Đó là nhận định của các doanh nghiệp, chuyên gia tại "Diễn đàn doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 12/4 tại Hà Nội.
NHIỀU NGÀNH HÀNG VẪN GẶP KHÓ KHĂN
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết ngành xây dựng hiện nay vẫn đang rất khó khăn. Cơ hội hiện tại chỉ đang mở rộng cho các doanh nghiệp xây dựng lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp chuyên về phát triển hạ tầng kinh tế hoặc xây dựng các dự án đường cao tốc. Trong khi đó, những công ty quy mô vốn đầu tư nhỏ và trung bình đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong tìm kiếm cơ hội thị trường mới.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng nhấn mạnh về tình trạng mất cân bằng giữa nợ thu và nợ trả của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Tình trạng này thường xảy ra khi các doanh nghiệp đầu tư tiền vào mua vật liệu xây dựng trước, nhưng sau đó gặp khó khăn trong việc thu hồi tiền sau khi dự án đã hoàn thành.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thể cho rằng hiện nay vấn đề kết nối, xúc tiến thương mại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là xúc tiến du lịch với phía Trung Quốc, họ không mặn mà bởi du lịch Việt Nam còn một số rào cản về thủ tục và chi phí.
Ngoài ra, tại một số diễn đàn xúc tiến thương mại, doanh nghiệp Việt Nam mang sản phẩm đến giới thiệu đến đối tác, nhưng đối tác lại mời lại các doanh nghiệp Việt Nam với giá rẻ hơn. Từ đó có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà.
Hiện nay, tại các tỉnh như Quảng Ninh, các khu công nghiệp còn rất rộng nhưng việc xúc tiến đầu tư cũng rất khó khăn. Trong khi đó, ở một số tỉnh cũng chưa thể hiện sự cầu thị, lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết hầu hết doanh nghiệp gỗ đều sản xuất theo mẫu mã đặt hàng của nước ngoài nên bị ép giá rất nhiều. Như vậy, phần làm thì nhiều nhưng giá trị doanh nghiêp thu về ít. Về lâu dài, cách làm này không bền vững.
Mặt khác, các chính sách để tạo động lực đã được Chính phủ tạo ra, từ cơ chế, tín dụng,… nhưng vẫn còn vướng ở một số khâu liên quan đến thể chế, chi phí thực thi pháp luật như vấn đề hoàn thuế GTGT vẫn nan giải ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Viforest cho rằng sự tăng trưởng ngành công nghiệp gỗ trong hơn hai thập kỷ vừa qua dựa vào một số lợi thế so sánh như chi phí đầu vào, nhân công thấp, nhưng đã đến thời kỳ ngành gỗ không thể dựa vào những lợi thế so sánh đó.
GỠ NÚT THẮT CƠ CHẾ
Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua (huyện Ba Vì), cho rằng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển cần gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách.
Đó là các quy định của nhà nước từ luật pháp trở xuống. Hiện tại, những quy định trước và quy định sau còn chồng chéo, thậm trí cản trở nhau. Các chính sách khi đưa vào thực thi còn nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, cần có chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi hiện nay Nhà nước cấp phép cho tất cả dự án cực kỳ khó khăn, nếu cứ theo quy định của luật pháp thì có nhiều dự án 5-7 năm chưa được cấp phép.
Theo ông Thản, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng chưa cao, không đảm bảo, xuất hiện nhiều hàng nhái, hàng giả, không tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Do vậy hàng Việt Nam cần chinh phục người Việt Nam bằng những sản phẩm đa dạng, đặc thù, cá biệt. Doanh nghiệp cần có chiến lược quảng cáo một cách tử tế.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cho rằng cần tập trung khơi thông các điểm còn tắc nghẽn. Cụ thể, khơi thông các nguồn vốn bằng cách giải quyết các vấn đề về trái phiếu, vốn ngân hàng, các nguồn vốn từ các quỹ còn chưa hiệu quả.
Đồng thời rà soát, tháo gỡ các thủ tục hành chính còn rườm rà. Có các biện pháp củng cố hơn nữa niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư tư nhân. Khơi thông nguồn nhân lực chất lượng cao…
Ông Mạc Quốc Anh cho biết thêm Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành năm 2018, tuy nhiên đến nay chưa phát huy hiệu quả. Muốn khắc phục, Chính phủ cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn, “sếu đầu đàn”, vừa tăng cường sức cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu, vừa tạo bệ đỡ hỗ trợ, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ trong nước tham gia cuộc chơi toàn cầu.
Cùng với đó, VCCI cần tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, liên kết giữa các hội viên các hiệp hội hợp tác, xây dựng chuỗi giá trị cung ứng trong nước mạnh mẽ.