June 27, 2024 | 09:14 GMT+7

Cần Giờ phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh

Xuân Nghi -

Không thể phủ nhận rằng hành vi tiêu dùng của người Việt nói chung, du khách nói riêng, từ sau đại dịch Covid-119 đã thay đổi rất nhiều. Vài trong số những thay đổi đó là nhu cầu về an toàn sức khỏe được đề cao và xu hướng tiêu dùng xanh, sản phẩm du lịch xanh…

Du lịch Cần Giờ nổi tiếng với địa danh "Chiến khu Rừng Sác", tức Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận.
Du lịch Cần Giờ nổi tiếng với địa danh "Chiến khu Rừng Sác", tức Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận.

Tại TP.HCM, địa phương có lợi thế nhiều nhất về phát triển du lịch xanh là Cần Giờ - huyện duyên hải duy nhất của thành phố, là nơi đang có hàng loạt dự án đầu tư, phát triển về kinh tế xanh như Cảng biển xanh, thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Nơi đây từng được ví như “Người đẹp ngủ trong rừng”, “Người đẹp ngủ quên”…

ĐÁNH THỨC "NGƯỜI ĐẸP XANH” CẦN GIỜ

Cần Giờ được biết đến với những cái tên/địa danh nổi tiếng như Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Lá phổi xanh của Sài Gòn – TP.HCM, Rừng Sác hay Chiến khu Rừng Sác, Đảo khỉ,… và là huyện duyên hải nhìn ra Biển Đông.

Việc hướng tới những chương trình, sản phẩm du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng địa phương, gắn với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc địa phương nhằm phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đang trở thành xu thế trong phát triển du lịch hiện nay nói chung, TP.HCM trong đó có Cần Giờ nói riêng.

Huyện Cần Giờ có diện tích tự nhiên khoảng 70.435 ha (704, 435 km2); trong đó, diện tích rừng ngập mặn là 34.813,64 ha, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên toàn huyện. Sau thời gian phục hồi và phát triển, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ rất đa dạng, phong phú, có môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên xanh – sạch – đẹp, và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 21/01/2000.

Nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn huyện, nhất là phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, hướng đến mục tiêu tạo ra sinh kế bền vững và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn của địa phương, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM xây dựng và triển khai Đề án phát triển mô hình Du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng.

Mục tiêu của đề án là hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch gắn với hộ gia đình trong việc phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, trải nghiệm và mua sắm của du khách khi đến Thiềng Liềng. Đây cũng là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của TP.HCM nhằm khai thác du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa; giới thiệu các tập quán, hoạt động sinh kế với du khách, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh trật tự. 

Huyện Cần Giờ nhìn từ trên cao.
Huyện Cần Giờ nhìn từ trên cao.

Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Thành ủy TP.HCM đã xác định rõ: Đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực; trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Nghị quyết cũng xác định việc đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, các điểm đến thuộc nhiều loại hình đặc sắc của vùng đất Cần Giờ với các trụ cột chính là du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Tính đến quý 1 năm 2024, sau hơn một năm hoạt động, điểm đến du lịch Thiềng Liềng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía du khách, các doanh nghiệp lữ hành và được bình chọn là một trong 100 điều thú vị của TP.HCM tại hạng mục “Điểm đến thú vị”.

"VIÊN NGỌC BÍCH" ĐANG DẦN TỎA SÁNG

Nhằm tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, bền vững, huyện Cần Giờ đang triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, huyện sẽ hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng cho các điểm đến xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch xanh, chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Đặc biệt hỗ trợ Thiềng Liềng xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng; đồng thời tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư về mục tiêu phát triển du lịch bền vững, làm tiền đề vững chắc để áp dụng cho việc phát triển mô hình du lich cộng đồng trên toàn địa bàn.

Công tác tuyên truyền về mô hình được chú trọng. Huyện và các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân và du khách thực hành các hoạt động tiêu dùng xanh trong du lịch; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước. Đồng thời tuyên truyền người dân giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn của địa phương.

Cần Giờ có nhiều điểm tham quan, du lịch cách biệt với khu dân cư, rất phù hợp để tổ chức tour khép kín cho du khách.
Cần Giờ có nhiều điểm tham quan, du lịch cách biệt với khu dân cư, rất phù hợp để tổ chức tour khép kín cho du khách.

Theo định kỳ, huyện sẽ sẽ thường xuyên đánh giá, phân tích khả năng tiếp cận, sự chịu tải của hệ thống tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực và năng lực cung ứng dịch vụ du lịch tại các điểm đến; từ đó nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng tại các xã, thị trấn còn tiềm năng theo hướng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bền vững.

Ngoài ra UBND huyện còn tổ chức cải tạo cảnh quan, tăng cường mảng xanh các tuyến giao thông và điểm đến; xây dựng phương án giao thông xanh; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa truyền thống.

Theo thống kê, doanh thu du lịch Cần Giờ đã tăng trưởng 2 con số trong hai năm trở lại đây. Năm 2022, doanh thu đạt trên 8.000 tỷ đồng, tính chung giai đoạn 2011 - 2022 doanh thu tăng bình quân khoảng 32,2%/năm. Năm 2023 đã có trên 2 triệu lượt khách đến huyện duyên hải này, chiếm 8,7% lượng du khách đến TP.HCM. Cần Giờ đã đóng góp vào kết quả chung của TP.HCM năm 2023 với 5 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch trên 160.000 tỷ đồng, nằm trong top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất của Thành phố năm 2023.

Mặc dù liên kết du lịch ở Cần Giờ mới manh nha hình thành, như mô hình du lịch cộng đồng Điểm đến du lịch Thiềng Liềng, Ngày hội sản phẩm OCOP... nhưng vùng duyên hải này của TP.HCM đang được những “thợ kim hoàn” mài giũa và “viên ngọc bích” ấy đang dần lộ diện tựa người đẹp trong rừng vừa bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Cần Giờ đang tỏa sáng và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong tương lai.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate