October 30, 2014 | 10:40 GMT+7

“Cần chỉ ra những nhóm lợi ích liên quan đến ODA”

Nguyên Hà

Đại biểu Lê Thị Nga kiến nghị Quốc hội ban hành luật quản lý, sử dụng vốn ODA

Thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án ODA đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ.
Thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án ODA đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ.
Quốc hội - người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và người dân - chủ thể phải đóng thuế và trả nợ cuối cùng gần như vẫn đứng ngoài quy trình ODA, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, sáng 30/10.

Không dàn trải từ thành tích đến hạn chế rồi sang vấn đề cụ thể của địa phương như một số vị khác, đại biểu Nga dành trọn “tiêu chuẩn” 7 phút phát biểu của mình để nói về quản lý và sử dụng ODA.

Theo khái quát của đại biểu Nga, ODA là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, đến nay, ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ viện trợ không hoàn lại thì phần nhiều là cho vay ưu đãi có điều kiện. Qua hơn 20 năm, Việt Nam thu hút gần 78 tỷ USD, bình quân 3 tỷ USD/năm.

Chính phủ đã rất nỗ lực và kết quả nguồn vốn này đã đóng góp tích cực vào phát triển kết kinh tế- xã hội. Nhiều chương trình, dự án ODA đạt chất lượng tốt, đại biểu Nga nhìn nhận.

Tuy nhiên, bà Nga cũng nhấn mạnh, thực tế đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí vi phạm và tội phạm. Thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án ODA đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ.

Điển hình như các vụ: PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ nghi vấn tiêu cực tại dự án Danida (Đan Mạch) năm 2012 và vụ JTC trong ngành đường sắt gần đây.

Đáng lưu ý, tuy có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát, nhưng những vụ vi phạm lớn lại chỉ được phát hiện do phía nước ngoài, bà Nga nhấn mạnh.

Từ quan điểm việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ODA là hết sức cấp bách, nhất là trong tình hình nợ công và tham nhũng hiện nay, bà Nga đã đi sâu phân tích nhiều vấn đề cụ thể về cả hàng lang pháp lý và trác nhiệm giám sát của Quốc hội,

Các quy định điều chỉnh ODA hiện nay của Việt Nam theo bà Nga là phức tạp, phân tán, hiệu lực pháp lý thấp, lại vừa có khả năng thực hiện tùy nghi.
 
Việc "đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình" trong nghị định của Chính phủ về ODA chỉ dừng ở nguyên tắc mang tính tuyên ngôn, chưa cụ thể hóa hết vào quy trình ODA, dẫn đến chưa ngăn chặn tình trạng xin - cho, "cò dự án", tiêu cực, tham nhũng.

“Đáng lưu ý, pháp lý về ODA bộc lộ hai điểm yếu rất cơ bản là: Quốc hội - người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và người dân - chủ thể phải đóng thuế và trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình ODA”, đại biểu Nga chỉ rõ.

Bà Nga kiến nghị Quốc hội ban hành luật quản lý, sử dụng vốn ODA, theo đó chú trọng quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA; công khai, minh bạch toàn bộ số vốn, công khai các dự án và quy trình phân bổ, buộc phản biện độc lập trước khi quyết định. Đồng thời quy định về trách nhiệm của Quốc hội, về quyền của người dân, mặt trận, báo chí, hiệp hội chuyên ngành trong quá trình quyết định và thực thi ODA.

Trong vai trò đại diện cho dân, đại biểu Nga cũng cho rằng, với tư cách là một phần của đầu tư công và nợ công, lại tác động đến vị thế và uy tín quốc gia, nhưng những năm qua, cả về pháp lý cũng như thực tế, trách nhiệm giám sát của Quốc hội về ODA đã chưa được coi trọng.

Thực tế là 20 năm qua, mặc dù đã xảy ra không ít vụ gây chấn động dư luận, nhưng Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Với tư cách là các cơ quan chuyên môn của Quốc hội phụ trách về kinh tế, ngân sách nhưng Ủy ban kinh tế và Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng chưa lần nào giám sát chuyên đề này, đại biểu Nga nêu rõ.

Các năm 1999 và 2003, Ủy ban Đối ngoại có hai lần giám sát, năm 2006 khi xảy ra vụ PMU 18, Ủy ban Đối ngoại một lần nữa báo cáo lại các kiến nghị giám sát của lần trước nhằm khắc phục những sai phạm trong ODA.

Những kiến nghị rất sát thực này đến nay vẫn chưa được tiếp thu đầy đủ, được bà Nga nhấn mạnh là một nguyên nhân không nhỏ góp phần làm cho những bất cập, sai phạm trong dùng ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn.

Đề nghị của đại biểu Nga là Quốc hội tiến hành giám sát ODA, chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan đến ở cả trong nước và nước tài trợ phân tích những mặt lợi và bất lợi của ODA, từ đó đề xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần, tiến đến chấm dứt ODA.

Bất cứ quốc gia nào, nếu phụ thuộc lâu dài vào ODA thì đó là thất bại của chiến lược phát triển. Với quan điểm này, kiến nghị thứ ba được đại biểu Nga nhấn mạnh là Việt Nam cần  sử dụng ODA có chọn lọc, hạn chế và có lộ trình chấm dứt ODA trong tương lai gần.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate