September 08, 2021 | 06:00 GMT+7

Cần các biện pháp sản xuất kinh doanh an toàn 

Mạnh Chung -

Dịch bệnh kéo dài khiến chi phí vận hành doanh nghiệp tăng cao, làm xuất hiện nhiều khoản phát sinh như: chi phí xét nghiệm, chi phí mua trang thiết bị bảo hộ, chi phí đầu vào tăng do vận chuyển làm nhiều chặng…

Trả lời phỏng vấn VnEconomy, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), cho biết, trong tình hình biến thể Delta có nguy cơ lây nhiễm rất cao, dịch bệnh vẫn tiếp tục căng thẳng và có thể kéo dài, ViettelPost mong muốn đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện các biện pháp sản xuất kinh doanh an toàn để phát triển kinh tế nhằm thích nghi và sống chung với dịch Covid.

BàCao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post).
BàCao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post).

Tại cuộc họp mới đây với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh, đồng thời cho rằng cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh. Với các đơn vị vận chuyển – logistics như Viettel Post – khâu được xem là “mắt xích” trong chuỗi cung ứng của nền kinh tế, khó khăn với doanh nghiệp hiện nay là gì?

Đặc thù công việc của Viettel Post lại cần di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều, trong khi tình hình biến thể delta hiện nay có nguy cơ lây nhiễm rất cao, do vậy Viettel Post đã xây dựng và liên tục điều chỉnh quy trình phòng chống dịch cũng như cung cấp các trang thiết bị bảo hộ thiết yếu để đảm bảo an toàn cho cả nhân viên và khách hàng.

Đối với việc di chuyển trong nội tỉnh cũng như liên tỉnh, việc các địa phương siết chặt giãn cách cũng khiến doanh nghiệp logistics gặp khó khăn khi lưu thông hàng hóa dù đã được di chuyển trên luồng xanh. Một số tỉnh thành thực hiện giãn cách siết chặt khiến hoạt động chuyển phát đóng băng, hoặc hạn chế số lượng nhân viên giao hàng hoạt động.

Dịch bệnh kéo dài cũng sẽ khiến chi phí vận hành doanh nghiệp tăng cao, làm xuất hiện nhiều khoản phát sinh như: chi phí xét nghiệm, chi phí mua trang thiết bị bảo hộ, chi phí đầu vào tăng do vận chuyển làm nhiều chặng… Điều này gây áp lực lớn tới doanh nghiệp trong quá trình vận hành sản xuất kinh doanh. 

Và cuối cùng, trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Cụ thể bị hạn chế trong việc tiếp cận các nhà cung cấp, đặc biệt là các hộ nông dân đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò. Theo đó, hàng hóa, sản phẩm đều có sẵn nhưng việc thực hiện siết chặt giãn cách khiến cho các bên phải tìm thêm phương án mới để tiến hành thu mua, vận chuyển. 

Vậy cách mà Viettel Post đã, đang “sống chung” với dịch bệnh Covid này là như thế nào?

Viettel Post đã chuẩn bị trước các kịch bản ứng phó, trong đó có phương án sản xuất kinh doanh dã chiến. Chúng tôi đặt mục tiêu mọi thứ phải sẵn sàng để có thể kích hoạt trong thời gian ngắn nhất nhằm đảm bảo quá trình vận hành của toàn hệ thống. Vì thế, các kịch bản ứng phó đã được chúng tôi tập huấn trước đến từng cán bộ nhân viên. Chỉ cần có lệnh điều động, cán bộ nhân viên khối hỗ trợ với quân tư trang sẵn sàng sẽ lên đường nhận nhiệm vụ.

 
"Viettel Post cũng đề xuất ứng dụng công nghệ mới vào cuộc sống để có thể “giao tiếp không tiếp xúc trực tiếp”, giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và đảm bảo các hoạt động kinh tế trong giai đoạn bình thường mới".
 

Cụ thể, Viettel Post đã xây dựng quy trình phòng chống dịch, quy tắc an toàn khử khuẩn tại cơ sở làm việc, và khi giao nhận hàng hóa với khách hàng. Cung cấp trang thiết bị bảo hộ chống dịch theo đúng quy định: quần áo bảo hộ, kính chắn giọt bắn, khẩu trang, găng tay, bình xịt khử khuẩn… Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng luồng vận hành, cung ứng hàng hóa mới để thích nghi với tình hình hiện nay, hạn chế tối đa điểm chạm trực tiếp với khách hàng.

Tại một số địa phương, cán bộ nhân viên Viettel Post đã triển khai “ba tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ) tại các bưu cục cửa hàng và hệ thống kho để thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa đảm bảo dịch vụ cho khách hàng, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch. 

Đề phòng trường hợp xấu, nếu xuất hiện ca nhiễm, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các túi F0. Trong đó có đầy đủ thực phẩm, đồ dùng cá nhân, thuốc tăng miễn dịch và đặc biệt là bản hướng dẫn cần phải làm gì, phải gọi cho ai, số điện thoại của các đơn vị, bệnh viện có trách nhiệm để họ có thể ngay lập tức liên hệ và làm theo hướng dẫn. Từ đó, giúp nhân viên sớm nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị y tế phòng dịch cũng như nhanh chóng khoanh vùng các đối tượng có tiếp xúc, tránh để dịch bùng phát.

Việc xác định “sống chung” với dịch Covid doanh nghiệp chắc chắn phải có những giải pháp chuyển đổi, phải có những mô hình mới để thích ứng và tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, chứ không thể thụ động ngồi chờ dịch đi qua và “cứu giúp” từ Nhà nước. Điều này, tại Viettel Post, đang diễn ra như thế nào, thưa bà?

“Rất may” là trong thời kỳ dịch bệnh, các sản phẩm chuyển đổi số của Viettel Post đã trở thành thế mạnh giúp chúng tôi duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại cũng như tạo ra các dịch vụ mới để giải quyết nhu cầu của khách hàng, tạo thêm nhiều nguồn doanh thu mới cho doanh nghiệp. 

Ví dụ trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Viettel Post triển khai rộng rãi chương trình “Đi chợ online” để có thể cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân, đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách. Đồng thời, Vỏ Sò đã tạo ra hướng tiếp cận mới cho nông sản, đặc sản địa phương dựa trên nền tảng chuyển đổi số, đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, giúp giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản Việt. 

Hiện nay, Viettel Post có thể cung ứng lên đến 1.000 tấn hàng thiết yếu mỗi ngày trên toàn quốc. Hay như việc tổ chức “Chợ dân sinh trực tuyến” trên platform thương mại điện tử Vỏ Sò, chúng tôi là đơn vị đầu tiên đưa các tiểu thương, hộ kinh doanh từ các chợ dân sinh lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò. Điều này vừa tạo đầu ra mới cho các tiểu thương trên thị trường số vừa làm phong phú thêm nguồn cung ứng đầu vào, góp phần hỗ trợ an sinh cho người dân yếu thế. 

Mô hình bưu cục số cũng là một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ của Viettel Post trong quá trình thích nghi với tình hình dịch bệnh và kích thích kinh doanh. Với mô hình bưu cục số, nhân sự tại mỗi bưu cục chỉ là một người thay vì 3-5 nhân sự như mô hình truyền thống. Nhân sự này được trang bị đầy đủ thiết bị cho các đầu công việc diễn ra tại bưu cục thường, phụ trách và chịu trách nhiệm tại tất cả các khâu bao gồm giao và nhận. 

Điều này giúp cho công việc tại bưu cục có thể diễn ra bình thường ngay cả trong mùa dịch mà không cần điều động nhiều nhân sự, góp phần hạn chế tiếp xúc giữa các nhân viên tại các điểm bưu cục truyền thống. Việc chỉ hoạt động trong một khu vực nhất định cũng giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm và lây lan dịch trong cộng đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng vừa thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Dưới góc độ như đã đề cập, là “mắt xích” trong chuỗi cung ứng của nền kinh tế, Viettel Post có những kiến nghị, hoặc hiến kế gì cho Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ít nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics?

Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng và có thể kéo dài, Viettel Post mong muốn đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện các biện pháp sản xuất kinh doanh an toàn để phát triển kinh tế nhằm thích nghi và sống chung với dịch Covid. 

Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post).
Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post).

Theo đó, chúng tôi kiến nghị các tỉnh thành, các bộ, ban ngành ưu tiên tiêm vaccine cho các nhân viên giao - nhận hàng, nhân viên lái xe tuyến đầu; đồng thời cấp phép cho những nhân viên đã được tiêm vaccine phòng bệnh và có giấy tờ xét nghiệm theo đúng quy định, có thể di chuyển và giao hàng hóa thiết yếu tại các khu vực giãn cách xã hội, giúp người dân an tâm chống dịch tại nhà. 

Viettel Post cũng đề xuất ứng dụng công nghệ mới vào cuộc sống để có thể “giao tiếp không tiếp xúc trực tiếp”, giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và đảm bảo các hoạt động kinh tế trong giai đoạn bình thường mới. 

Để vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, việc bảo vệ chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm cần được Chính phủ ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, theo tôi, việc ứng dụng công nghệ để phát triển các chợ trực tuyến sẽ là một giải pháp hữu hiệu. 

Qua quá trình triển khai các dịch vụ trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Viettel Post hoàn toàn có thể cùng đồng hành với các cơ quan chính quyền để phát triển chợ dân sinh trực tuyến, nhà thuốc trực tuyến... để cung ứng lương thực, hàng hóa thiết yếu mà không cần tiếp xúc trực tiếp, từ đó góp phần tiếp sức cho người dân trong cuộc chiến chống dịch. Qua đó, giảm áp lực tại các điểm chợ, tránh tập trung đông người, hỗ trợ công tác an toàn phòng chống dịch. 

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc cũng có thể sử dụng sàn thương mại điện tử như một kênh kết nối vận chuyển - tiêu thụ liên tỉnh đối với hàng hóa nông lâm thủy hải sản địa phương, tạo thêm đầu ra cho đặc sản vùng, thúc đẩy sức mua của người dân thông qua thị trường trực tuyến.< 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate