Ngày 9/4, ADB tổ chức họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 4/2025.
Tại đây, các chuyên gia của ADB nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang gặp phải những thách thức lớn đến từ nguy cơ lạm phát, tỷ giá tăng cũng như nợ xấu, từ đó tác động đến mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
DỰ BÁO THẶNG DƯ CÁN CÂN VÃNG LAI NĂM 2025 GIẢM MỘT NỬA SO VỚI 2024
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ước tính của ADB, lãi suất cho vay trung bình đối với các khoản vay mới đã giảm từ 0,6 đến 1 điểm phần trăm (đpt) so với năm 2023, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 15,1% trong năm 2024, cao hơn mức 13,8% của năm trước.
“Mặc dù có những lo ngại về gia tăng nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn quyết định gia hạn thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến hết năm 2024 theo quy định. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ gây áp lực lên lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng trong những lĩnh vực kém hiệu quả như bất động sản”, ADB nhận định tại báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 4 năm 2025.
ADB cho biết năm 2024, đồng VND mất giá khoảng 5% so với USD chủ yếu do đồng USD mạnh lên và một phần đến từ cán cân thanh toán tổng thể kém khả quan.
Tuy nhiên, năm 2024, xuất khẩu hàng hóa phục hồi mạnh mẽ, giúp củng cố cán cân tài khoản vãng lai. Kim ngạch xuất khẩu đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 29,5% tổng kim ngạch, chủ yếu là các mặt hàng điện thoại, phụ tùng và hàng dệt may. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với tỷ trọng khoảng 15%.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tăng 16,7%, đạt 380,8 tỷ USD, đưa thặng dư thương mại lên tới 24,7 tỷ USD trong năm 2024. Nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, bao gồm máy móc, thiết bị và nguyên liệu thô, chiếm tới 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
ADB dự báo thặng dư cán cân vãng lai năm 2025 của Việt Nam xuống còn 2,5% GDP; giảm 2,8 đpt GDP so với năm 2024.
Tuy nhiên, thu nhập ròng từ dịch vụ và kiều hối sụt giảm đã làm thu hẹp thặng dư cán cân vãng lai xuống mức ước tính 5,3% GDP trong năm 2024, thấp hơn so với mức 6% của năm 2023.
Dòng vốn ròng từ các khoản vay trung hạn và dài hạn cùng với đầu tư gián tiếp sụt giảm cũng dẫn đến cán cân vốn và tài chính thâm hụt sâu hơn, ước tính ở mức 2,2% GDP trong năm 2024, so với mức thâm hụt 0,7% của năm trước đó.

Cán cân tài khoản vãng lai thu hẹp và cán cân vốn - tài chính gia tăng thâm hụt đã kéo theo cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, ước tính khoảng 2,3% GDP trong năm 2024.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, hoạt động thương mại có thể bị ảnh hưởng, làm thu hẹp thặng dư thương mại. ADB dự báo tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam chậm lại, duy trì ở mức khoảng 7% trong cả năm 2025 và 2026. Vì những lý do trên, ADB ước tính thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam giảm xuống còn 2,5% GDP trong năm 2025.
VỊ THẾ TÀI KHÓA ĐƯỢC CẢI THIỆN TẠO DƯ ĐỊA HỖ TRỢ TĂNG TRƯỞNG
Các chuyên gia ADB nhận định một số yếu tố như căng thẳng địa chính trị, tiêu dùng trong nước tăng cao và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có thể đưa lạm phát tăng lên 4% trong năm 2025 và 4,2% trong năm 2026.
Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, ADB cho rằng khả năng hỗ trợ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng đang chịu áp lực bởi rủi ro lạm phát gia tăng, nợ xấu có dấu hiệu tăng và sự suy yếu của đồng VND.
Trong bối cảnh đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trở nên hết sức quan trọng nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Để huy động thêm nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, ADB gợi ý Chính phủ Việt Nam điều chỉnh thâm hụt ngân sách lên mức từ 4% đến 4,5% GDP.
Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 2,037 triệu tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm trước và tương đương 119,8% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, chi ngân sách ước đạt 1.830,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt 86,4% kế hoạch năm. Đáng chú ý, chi đầu tư phát triển giảm 8,7%, chủ yếu do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. ADB đánh giá việc kiểm soát chi tiêu và tăng thu hiệu quả giúp tỷ lệ nợ công trên GDP ước tính đã giảm xuống khoảng 36% đến 37% vào cuối năm 2024, tạo dư địa tài khóa thuận lợi hơn cho các chính sách hỗ trợ trong tương lai.

“Các biện pháp thuế quan mà Hoa Kỳ công bố ngày 2/4/2025 có thể tác động đáng kể đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 và 2026. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh cho các nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ việc làm vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, bổ sung các chính sách tài khóa nhằm kích cầu nội địa, thúc đẩy tiêu dùng trong nước trở nên cấp thiết”
Theo ông Shantanu, Chính phủ Việt Nam gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến cuối năm 2026 là một bước tích cực, nhưng các biện pháp rộng hơn như giảm thuế thu nhập, phí và mở rộng chi tiêu xã hội cũng có thể được xem xét.
Bên cạnh đó, ông Shantanu khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các cải cách cơ cấu để giảm gánh nặng pháp lý cho doanh nghiệp và người dân, từ đó nâng cao chất lượng tăng trưởng dài hạn.
“Như chúng ta đều biết, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các cải cách thể chế toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và thúc đẩy tăng trưởng. Chúng tôi tin rằng nếu các cải cách sâu rộng này được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, chúng sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn”, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam chia sẻ.
Đại diện ADB cho rằng những cải cách mà Việt Nam đang thực hiện không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản trị trong ngắn hạn, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong trung và dài hạn, từ đó giúp giảm thiểu các rủi ro và bất định bên ngoài.