Tại báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội chỉ ra một số bất cập trong công tác thu, chi ngân sách cần được khắc phục sớm.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá các khoản thu nội địa trong những tháng đầu năm 2025 đạt khá so với dự toán nhưng tình trạng nợ đọng thuế vẫn tiếp tục gia tăng và đặt ra nhiều thách thức. Cụ thể,
Cơ quan thẩm tra Quốc hội đánh giá tổng số nợ thuế nội địa tính đến ngày 30/4/2025 ước đạt khoảng 222,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với thời điểm cuối năm 2024 là thách thức cần sớm khắc phục.
Trước thực trạng này, Quốc hội yêu cầu sớm triển khai các giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nhằm thu hồi nợ thuế, qua đó góp phần ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
Về công tác thu ngân sách nhà nước năm 2024, Uỷ ban Kinh tế và Tài chính đánh giá việc lập dự toán những năm gần đây chưa sát với thực tiễn, ảnh hưởng đến điều hành ngân sách. Bên cạnh đó, Chính phủ cần báo cáo rõ ràng, kịp thời và chính xác hơn về tình hình hoàn thuế giá trị gia tăng trong năm 2024.
Một điểm đáng lưu ý khác là tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn chậm, chưa có các giải pháp hiệu quả để tận dụng nguồn thu từ hoạt động này, gây hạn chế trong việc tăng thu ngân sách nhà nước.
Về thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2024, nhiều vấn đề đã được đặt ra cần được Chính phủ làm rõ.
Thứ nhất, tình trạng giải ngân vốn ngoài nước chậm tiếp tục là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Thứ hai, việc thực hiện chủ trương cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết còn chậm triển khai, cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, chi trả nợ gốc có xu hướng giảm so với dự toán, làm phát sinh lo ngại về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của Nhà nước. Do đó, việc bố trí nguồn lực để chi trả nợ gốc cần được bảo đảm đầy đủ và đúng hạn.
Về cân đối ngân sách nhà nước, Uỷ ban Kinh tế và Tài chính đánh giá việc giảm bội chi trong năm 2024 chủ yếu đến từ việc hủy dự toán vốn vay ngoài nước, cắt giảm kế hoạch vốn, các nhiệm vụ chi không thực hiện, không được chuyển nguồn sang năm sau.
Mặc dù điều này góp phần làm giảm chỉ tiêu bội chi ngân sách song thực chất chưa phản ánh hiệu quả bền vững trong quản lý tài khóa.
Cơ quan thẩm tra lo ngại việc giảm bội chi không đi kèm với nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, đặc biệt là trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển, có thể dẫn đến suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Do đó, Chính phủ cần có các giải pháp điều hành ngân sách vừa linh hoạt, vừa đảm bảo kỷ luật tài chính và thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực công.