August 22, 2024 | 08:25 GMT+7

Cần đảm bảo đồng bộ khi điều chỉnh luật trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu

Nguyệt Như -

Ngày 21/8, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu...

Ông Bùi Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính. Ảnh: MOET.
Ông Bùi Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính. Ảnh: MOET.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật nêu trên tập trung vào 08 chính sách bao gồm: 

- Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch và kinh phí cho hoạt động quy hoạch để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật về quy hoạch.

- Hoàn thiện quy định về nội dung, kế hoạch thực hiện và điều chỉnh quy hoạch bảo đảm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.

- Tiếp tục tăng cường phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt.

- Xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với quy hoạch đô thị và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

- Mở rộng, đa dạng hoá lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP; hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP nhằm tối đa hoá nguồn lực từ khu vực tư nhân, bảo đảm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công.

- Đơn giản hoá thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

- Xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu và tăng cường phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu.

Tại phiên họp, ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc có bổ sung quyết định ngừng dự án đầu tư trong trường hợp có nguy cơ gây ra sự cố môi trường cấp quốc gia hay không bởi quy định này đã có trong Luật Bảo vệ môi trường và có thể gây ảnh hưởng tới các dự án giáp ranh.

Bên cạnh đó, đại diện VCCI đề nghị mở rộng phạm vi chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư tư nhân theo hướng điều chỉnh hình thức bảo lãnh, cho phép chia sẻ rủi ro doanh thu.

Trong đó lưu ý, nghiên cứu thêm quy định để bảo lãnh chi phí đối với các dự án điện lực, nhất là chi phí nguyên liệu đầu vào vì đây là rủi ro lớn nhất của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Về lĩnh vực đấu thầu, ông Hùng đề nghị làm rõ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu; trường hợp hợp đồng đã ký nhưng chưa có chủ trương đầu tư thì hợp đồng này có giá trị không?

Ông Bùi Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, nhấn mạnh tới sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo khi xây dựng dự án luật sửa 4 luật nêu trên.

Góp ý đối với các quy định đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông Hưng cho rằng nên mở rộng lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP, tăng cường phân cấp, phân quyền để thu hút tối đa nguồn lực.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ cách thức xử lý trong trường hợp các loại hình hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) thanh toán bằng quỹ đất. Ngoài ra, cơ quan chủ trì cũng cần rà soát quy định liên quan đến dự án PPP là thành phần trong dự án đầu tư công với các quy định theo Luật Đầu tư công.

Đối với quy định về kinh phí lập quy hoạch, kinh phí thẩm định quy hoạch, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nên tiếp cận theo hướng kinh phí này dùng để làm việc gì thay vì quy định việc này phải sử dụng nguồn kinh phí nào; qua đó mở rộng các nguồn kinh phí được phép sử dụng.

Liên quan đến danh sách các danh mục dự án quy hoạch và thứ tự ưu tiên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhiều dự án của Bộ nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Vì vậy, để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất chỉ đưa ra danh mục các dự án và không cần nêu rõ thứ tự ưu tiên.

Cùng với đó, theo quy định hiện hành, khi điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện 2 bước là xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch và thực hiện điều chỉnh, công bố và cung cấp thông tin điều chỉnh quy hoạch.

Đối với những điều chỉnh không thay đổi về mục tiêu, quy mô, phạm vi dự án, chỉ cần thực hiện 1 bước là lập điều chỉnh quy hoạch trình lên cấp có thẩm quyền.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate