January 10, 2023 | 12:04 GMT+7

Cần 9 tỷ USD để nghiên cứu và làm đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ

Xuân Nghi -

Dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ mới đây tiếp tục được đề xuất nghiên cứu, xây dựng với vận tốc 190 km/h đối với hành khách và 120 km/h đối với tàu hàng hóa. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 9 tỷ USD (khoảng 213.948 tỷ đồng)...

Đường sắt tốc độ cao. Ảnh minh họa.
Đường sắt tốc độ cao. Ảnh minh họa.

Sau khi làm việc với các địa phương có dự án tuyến đường sắt đi qua, Ban quản lý Dự án Đường sắt (sau đây gọi tắt là Ban đường sắt) đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả khảo sát và lập phương án tiền khả thi dự án.

Ban đường sắt cho biết, theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, việc đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong tương lai cũng như bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững giao thông vận tải. Dự án đồng thời nhằm tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang TP.HCM - Cần Thơ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Ban đường sắt, tuyến đường sắt này được thiết kế tiêu chuẩn là đường ray khổ đôi 1.435 mm điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190 km/h, tàu hàng dưới 120 km/h.

Công nghệ đường sắt được lựa chọn cho dự án này là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) với tàu khách và đoàn tàu động lực tập trung với tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến.

Hướng tuyến của dự án bắt đầu từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương) đến ga Cần Thơ (TP. Cần Thơ), lộ trình đi qua địa bàn sáu tỉnh và thành phố gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ với tổng chiều dài 174,42 km. Toàn tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe...

Đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án đã đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BTL (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ). Cụ thể: Nhà nước trả tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng và bàn giao lại cho nhà nước; nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư.

Từng có tuyến đường sắt TP.HCM đi Miền Tây là tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. Ảnh: Ga Mỹ Tho, nay là trụ sở Sở Ngoại vụ Tiền Giang.
Từng có tuyến đường sắt TP.HCM đi Miền Tây là tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. Ảnh: Ga Mỹ Tho, nay là trụ sở Sở Ngoại vụ Tiền Giang.

Về phương án tổ chức vận tải tàu khách và tàu hàng, Ban đường sắt kiến nghị tàu hàng sẽ được tổ chức từ ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đến ga An Bình và ga Cần Thơ; tàu khách được tổ chức từ ga Tân Kiên và ga Bình Triệu (TP.HCM) đến ga Cần Thơ; tổ chức một số đoàn tàu ngoại ô từ ga Tân Kiên đến ga Tam Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai). Tổng mức đầu tư dự kiến là 213.948 tỷ đồng, tức khoảng 9,07 tỷ USD.

Ban đường sắt cũng cho biết hiện đã cùng đơn vị tư vấn khẩn trương làm việc với các địa phương về thống nhất phương án tuyến, vị trí ga. Nhưng đến nay chưa nhận được ý kiến chính thức của Uỷ ban nhân dân các địa phương TP.HCM, Bình Dương và Tiền Giang để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ Giao thông vận tải.

Về mô hình quản lý khai thác, nhà đầu tư sẽ thành lập Công ty cổ phần vận tải đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để đầu tư phương tiện, đầu máy, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện, trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt của nhà nước.

Theo Quyết định 1769/QĐ-TTg, mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Liên danh tư vấn báo cáo phương án tiền khả thi về sơ đồ tuyến đường sắt.
Liên danh tư vấn báo cáo phương án tiền khả thi về sơ đồ tuyến đường sắt.

Ngày 17/12/2022, trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Long An về kế hoạch mở tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ nhằm giảm tải kẹt xe trên quốc lộ 1 TP.HCM đi miền Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải cho biết: Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định 1769/QĐ-TTg với định hướng xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, nhằm tăng cường kết nối TP.HCM, trung tâm kinh tế cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP. Cần Thơ - trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, cũng là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ.

Theo dự tính, khi hoàn thành dự án thì nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông vận tải. Giá vé được đề xuất cho từng chặng, gồm: TP.HCM - Long An 120.000 đồng/vé; TP.HCM đi Tiền Giang 280.000 đồng/vé; TP.HCM đi Vĩnh Long 325.000 đồng/vé; TP.HCM - Cần Thơ 400.000 đồng/vé.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đang có hai nhà đầu tư đến từ Mỹ và Vương quốc Anh quan tâm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate