June 28, 2023 | 14:21 GMT+7

Cần 500.000 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng đường thủy, hàng hải, Bộ Giao thông vận tải tìm cách huy động vốn tư nhân

Ánh Tuyết -

Thời gian qua, nguồn vốn đầu tư công cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hàng hải còn hạn chế so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển. Nguồn vốn ngoài ngân sách cũng chật vật huy động do vận tải đường thủy nội địa chưa hấp dẫn các doanh nghiệp vận tải...

Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên các dự án để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên các dự án để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đường thủy nội địa và hàng hải.

ĐẦU TƯ CÔNG ÈO UỘT, CHẬT VẬT HÚT VỐN NGOÀI NGÂN SÁCH

Theo đại biểu Quốc hội TP.HCM, thời gian trước đây, đường thủy nội địa, đường biển phát triển rời rạc, chưa có kết nối đồng bộ. Với lợi thế về vận tải đường thủy nội địa, để chia sẻ với vận tải đường bộ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ đề nghị Bộ Giao thông vận tải có giải pháp, phương án đề xuất cụ thể, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đường thủy nội địa và hàng hải. Từ đó, đem đến giải pháp đột phá từ giao thông đường thủy nội địa, gồm các tuyến đường thủy nội địa, cảng thủy nội địa, cảng biển quốc tế, đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Đại biểu cũng đề nghị giải pháp đưa ra cần tránh tình trạng cục bộ địa phương mà cần gắn với việc thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 1579/QĐTTg ngày 22/9/2021.

Theo Bộ Giao thông vận tải, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.200 km. Mật độ sông kênh vào loại cao trên thế giới, với tổng chiều dài đường thủy nội địa toàn quốc đang khai thác khoảng trên 17.000 km với 45 tuyến chính đang khai thác và còn nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, phương thức vận tải đường biển có thế mạnh trong vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, cự ly dài với các tuyến đi nội Á như: đi Trung Quốc, Singapore, Malaysia…, các tuyến biển xa đến Châu Âu như: Hà Lan, Bỉ… và đến Bắc Mỹ. Còn đường thủy nội địa với ưu thế giá thành rẻ, lợi thế vận tải các loại hàng có khối lượng lớn, hàng rời trong cự ly trung bình.

Thời điểm trước năm 2010, khai thác vận tải thủy chủ yếu lợi dụng điều kiện tự nhiên, nguồn vốn đầu tư công dành cho đầu tư phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hàng hải còn hạn chế. Còn nguồn vốn ngoài ngân sách được huy động cho đầu tư đầu tư cảng, bến thủy nội địa rất ít do vận tải đường thủy nội địa chưa hấp dẫn các doanh nghiệp vận tải; các bến cảng biển được đầu tư còn hạn chế tại một số khu vực cảng biển.

Thời gian từ 2010 đến nay, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hàng hải được chú trọng và từng bước đầu tư theo quy hoạch. Hiện thị phần luân chuyển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa đạt 17,83%, hành khách đạt 5,03% toàn ngành.

 

"Vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long với lợi thế vận tải thủy nên thị phần luân chuyển hàng hóa các vùng này của đường thuỷ nội địa chiếm tỷ lệ khá cao, lần lượt là 45%, 47,5% và 79,7%. Riêng khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải trên 80% lượng hàng hóa thông qua cảng được gom và rút hàng bằng đường thủy nội địa", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Bộ Giao thông vận tải nêu rõ vận tải thủy nội địa có những bước phát triển rất đáng ghi nhận, tạo được một số đột phá, như đưa vào hoạt động các tuyến vận tải ven biển làm giảm áp lực đáng kể cho vận tải đường bộ trên hành lang vận tải Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, bộ tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực vận tải của hành lang vận tải thủy phía Bắc và phía Nam, nhờ đó, khối lượng vận chuyển container đến các cảng biển ở khu vực phía Nam, một số cảng biển phía Bắc và kết nối với Campuchia tăng trưởng mạnh.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, vận tải hàng hải đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, chất lượng dịch vụ cảng biển được cải thiện rõ rệt, năng suất bốc dỡ tăng nhanh, tổng công suất hệ thống cảng biển hiện đạt trên 800 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, bước đầu hình thành cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế khu vực phía Bắc (Lạch Huyện) và phía Nam (Cái Mép), tiếp nhận cỡ tàu lớn nhất thế giới 234.000 tấn, được đầu tư các thiết bị bốc dỡ tiên tiến trên thế giới.

"Thị phần luân chuyển vận tải hàng hóa lĩnh vực hàng hải đạt 51,57%, đáp ứng 100% nhu cầu vận tải nội địa và 90% khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu cả nước", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Mặc dù đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Giao thông vận tải cho rằng những kết quả trên vẫn còn khiêm tốn.

Bộ Giao thông vận tải cho rằng nguyên nhân chủ yếu do đường thủy nội địa vẫn chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vai trò trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.

"Nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hàng hải mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư, chưa đầu tư đồng bộ giữa tuyến luồng và cải tạo tĩnh không các cầu", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ bất cập.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng số vốn đầu tư toàn ngành giao thông vận tải, trong khi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa còn hết sức manh mún, quy mô rất hạn chế.

Vì vậy, các điểm nghẽn trên các hành lang vận tải chính chưa được giải quyết triệt để; quy hoạch giữa các lĩnh vực còn chưa thực sự gắn kết; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương triển khai chiến lược, quy hoạch, dự án chưa thực sự chặt chẽ...

NÂNG THỊ PHẦN VẬN TẢI THUỶ LÊN 24%, QUY HOẠCH CẢNG BIỂN LÀ TRUNG TÂM 

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ Giao thông vận tải và đang triển khai đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, một là, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý các tuyến đường thủy nội địa trung ương, các cảng đường thủy nội địa quốc gia theo yêu cầu tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn, cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong tổ chức, thực hiện.

Hai là, triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành giao thông vận tải theo hướng tích hợp, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối giữa các chuyên ngành và khắc phục hạn chế của các quy hoạch trước đây.

 

Trong đó, "cảng biển được ưu tiên là vị trí trung tâm, kết nối là đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt; bố trí các cảng cạn để hỗ trợ để gom, rút hàng  container trong nội địa, trở thành “cánh tay nối dài” của cảng biển", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Đến nay, 5 quy hoạch ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không.

Theo đó, thị phần vận tải lĩnh vực đường thủy nội địa đặt mục tiêu trong quy hoạch tăng từ 17,83% lên 24,1%.

Đồng thời, chú trọng kết nối bằng đường thủy nội địa đến các cảng biển, quy hoạch các bến cảng phục vụ cho phương tiện thủy trong vùng nước cảng biển để nâng cao khối lượng hàng hóa được gom, rút bằng đường thủy nội địa đến cảng biển.

Bên cạnh đó, bộ cũng lập kế hoạch thực hiện quy hoạch 4 lĩnh vực gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải gồm các giải pháp thực hiện quy hoạch và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030, đang tổ chức lập các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành.

Ba là, đa dạng hóa thu hút nguồn lực đầu tư, đầu tư có trọng tâm trọng điểm.

Trong đó, nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng, nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư bến cảng với phương châm “vốn nhà nước chỉ là vốn mồi”, “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.

Bộ Giao thông vận tải cũng đang phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên các dự án để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư.

Bốn là, khuyến khích phát triển đội tàu thủy nội địa và tàu vận tải ven biển; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác cảng biển lớn thành lập thêm các tuyến vận tải thủy nội địa container.

Năm là, công tác phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với các bộ, ngành và địa phương trong đầu tư phát triển và tổ chức quản lý, khai thác đường thủy nội địa, hàng hải phải được triển khai đồng bộ, quyết liệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Bộ Giao thông vận tải cho biết giai đoạn 2021-2030, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường thủy nội địa khoảng 157.533 tỷ đồng, dự kiến huy động ngoài ngân sách khoảng 128.614 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 82%.

Bên cạnh đó, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển khoảng 313.000 tỷ đồng, dự kiến huy động ngoài ngân sách khoảng 297.350 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn, lên đến 95%.

Bộ Giao thông vận tải cũng đang phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên các dự án để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate