Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) vừa công bố nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình”.
Báo cáo nhận định, xăng dầu là thị trường rất phức tạp, giống như thị trường điện, đã tồn tại những đặc điểm trong quá khứ, bị chi phối bởi những doanh nghiệp lớn đã được giao cả nhiệm vụ kinh doanh lẫn chính sách, nên đáp ứng được nhu cầu lịch sử của đất nước trong giai đoạn nhất định, nhưng khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn thì lộ rõ những bất cập.
Thông qua nghiên cứu và tìm hiểu các đặc điểm chính của thị trường xăng dầu Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã có cái nhìn tổng quan về thị trường này. Các quy định chi tiết và chặt chẽ trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP nhằm hướng tới mục đích duy trì ổn định của thị trường xăng dầu.
Tuy nhiên, các chính sách này cũng gián tiếp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan tham gia thị trường, với nhiều dấu vết của các nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.
Các quy định kiểm soát chặt chẽ cấu trúc của chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ tạo thành hiện tượng độc quyền bán, qua đó duy trì sức mạnh vốn có của các doanh nghiệp. Điều kiện hoạt động khắt khe (như quy định khoảng cách tối thiếu giữa các cây xăng) cản trở các doanh nghiệp nhỏ hơn muốn tham gia thị trường kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng cách thức tính giá cơ sở hiện nay cũng có nhiều điểm yếu, khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng giá xăng dầu thực tế và không theo kịp sự thay đổi giá xăng dầu của thị trường quốc tế. Thiết kế thuế đánh vào xăng dầu như hiện nay (chủ yếu theo tỷ lệ) không những khiến giá xăng dầu cao, mà còn khuếch đại tính bất ổn của giá xăng dầu.
Nghiên cứu nhận định, chi cho xăng dầu hiện nay tỷ lệ nghịch với phúc lợi đa chiều của hộ gia đình. Hộ gia đình thu nhập thấp có ít khả năng tiết kiệm chi tiêu xăng dầu hơn hộ gia đình có thu nhập cao, bởi vì họ tiêu dùng xăng dầu ở mức cần thiết nên ít bị co dãn về giá đối với mặt hàng này.
Các hộ này thường tập trung nhiều ở các vùng kém phát triển cả về kinh tế cũng như hạ tầng giao thông, ở nông thôn hay ở miền núi. Vì vậy, họ dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn do sự thay đổi giá xăng dầu so với các nhóm thu nhập trung bình, khá và giàu.
Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nêu thêm bất cập rằng với chính sách hiện nay, việc bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu còn rất mơ hồ, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ được hưởng một phần chiết khấu để chi trả cho toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, nhưng nhiều tháng trong năm 2022, chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ ở mức bằng 0.
Cơ quan quản lý chỉ cho cửa hàng bán lẻ lấy xăng dầu từ một nguồn, bởi cho rằng lấy từ nhiều nguồn là không bảo đảm chất lượng, lập luận này không thực tế, là biểu hiện của lợi ích nhóm.
Luật Doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp được chủ động xác định quy mô kinh doanh phù hợp. Nhưng khi doanh nghiệp bị lỗ, thì cơ quan quản lý không cho phép doanh nghiệp giảm thời gian bán hàng. Thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp bị phạt vì rút ngắn thời gian bán hàng dù đã có thông báo với Sở Công Thương.
Nghịch lý: các doanh nghiệp đầu mối không có hàng để cung cấp cho khách hàng là các cửa hàng bán lẻ, nhưng các cửa hàng bán lẻ vẫn bị phạt vì giảm sản lượng không có lý do. "Có thể nói, cơ quan quản lý đang o ép rất nhiều đối với doanh nghiệp", bà Hường nói.
Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và đang được nghiên cứu sửa đổi. Việc sửa đổi cần hướng tới sự minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, điều hành theo nền kinh tế thị trường, có sự cạnh tranh để người dân hưởng lợi nhất, tránh lợi ích nhóm. Nghị định 83 cần được sửa đổi đặc biệt về quản lý kinh doanh xăng dầu, trong đó có vấn đề hạch toán giá. Chính sách hiện nay quy định là 10 ngày đổi giá một lần, nhưng có ý kiến giảm xuống còn ba ngày. Nếu với 3-7 ngày, xăng dầu về đến nơi chưa kịp mở bán thì giá đã thay đổi, vì mất nhiều thời gian đàm phán, ký hợp đồng, vận chuyển, lưu kho... Còn nếu để 15 ngày thì kéo dài quá, xa rời với giá thế giới. Doanh nghiệp giống như con bạc đánh cược với chính sách. Vì vậy, tôi đề xuất lập sàn đấu giá xăng dầu, lấy giá cơ sở trên thị trường Việt Nam mà không phụ thuộc vào giá nước ngoài. Vì lượng tiêu thụ xăng dầu của ta rất lớn, trong khi tự cung cấp trong nước chiếm đến 70% và đang mở rộng hơn, như vậy nguồn cung xăng dầu không phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài. Hơn nữa, hiện nay kho chứa xăng dầu vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp. Việc dự trữ xăng dầu bắt buộc là gánh nặng cho doanh nghiệp có trách nhiệm này. Nếu lập được sàn đấu giá, doanh nghiệp cần có kho cung ứng trực tiếp. Như vậy các công ty sẽ tự xây dựng hệ thống kho, qua đó nâng lượng dự trữ xăng dầu lên rất lớn. Doanh nghiệp nào có điều kiện hậu mãi tốt, cung ứng nhanh thì sẽ chiếm lĩnh được thị trường. Đặc biệt sàn đấu giá giúp minh bạch về giá, tránh độc quyền.
Chúng ta cần cải cách thị trường xăng dầu dựa trên hai định hướng lớn: một là, tách bạch các phân đoạn thị trường trong chuỗi cung ứng (xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ...) để tăng tính chuyên môn hóa của mỗi phân đoạn và tính cạnh tranh trong mỗi phân đoạn.
Hai là, cải cách thị trường theo hướng tăng tính cạnh tranh trên tất cả các phân đoạn thị trường của toàn chuỗi cung ứng thông qua việc giảm điều kiện kinh doanh (nhằm giảm điều kiện gia nhập thị trường).
Cụ thể, cần xác định rõ các thị trường khác nhau (xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ...), có cơ chế vận hành tách biệt nhau nhằm tăng tính chuyên môn hóa và tính cạnh tranh trong mỗi thị trường.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2023 phát hành ngày 03-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam