Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi công văn hoả tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ, hay tôm hùm đất tại Việt Nam.
Theo đó, công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, trong thời gian gần đây có tình trạng tôm càng đỏ, cherax quadricarinatus (còn gọi là tôm hùm đất) được đưa vào Việt Nam để tiêu thụ làm thực phẩm tại một số địa phương.
Bộ Nông nghiệp cho rằng đây là loài thuỷ sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao.
Loài tôm càng đỏ này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại.
Chính vì vậy, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.
Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm.
"Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm hùm đất theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học", công văn của Bộ Nông nghiệp nêu rõ.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp cũng yêu cầu các đơn vị tiến hành tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm hùm đất với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát tán của loài sinh vật này ra môi trường tự nhiên.
Trước đó báo chí đã đưa tin thời gian gần đây, loài tôm càng đỏ được cho có nguồn gốc từ Trung Quốc được bán tại Việt Nam với mức giá khá rẻ, chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng/kg.
Loại tôm hùm đất Trung Quốc có đặc điểm 2 càng đỏ, thân màu đất, vẫn còn sống, mua về có thể thả nhốt ở bể một tuần mà không chết.
Theo các chuyên gia, loại tôm này có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ. Hiện Trung Quốc đang vất vả đối phó với nạn tôm hùm đất phát triển dọc sông Trường Giang.
Nếu loài này phát tán ra đồng ruộng Việt Nam sẽ nguy hại hơn ốc bươu vàng, làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm.