Ngày 19/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó định hướng nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
ĐƯỜNG SẮT TP.HCM – CẦN THƠ ĐÁP ỨNG NHU CẦU GIAO THÔNG CỦA TƯƠNG LAI
Uỷ ban nhân dân TP. Cần Thơ vừa có buổi làm việc với Ban quản lý Dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải và đơn vị tư vấn về dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Theo báo cáo của đơn vị liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – TP. Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình (Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ). Toàn tuyến đi qua và kết nối sáu tỉnh/thành, gồm: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ với tổng cộng 13 ga. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến cần khoảng 7 tỷ USD.
Tại địa phận TP. Cần Thơ, tuyến có chiều dài khoảng 6,5 km. Hướng tuyến dự kiến đi giữa trục đường 1A thuộc khu công nghiệp Hưng Phú 1, đi qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Ở đoạn này, đường sắt đi trên cao, vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ nhằm tránh giao cắt với quốc lộ và đường trục trong khu công nghiệp Hưng Phú 1.
Đây là tuyến đường sắt có ray khổ đôi 1.435 mm, dành cho đường sắt tốc độ cao phổ biến trên thế giới, vận hành tàu chở khách chạy 200 km/h, tàu hàng 150 km/h. Tốc độ thiết kế cho tuyến TP.HCM – Cần Thơ vào khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Như vậy, thời gian đi từ Cần Thơ đến TP.HCM và ngược lại sẽ rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút, thay vì mất từ 3 - 4 giờ đi đường bộ như hiện nay.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cho biết, mặc dù dự án còn đang trong giai đoạn lập nghiên cứu tiền khả thi nhưng đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Hitachi của Nhật Bản. “Điều này có thể khẳng định, nếu được lập quy hoạch tốt, hài hòa lợi ích các bên, dự án sẽ sớm mời gọi được nhà đầu tư thực hiện. Việc triển khai dự án sớm hơn dự kiến có nhiều cơ sở tin rằng sẽ thực hiện được. Nếu chúng ta tranh thủ được nguồn vốn và có nhà đầu tư thì cần thực hiện dự án này sớm hơn, trong giai đoạn 2025 – 2030, thay vì sau năm 2030”, ông Dũng nói.
Các số liệu thống kê và dự báo gần đây cho biết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách sử dụng đường sắt đến năm 2035, kịch bản trung bình mỗi năm sẽ là trên 6,4 triệu lượt hành khách và 9,1 triệu tấn hàng hóa. Đến năm 2050, các con số này tăng lên tương ứng là hơn 22 triệu lượt hành khách và 41 triệu tấn hàng hóa có nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt.
Từ các dữ liệu trên đây, phía liên danh tư vấn dự án cho rằng, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ cần hình thành chậm nhất đến năm 2034 để có thể đáp ứng được nhu cầu giao thông tăng cao trong tương lai.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của dự án đầu tư xây dựng tuyến dường sắt TP.HCM – Cần Thơ đối với Cần Thơ vì sự phát triển chung của khu vực. Vị đại diện chính quyền TP. Cần Thơ cũng cho biết, Cần Thơ đề xuất dự án này phải được đầu tư sớm, chậm nhất trước năm 2030 phải triển khai.
LÀ ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO VÀ CẦN ĐẦU TƯ TRƯỚC 2030
Ngày 27/8/2013, Bộ Giao thông vận tải đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, với tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km, gồm 14 ga, xuất phát từ ga lập tàu An Bình (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đến TP. Cần Thơ. Lộ trình đi theo hướng tuyến dài nhằm tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TP.HCM, Bình Dương và 4 tỉnh/thành miền Tây Nam Bộ gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Mục tiêu của Quy hoạch đã xác định cụ thể hướng tuyến, vị trí nhà ga để các địa phương quản lý quỹ đất, làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng công trình đến năm 2020 theo Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Trước đó, vào trung tuần tháng 3/2022, TP. Cần Thơ đã có kiến nghị về việc điều chỉnh vị trí nhà ga cuối ở Cần Thơ (ga Cái Răng). Theo đó, khu vực dự kiến bố trí nhà ga này có quy hoạch nút giao IC2 giữa tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến nối quốc lộ 91 Nam sông Hậu ra cảng Cái Cui (quận Cái Răng). Vì vậy, để bảo đảm thuận lợi khi thực hiện dự án, Cần Thơ đề xuất vị trí ga sẽ song song với đường bộ quốc lộ 91 Nam sông Hâu, nằm về phía tây nút giao IC2 khoảng 1,5 km. Song song, đơn vị tư vấn cũng kiến nghị Cần Thơ cần bố trí quy hoạch đất xung quanh phạm vi của ga nhằm tăng tính hấp dẫn, tăng khối lượng hàng hóa và hành khách cho đường sắt, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Sau đó, vào cuối tháng 3/2022, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ Giao thông vận tải về tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ. TP.HCM cho biết, sau nhiều lần họp bàn, đại diện các tỉnh/thành liên quan đã thống nhất với phương án đơn vị nghiên cứu đề xuất là rút ngắn tuyến còn gần 135 km với 9 ga, đi theo hành lang bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, Thành phố nhận thấy việc điều chỉnh là cần thiết, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay của TP.HCM và các tỉnh khác.
Hiện, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đang có hai nhà đầu tư đến từ Mỹ và Vương quốc Anh quan tâm.
Theo dự định, khi hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông vận tải. Giá vé được đề xuất cho từng chặng. Cụ thể TP.HCM - Long An là 120.000 đồng/vé; từ TP.HCM đi Tiền Giang 280.000 đồng/vé; TP.HCM đi Vĩnh Long 325.000 đồng/vé; TP.HCM - Cần Thơ 400.000 đồng/vé.