May 07, 2023 | 18:46 GMT+7

Chậm di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Anh Tú -

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương nghiên cứu lập phương án di dời hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2...

Chiều dài mặt bằng nhà thầu có thể tổ chức thi công chỉ đạt hơn 460km trong 583km các địa phương đã bàn giao cho dự án.
Chiều dài mặt bằng nhà thầu có thể tổ chức thi công chỉ đạt hơn 460km trong 583km các địa phương đã bàn giao cho dự án.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đề nghị 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau nghiên cứu, lập phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2).

NGHIÊN CỨU, SỚM LẬP PHƯƠNG ÁN DI DỜI

Nội dung văn bản nêu rõ, thực tế triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thời gian qua gặp một số khó khăn, vướng mắc do các chủ quản lý, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu xây dựng trước khi triển khai các dự án thành phần, đã không đồng ý cam kết di dời công trình bằng kinh phí của mình mà không được bồi thường, hỗ trợ di chuyển khi thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường bộ cao tốc.

Do đó, để xử lý vướng mắc trên, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng nghiên cứu, lập phương án di dời các công trình này với luận chứng kinh tế - kỹ thuật đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Đồng thời, không ảnh hưởng đến tuyến đường cao tốc sau khi hoàn thành theo quy hoạch, cũng như không gây ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông, công tác bảo trì kết cấu và công năng công trình, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

 

"Các ban quản lý dự án, chủ đầu tư dự án thành phần được ủy quyền có ý kiến chấp thuận phương án di dời để các địa phương tổ chức lập, thẩm định phê duyệt theo quy định", Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

Trước đó, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về diện tích rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên cần chuyển đổi mục đích sử dụng để triển khai thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải cũng lo ngại tiến độ dự án có thể sẽ ảnh hưởng nếu khâu giải phóng mặt bằng bị chậm do vướng chuyển đổi mục đích đất rừng.

Theo báo cáo mới nhất của các địa phương, diện tích rừng các loại cần chuyển đổi phục vụ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam là hơn 1.491ha, tăng 437ha, trong đó, rừng trồng tăng gần 422ha, rừng tự nhiên tăng 15ha.

CHỦ SỞ HỮU KHÔNG ĐỒNG Ý TỰ BỎ KINH PHÍ DI DỜI CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, thực hiện hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, các địa phương đang quyết liệt thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng các dự án thành phần.

Trong quá trình triển khai các đoạn: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Hậu Giang - Cà Mau…, một số địa phương như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang… gặp phải khó khăn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu được xây dựng trước khi thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

 

Theo phản ánh, các chủ quản lý, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu này không đồng ý có văn bản “cam kết di dời công trình bằng kinh phí của mình mà không được bồi thường, hỗ trợ di chuyển trong trường hợp xây dựng, mở rộng đường trong tương lai” nên không đáp ứng yêu cầu về hồ sơ, thủ tục chấp thuận phương án di dời theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng.

Hướng dẫn hiện nay của Bộ Giao thông vận tải được vận dụng các quy định đối với công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác và chỉ phù hợp đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật được các chủ sở hữu xin phép xây dựng mới trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của các tuyến đường hiện hữu.

Trong khi đó, các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là các tuyến đường xây dựng mới.

Do đó, việc triển khai đầu tư xây dựng ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng được các chủ sở hữu đầu tư xây dựng và đang khai thác, sử dụng. Trách nhiệm di dời các công trình này thuộc chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, không thuộc trách nhiệm của chủ quản lý, sử dụng công trình.

Tại một số vị trí, do điều kiện thực tế khó khăn, không thể bố trí được mặt bằng hoặc thực hiện di dời công trình ra khỏi phạm vi đất của đường bộ cao tốc dẫn đến kinh phí tăng lớn.

Do đó, Cục Quản lý đầu tư xây dựng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung đối với việc thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu hiện hữu xây dựng trước khi đầu tư xây dựng các dự án thành phần không thể bố trí ngoài phạm vi phần đất của đường bộ cao tốc.

Trong đó, đề nghị chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng nghiên cứu, lập phương án di dời các công trình này với luận chứng kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả kinh tế, phù hợp thực tế và quy hoạch của tuyến cao tốc.

 

Tính đến cuối tháng 4, các địa phương đã bàn giao cho dự án hơn 583km, đạt gần 81% tổng diện tích mặt bằng. Một số địa phương có tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao như: Hà Tĩnh đạt tỷ lệ 82 - 99% tại các dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng; Hậu Giang đạt tỷ lệ 92 - 96% tại các đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Cũng tại dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau, các địa phương có tuyến đi qua đạt tỷ lệ bàn giao khá cao như: Bạc Liêu (98%), Kiên Giang (100%), Cà Mau (90%).

Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ bàn giao diện tích giải phóng mặt bằng của các tỉnh, thành tương đối cao nhưng theo báo cáo, trong tổng số 583km đã được bàn giao cho chủ đầu tư, chiều dài mặt bằng nhà thầu có thể tổ chức thi công chỉ đạt hơn 460km, đạt hơn 64%. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate