Thông tin về tình hình thi công các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, theo thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), tính đến ngày 9/5, ba dự án thành phần vẫn chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.
BA ĐOẠN TUYẾN BỊ "RÉO TÊN" VÌ CHẬM TIẾN ĐỘ
Cụ thể, một là, dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43,28km qua Thanh Hoá có tổng mức đầu tư 5.534,472 tỷ đồng. Đây là dự án được chuyển đổi từ phương thức đầu tư đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công .
Theo ghi nhận, dự án chậm gần 7,4% so với kế hoạch, sản lượng thi công mới đạt hơn 69% giá trị hợp đồng. Trong đó, gói thầu số XL1 đạt hơn 74% giá trị hợp đồng, chậm hơn 8%; gói thầu số XL2 đạt hơn 73%, chậm hơn 1,6%; còn gói thầu số XL3 đạt hơn 60%, chậm gần 13% giá trị hợp đồng.
Nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ do một số nhà thầu chưa huy động kịp thời nguồn lực tài chính, chưa duy trì được tiến độ thi công liên tục để bù tiến độ đã bị chậm.
Hai là, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dự án đầu tư theo phương thức PPP, dài 49,3 km đi qua địa phận hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư 11.157,82 tỷ đồng.
Theo báo cáo, dù trải qua 23/36 tháng thi công, tương đương khoảng 64% thời gian theo hợp đồng ký kết nhưng đến ngày 9/5, sản lượng thi công dự án mới đạt hơn 35,7%, chậm 1,8% so với tiến độ điều chỉnh lần 3, tương đương chậm tới 13,39% so với tiến độ điều chỉnh lần 2.
Theo ghi nhận, rất ít máy móc, thiết bị đang thi công trên công trường. Trong đó, gói thầu XL4 là gói thầu chậm nhất.
Đáng lưu ý, các hạng mục quyết định đến tiến độ dự án tiếp tục chậm như: xử lý đất yếu chậm khoảng 5 tháng, hầm Thần Vũ chậm khoảng 1,5 tháng, cầu Hưng Đức chậm khoảng 2 tháng; đường công vụ dọc tuyến chậm 0,6km, ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai và vận chuyển dọc tuyến.
Tại dự án thành phần này, Bộ Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra hiện trường và có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo nhưng các tồn tại vẫn chưa được doanh nghiệp dự án giải quyết triệt để.
Từ đầu năm đến nay, các nhà thầu không quyết liệt huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công để bù tiến độ đã chậm trễ, còn thiếu 5 mũi thi công theo yêu cầu của tiến độ điều chỉnh. Cùng với đó, nguồn vốn chưa được các nhà thầu bố trí kịp thời, dẫn đến không chủ động các nguồn vật liệu, đặc biệt là đất đắp.
Công tác nghiệm thu, thanh toán cũng chậm do nhà thầu, doanh nghiệp dự án chưa tập trung nhân lực, chưa quyết liệt chỉ đạo để thực hiện, với giá trị dở dang lớn khoảng 600 tỷ đồng.
Ba là, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km), được đầu tư theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng.
Dự án cũng chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu khi sản lượng thi công mới đạt gần 53%, chậm 3,2% so với kế hoạch. Nghiêm trọng nhất là đoạn Km54 - Km 92+260 được chia thành 5 gói thầu xây lắp, tính đến nay các gói đều chậm từ 7 - 10%.
Hạng mục đào đá nền đường còn khoảng 900.000 m3 trong khi thiết bị thi công thường xuyên hư hỏng, khối lượng thi công trung bình chỉ đạt khoảng 5.000m3/ngày. Với thời gian dự kiến hoàn thành vào khoảng đầu tháng 8/2023, dự án sẽ khó đáp ứng tiến độ hoàn thành.
RỐT RÁO BỔ SUNG NGUỒN LỰC, KIÊN QUYẾT THAY THẾ NHÀ THẦU CHẬM TIẾN ĐỘ
Xác định khối lượng công việc của dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn còn rất lớn, xấp xỉ 31% giá trị hợp đồng, chủ yếu là các lớp móng, mặt đường và hệ thống an toàn giao thông, trong khi đó, thời gian thực hiện hợp đồng chỉ còn khoảng 4 tháng, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực, huy động đủ nguồn lực tài chính cho công trường.
Theo kế hoạch, dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn hoàn thành trong tháng 8/2023. Còn hai dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt hoàn thành vào tháng 5/2024; Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành trong tháng 3/2024.
"Chủ đầu tư phải kiểm soát tiến độ hàng tuần, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ theo quy định hợp đồng; chỉ đạo đơn vị thi công gói thầu XL01, XL03 đẩy nhanh tiến độ thi công nền đường, móng, mặt đường”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu.
Đối với dự án đoạn, doanh nghiệp dự án được giao nhiệm vụ tăng cường năng lực chỉ đạo điều hành, yêu cầu các nhà thầu tập trung nguồn lực, bổ sung các mũi thi công, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để triển khai thi công “3 ca, 4 kíp” liên tục.
Đồng thời, có giải pháp khả thi, hiệu quả đối với các hạng mục quan trọng như: xử lý nền đất yếu, thi công hầm Thần Vũ, cầu Hưng Đức, cầu Xuân Dương 2 và một số hạng mục cầu vượt trên tuyến chưa thi công.
Về dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu có giải pháp bổ sung, thay thế nhà thầu, điều chuyển khối lượng đối với các nhà thầu thi công trên đoạn tuyến Km54 - Km 92+260 chậm tiến độ nhưng không có chuyển biến hoặc chuyển biến chậm.