lại, quốc gia có thể chế yếu thường đối mặt với các vấn đề như tham nhũng, bất công, kém hiệu quả trong quản lý nguồn lực, dẫn đến đói nghèo và bất ổn xã hội.

Như vậy, thể chế không chỉ là yếu tố điều hành mà còn là nền tảng cốt lõi để đảm bảo sự phát triển bền vững, công bằng và hiệu quả của quốc gia. Một hệ thống thể chế mạnh sẽ là động lực chính thúc đẩy kinh tế, chính trị và xã hội đi lên. Các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, cần chú trọng cải cách thể chế để đảm bảo năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng lâu dài.

CÁC ĐIỂM NGHẼN THỂ CHẾ TẠI VIỆT NAM 

Các điểm nghẽn của thể chế của nước ta có thể chia thành bốn khía cạnh chính. 

Thứ nhất, hệ thống pháp luật và chính sách chồng chéo, thiếu đồng bộ.

Các quy định pháp luật và chính sách hiện tại không nhất quán, đôi khi mâu thuẫn nhau, gây ra khó khăn trong việc thực thi và áp dụng. Sự chồng chéo này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và gây phiền hà cho người dân. Ví dụ: quy định không rõ ràng hoặc thiếu chi tiết khiến các cơ quan quản lý có thể diễn giải khác nhau, dẫn đến sự bất ổn và khó dự đoán trong việc thực thi pháp luật.

Thứ hai, thủ tục hành chính phức tạp.

Thủ tục hành chính rườm rà, không minh bạch và thiếu tính hiệu quả làm lãng phí thời gian, nguồn lực của xã hội. Hệ quả là tạo ra cơ hội cho quan liêu, nhũng nhiễu và tham nhũng trong bộ máy hành chính. Minh chứng, tình trạng một cửa nhưng nhiều ngách, doanh nghiệp hoặc người dân phải qua nhiều khâu phê duyệt. Một ví dụ điển hình là việc cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy chứng nhận đầu tư, bị chậm trễ vì yêu cầu các giấy tờ và phê duyệt không cần thiết.

Thứ ba, hạn chế trong phân cấp, phân quyền.

Sự không rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn giữa chính quyền Trung ương và địa phương khiến việc quản lý không hiệu quả. Điều này dẫn đến hiện tượng chồng chéo trong việc chỉ đạo, triển khai các chính sách hoặc dự án lớn. Ví dụ: các dự án đầu tư công hoặc quy hoạch đô thị bị trì hoãn vì Trung ương và địa phương không thống nhất trong việc phê duyệt hoặc phối hợp thực hiện. Một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, quản lý đất đai thường xuyên gặp phải tình trạng này.

Thứ tư, chất lượng đội ngũ cán bộ và năng lực thực thi.

Năng lực yếu kém của một bộ phận cán bộ, công chức khiến cho việc thực hiện chính sách không đạt được hiệu quả mong muốn. Tinh thần trách nhiệm chưa cao, cùng với việc thiếu kỹ năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, cản trở tiến trình cải cách. Minh chứng: cán bộ không nắm vững quy định hoặc cố tình lợi dụng kẽ hở pháp luật để gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng không xử lý triệt để các vấn đề nhức nhối của xã hội, như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, hoặc cải cách giáo dục.

Các điểm nghẽn thể chế này không chỉ gây ra sự kém hiệu quả trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn làm giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống quản lý. Để giải quyết, cần có sự cải cách toàn diện nhằm đảm bảo pháp luật đồng bộ, thủ tục hành chính tinh giản, phân cấp rõ ràng và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ.

NGUYÊN NHÂN CHÍNH DẪN ĐẾN NHỮNG ĐIỂM NGHẼN  

Một là, lịch sử và văn hóa hành chính truyền thống.

Nền tảng lịch sử và văn hóa hành chính truyền thống đã để lại tư duy cũ trong quản lý nhà nước, bao gồm quan liêu, cứng nhắc và thiếu tinh thần đổi mới. Những tư duy quản lý lỗi thời không chỉ làm giảm hiệu quả vận hành của bộ máy nhà nước, mà còn cản trở sự thích ứng với các yêu cầu mới của xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ số phát triển nhanh chóng. Thiếu đổi mới có thể khiến bộ máy hành chính trở nên trì trệ, không đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

Hai là, thiếu sự gắn kết giữa chính sách và thực tiễn.

Quá trình xây dựng chính sách không dựa trên khảo sát và nghiên cứu thực tiễn, dẫn đến các chính sách thiếu tính khả thi. Khi chính sách không phản ánh đúng nhu cầu hoặc tình hình thực tế, việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, gây lãng phí nguồn lực hoặc không đạt được hiệu quả mong muốn. Sự mâu thuẫn giữa chính sách và thực tiễn không chỉ làm mất lòng tin của người dân, mà còn tạo thêm gánh nặng cho bộ máy hành chính trong việc sửa đổi, bổ sung các chính sách không phù hợp.

Ba là, sự tác động của lợi ích nhóm.

Các nhóm lợi ích có thể tác động vào quá trình hoạch định chính sách nhằm phục vụ lợi ích cá nhân hoặc tổ chức thay vì lợi ích chung. Sự chi phối của lợi ích nhóm làm méo mó quy trình xây dựng chính sách, dẫn đến việc ban hành những chính sách không công bằng hoặc có lợi cho một nhóm nhỏ thay vì cộng đồng. Tác động từ lợi ích nhóm có thể gây mất công bằng xã hội, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước và gây bất bình trong xã hội.

Ba nguyên nhân này liên kết với nhau tạo thành một vòng lặp tiêu cực, làm suy giảm chất lượng thể chế. Để khắc phục, cần có sự đổi mới trong tư duy quản lý, nâng cao tính thực tiễn của chính sách và tăng cường giám sát, minh bạch trong quá trình xây dựng chính sách nhằm hạn chế sự can thiệp từ các nhóm lợi ích.

Điểm nghẽn thể chế không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế mà còn tác động sâu rộng đến xã hội, từ việc lãng phí tài nguyên đến làm giảm sự gắn kết và ổn định.

HẬU QUẢ CỦA ĐIỂM NGHẼN VỀ THỂ CHẾ 

Kìm hãm phát triển kinh tế. Điểm nghẽn thể chế khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai, lao động, và công nghệ. Ngoài ra, các quy định không rõ ràng hoặc không công bằng tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp không thể phát huy hết tiềm năng, giảm khả năng cạnh tranh quốc tế. Điều này dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, ảnh hưởng đến việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Lãng phí nguồn lực xã hội. Quản lý kém hiệu quả, quy trình phức tạp hoặc tham nhũng làm thất thoát tài sản nhà nước. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính bị kéo dài, cơ hội đầu tư hoặc phát triển bị bỏ lỡ do các rào cản thể chế. Nguồn lực tài chính, nhân lực và thời gian bị lãng phí thay vì được sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội. Điều này gây ra sự trì trệ và giảm năng suất tổng thể của xã hội.

Làm suy giảm lòng tin của người dân. Khi thể chế không bảo đảm được sự công bằng và minh bạch, người dân mất niềm tin vào các cơ quan quản lý và hệ thống pháp luật. Sự bất công xã hội gia tăng do tham nhũng, thiên vị, hoặc không có cơ chế giám sát hiệu quả. Lòng tin suy giảm dẫn đến sự bất mãn trong xã hội, làm tăng nguy cơ xảy ra các xung đột, biểu tình hoặc bất ổn xã hội. Điều này ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị và cản trở các nỗ lực cải cách.

Bởi vậy, việc cải cách thể chế là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển bền vững.

GIẢI PHÁP VƯỢT QUA HẠN CHẾ, BẤT CẬP 

Để vượt qua các hạn chế, bất cập về thể chế, cần tập trung vào 5 giải pháp.

Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách pháp luật và hành chính.

Xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, ổn định và dễ thực thi nhằm đảm bảo mọi người, từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp và người dân, có thể hiểu rõ và tuân thủ. Pháp luật minh bạch giúp giảm tình trạng tùy tiện trong áp dụng và tránh mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật ổn định tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân yên tâm đầu tư và hoạt động dài hạn.Tính dễ thực thi đảm bảo rằng các quy định có thể áp dụng thực tế, tránh tình trạng văn bản pháp luật không khả thi.

Yêu cầu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cần thời gian để sửa đổi hoặc xây dựng lại khung pháp luật hiện có.

Thứ hai, tăng cường phân quyền và phân cấp.

Tạo điều kiện để các địa phương tự chủ hơn trong quản lý và sử dụng nguồn lực. Đẩy mạnh tính linh hoạt trong quản lý để địa phương có thể điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Tăng khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực địa phương, giảm áp lực cho Trung ương.

Cần cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo phân quyền không dẫn đến tình trạng lạm quyền. Một số địa phương có thể gặp khó khăn về năng lực quản lý và nguồn lực con người.

Thứ ba, đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ.

Cán bộ chất lượng cao là yếu tố cốt lõi để triển khai hiệu quả các chính sách và giải pháp. Đội ngũ cán bộ phải có đủ phẩm chất, trình độ và tâm huyết với công việc; liêm chính và chuyên nghiệp trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thách thức, đặt ra là cần chi phí lớn cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đồng thời, khó kiểm soát và thay đổi tư duy cũ trong một số nhóm cán bộ.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước.

Đẩy mạnh Chính phủ điện tử để giảm thiểu thủ tục rườm rà và tăng tính minh bạch. Giảm thiểu các rào cản hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn. Tăng tính minh bạch, giảm nguy cơ tham nhũng nhờ khả năng giám sát qua hệ thống số hóa. Nâng cao hiệu quả quản lý và ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Thứ năm, kiểm soát lợi ích nhóm và tăng cường giám sát xã hội.

Huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong kiểm soát chính sách. Giảm nguy cơ lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân hoặc nhóm lợi ích. Thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Cần có cơ chế rõ ràng để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia giám sát. Đối mặt với sự chống đối từ những nhóm có lợi ích cố hữu trong hệ thống hiện tại.

Các giải pháp trên đều nhắm đến việc tăng cường hiệu quả quản lý, minh bạch hóa thể chế và cải thiện sự tương tác giữa nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, để thành công, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Mỗi giải pháp đều có giá trị và thách thức riêng, đòi hỏi sự kiên trì trong triển khai.

Thể chế không chỉ là nền tảng cho sự vận hành của quốc gia mà còn là chìa khóa để đất nước bứt phá và phát triển bền vững. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, cần kiên quyết đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế một cách đồng bộ, thực chất và kịp thời để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là trách nhiệm lịch sử của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.

Chúng ta phải xác định rõ rằng thể chế tốt sẽ khơi dậy mọi nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện để toàn dân tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Việc vượt qua những thách thức về thể chế không chỉ đòi hỏi quyết tâm chính trị mà còn cần sự đồng lòng, sự cống hiến và trí tuệ của cả dân tộc. Đây chính là con đường dẫn đến một Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng và bền vững...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 53-2024 phát hành ngày 06/01/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại ĐÂY:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cải cách thể chế để đất nước phát triển bền vững - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate