November 24, 2022 | 17:18 GMT+7

Cần hoàn thiện nhiều Luật để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng

Chu Khôi -

Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng "0” (Net-zero) thông qua chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững. Việt Nam mục tiêu vào năm 2030 lĩnh vực năng lượng phát thải khí nhà kính không quá 457 triệu tấn CO2 tương đương (giảm 32,6 % so với kịch bản thông thường), tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát…

Đối thoại quốc gia: “Chuyển dịch năng lượng bền vững – Quản trị, Tài chính và Công nghệ”.
Đối thoại quốc gia: “Chuyển dịch năng lượng bền vững – Quản trị, Tài chính và Công nghệ”.

Trong các ngày từ 22-24/11/2022, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp tổ chức Chương trình Đối thoại quốc gia: “Chuyển dịch năng lượng bền vững – Quản trị, Tài chính và Công nghệ”, thuộc khuôn khổ Dự án “Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE)”.

QUỐC HỘI CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG

Tại Chương trình đối thoại, ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định Việt Nam có một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao.

Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, trong đó đáng lưu ý là ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Chương trình đối thoại.
Ông Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Chương trình đối thoại.

Theo đó, đã đề ra quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương đã và đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan.

Trong đó, tập trung sửa đổi toàn diện Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản, xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo; thực hiện có hiệu quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2021 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. 

Ngài Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam cho biết Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu CHLB Đức (BMWK) và Bộ Năng lượng Indonesia cũng đóng góp những kinh nghiệm thực tiễn của nước mình trong lộ trình hướng tới Net-zero vào năm 2060.

Nhận định về những kết quả bước đầu của quá trình Chuyển động năng lượng thời gian qua tại Việt Nam, Ngài Guido Hildner cho rằng quá trình triển khai có thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu; các giải pháp về quản trị, trọng tâm là cơ chế, chính sách, phápluật là yếu tố then chốt cho chuyển động năng lượng công bằng và bền vững.

Cùng với đó là các vấn đề về tài chính, công nghệ, kỹ thuật và lộ trình giảm phát thải cho các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; vấn đề hợp tác, trong đó có hợp tác quốc tế ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, địa phương, cộng đồng, giữa các ngành, lĩnh vực và các bên liên quan đóng vai trò hết sức quan trọng.

Đại sứ Guido Hildner phát biểu tại Chương trình đối thoại.
Đại sứ Guido Hildner phát biểu tại Chương trình đối thoại.

“Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội của Việt Nam có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững thông qua thực hiện các quyền lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Trong giai đoạn trước mắt, cần tập trung hoàn thiện thể chế về phát triển năng lượng, trọng tâm là nghiên cứu, đánh giá tình hình, rà soát hệ thống pháp luật phục vụ liên quan đến lĩnh vực năng lượng”, ông Guido Hildner khẳng định.

TỔNG DƯ NỢ TÍN DỤNG XANH ĐẠT GẦN 500 NGHÌN TỶ ĐỒNG

Xuyên suốt Chương trình đối thoại là những trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam trong xây dựng định hướng chiến lược và kế hoạch chuyển dịch năng lượng bền vững nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào giữa Thế kỷ 21.

Cần hoàn thiện nhiều Luật để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng - Ảnh 1
Cần hoàn thiện nhiều Luật để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng - Ảnh 2

Đại diện ngành Ngân hàng cho biết dư nợ cho vay tín dụng xanh có xu hướng tăng nhanh theo từng năm. Nhưng quy mô dư nợ vẫn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống: Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tăng tương ứng từ 1,55% năm 2015 lên mức 3,69% năm 2020. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (40%); năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (30%). Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn trung và dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh.

 

"Tổng tính dụng xanh trong toàn bộ hệ thống ngân hàng của Việt Nam đến ngày 30/6/2022: Dư nợ tín dụng xanh đạt: 474.000 tỷ VND (tương đương 19,5 tỷ USD), chiếm 4.1% dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng cho Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 47%; cho Nông nghiệp xanh chiếm 32%. Ngoài ra, dư nợ cho đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 2.200 nghìn tỷ đồng".

Theo đại diện ngành Ngân hàng.

Theo đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Vietcombank đang tăng cường tiếp cận các nguồn vốn/chương trình tín dụng từ các tổ chức trong nước cũng như các tổ chức quốc tế vì mục tiêu tăng trưởng xanh để hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho danh mục đầu tư tín dụng xanh của Vietcombank.

Đồng thời, liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng xanh, xây dựng hình ảnh Vietcombank thân thiện với môi trường. Tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực xanh của Vietcombank đến 30/9/2022 đạt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, tăng 562% so với năm 2018.

Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án CASE chia sẻ, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tình hình cung ứng năng lượng truyền thống, chuyển dịch năng lượng hơn bao giờ hết trở thành một nhu cầu và giải pháp. Tiến trình chuyển dịch năng lượng cần sự đồng hành cam kết của nhiều cơ quan, đơn vị, diễn ra ở mọi cấp độ.

“Tại Việt Nam, việc dự án CASE có cơ hội được làm việc với Quốc hội, cơ quan thực hiện quyền lập pháp, đại biểu cao nhất của Nhân dân trong chủ đề này thực sự rất phù hợp. Bên cạnh việc tổ chức những diễn đàn đối thoại cao cấp, dự án cũng thực hiện những nghiên cứu đưa ra các bằng chứng cụ thể giúp Quốc hội giám sát và thúc đẩy tốt hơn nữa chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng”, bà Vũ Chi Mai nói.

Toàn cảnh Đối thoại.
Toàn cảnh Đối thoại.

Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến cáo, cần có sự tiếp tục phối hợp nghiên cứu kỹ lưỡng về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, khuyến nghị hoàn thiện quy định chính sách cụ thể về tài chính, thuế, kiểm soát phát thải khí nhà kính, chuyển đổi công nghệ, đánh giá tác động đến phát triển kinh tế-xã hội…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate