Dù là ngành nghề bị cấm kinh doanh nhưng thực tế mại dâm vẫn diễn ra ở nhiều nơi, vì thế một số vị đại biểu cho rằng cần phải suy nghĩ có nên cho phép kinh doanh nghề mại dâm hay không.
Tiếp tục kỳ họp thứ 8, sáng 15/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), 4/7 khoản tại điều 6 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại luật hiện hành vẫn được giữ nguyên, trong đó có cấm kinh doanh mại dâm.
Chính phủ đề xuất thêm một ngành nghề cần cấm là kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thế nhiều ý kiến tập trung vào đề xuất mới này.
Tuy nhiên, cũng có một số vị đại biểu băn khoăn về danh mục chưa được đề xuất sửa đổi.
"Cấm phải ra cấm chứ đưa vào danh mục ngành nghề cấm rồi mà hoạt động mại dâm vẫn diễn ra bình thường ở nhiều nơi, cho thấy luật thực thi chưa nghiêm", đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) nhận xét.
Theo đại biểu Vảng thì khi đã cấm thì cần cân nhắc quản lý thế nào cho thật hiệu quả.
Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng việc cấm kinh doanh mại dâm đang làm ảnh hưởng tới du lịch. Nhiều nước như Thái Lan hiện cho phép kinh doanh mại dâm nhưng Việt Nam vì vấn đề văn hóa, truyền thống nên không cho phép kinh doanh ngành nghề này, ông Kim phân tích.
Theo vị đại biểu Hải Dương thì với một nền kinh tế hội nhập mà cái này cấm thì nó cũng ảnh hưởng tới hội nhập, mặt khác lại khó quản lý những tệ nạn xã hội, vì thực tế hiện nay cấm nhưng mại dâm vẫn đang trà trộn, không kinh doanh nhưng thật ra là có kinh doanh.
"Thử hỏi mấy anh thôi chứ không hỏi mấy chị. Thật ra có kinh doanh nhưng kinh doanh lén lút, trà trộn tất cả các nơi. Cho nên cán bộ, công chức vi phạm là do sự trà trộn này. Chứ anh làm rõ một con đường đó, thì anh cán bộ công chức nào tới camera chĩa vào thấy ngay", ông Kim phát biểu.
Cho rằng rất cần thiết phải suy nghĩ về vấn đề có nên cho phép kinh doanh nghề mại dâm hay không, nhưng ông Kim cũng lưỡng lự: "tôi chưa ngả về phía nào. Rất khó phát biểu về chuyện này vì nếu bảo cho phép thì bảo ông này bỏ hết văn hóa truyền thống dân tộc. Nhưng ngược lại thì tệ nạn rất nhiều, sinh bệnh tật rất nhiều và quản lý không được, cũng mất khoản thu".
"Vấn đề này, Việt Nam phải hình thành đề tài nghiên cứu tầm cỡ quốc gia để đưa ra cơ chế phù hợp trong điều kiện chúng ta đang vận hành theo xu thế hội nhập chung", ông Kim đề nghị.
Hạn chế quyền công dân phải do luật quy định
Cũng liên quan đến quy định ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, lần sửa đổi này Chính phủ đề nghị tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các phụ lục 1, 2 và 3 (quy định danh mục các chất ma túy, các hóa chất, khoáng vật cấm kinh doanh và động, thực vật hoang dã bị cấm ban hành kèm theo luật - PV) của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Việc này được giải thích là để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các loài động, thực vật và các chất này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự án luật - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị giữ các phụ lục 1, 2 và 3 vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên phải quy định trong luật theo quy định tại khoản 2 điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Một số vị đại biểu cũng đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân thì Quốc hội phải quyết, không thể giao cho Chính phủ quy định, như thế rất nhiều nhà đầu tư sẽ băn khoăn không biết cụ thể sẽ cấm cái gì, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) khẳng định, phải giữ, phụ lục 1,2,3 bỏ ra là rất nguy hiểm, nên quy định danh mục cấm ngay trong luật chứ không thể giao cho Chính phủ. Giao cho Chính phủ là tuỳ nghi ngay, càng khó càng phải đưa vào luật chứ không phải khó là đưa cho Chính phủ, đại biểu này nhấn mạnh.