Đây là ý kiến chia sẻ của một số chuyên gia công nghệ khi nhìn nhận về vấn đề triển khai cấp giấy đi đường mới cho người dân ở Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của xã hội trong những ngày qua.
Từ ngày 6/9, Hà Nội chính thức áp dụng Chỉ thị 20 khi phân chia toàn thành phố thành 3 vùng, đặt mục tiêu sớm khống chế được dịch Covid-19 và dần dần khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ góc nhìn chuyên môn công nghệ, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho rằng, hầu như cán bộ chiến sỹ nào tham gia chống dịch cũng sở hữu smartphone cá nhân, có thể làm thay các chức năng của máy tính miễn là có một Web/App kiểm soát giấy đi đường do thành phố cung cấp.
Giấy đi đường đơn giản có thể chỉ là một mã QR-Code dưới dạng hình ảnh hoặc Link gửi trực tiếp về Email hoặc tin nhắn SMS hoặc Zalo về số điện thoại của người được cấp.
Thông qua App/Web kiểm soát giấy đi đường nói trên, bất kỳ cán bộ chiến sỹ nào cũng có thể dùng smartphone cá nhân của mình để quét mã QR-Code giấy đi đường của dân và mọi thông tin về giấy đi đường được cấp sẽ hiện rõ.
Ông Bình cho rằng, đã ứng dụng công nghệ thì phải là công nghệ, và đã hành chính giấy tờ thì phải đi với hành chính giấy tờ. Không nên nửa công nghệ, nửa giấy tờ sẽ làm mất đi tính tiện ích của phi giấy tờ mà công nghệ mang lại, gây tốn kém chi phí vận hành, khiến cán bộ cũng vất vả (vì phải xử lý, in ấn) mà người dân vất vả (vì đi lại xin giấy tờ)…
Hiện nay, nhiều ứng dụng chống dịch đã áp dụng hoàn toàn online, phi giấy tờ. Hệ thống tiêm chủng quốc gia cũng đã hẹn lịch tiêm quan tin nhắn SMS. Nhiều địa phương và bộ ngành đã triển khai thành công với các ứng dụng công nghệ khai báo y tế, QR-Code luồng xanh, vé máy bay điện tử, hóa đơn điện tử... Hàng chục năm nay chúng ta cũng đã đi máy bay hoặc xuất hóa đơn VAT không giấy tờ.
Theo ông Bình, điều này đã giúp tiết kiệm được chi phí và nguồn lực của xã hội. Nhưng giấy đi đường mới của Hà Nội chưa kế thừa được những ưu điểm của công nghệ 4.0 kể trên.
Thực tế Đà Nẵng và một số địa phương đã sử dụng hệ thống cấp mã QR Code do đơn vị công nghệ xây dựng. Một mô hình cấp giấy đi đường có thể tham khảo đó là Đà Nẵng. Thành phố đã áp dụng cấp giấy đi đường cho người dân trên hệ thống phần mềm tự động. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng tài khoản đã đăng ký tự in giấy đi đường có mã QR code.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, Hà Nội thực hiện các biện pháp chống dịch với yêu cầu cao nhất để bảo vệ người dân nhưng vẫn phải giữ vững nguyên tắc tuân thủ pháp luật và không gây khó cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với việc Hà Nội áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng cấp giấy đi đường có gắn QR code, ông Đức cho rằng, khi tiến hành làm các thủ tục cấp giấy đi đường, cơ quan chức năng cần áp dụng tối đa hoá công nghệ, chỉ làm trực tiếp với trường hợp không thể áp dụng công nghệ.
Đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ ở Hà Nội đã phổ cập, sử dụng mã QR code đã rất thông dụng nên chính quyền có thể cấp mã tự động từ xa và sử dụng qua các thiết bị, phương tiện được, ông Đức phân tích.
Sự lây lan duy nhất của dịch bệnh Covid-19 là do tiếp xúc gần, vì vậy, muốn chống dịch thành công thì phải giảm thiểu “tử huyệt” này. Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh cần phải thực hiện cấp mã chứ không cấp giấy, kiểm soát bằng phương tiện kỹ thuật chứ không kiểm soát trực tiếp bằng tay hay bằng mắt thường.
Kiểm soát việc đi đường chỉ là hình thức, bản chất phải kiểm soát sự di chuyển của 3 nhóm đối tượng: Nhóm tương đối an toàn (đã mắc bệnh, đã tiêm 2 mũi, đã có kết quá xét nghiệm âm tính), nhóm người đang có nguy cơ (tiếp xúc gần với F0, ở rất gần F0, đang có dấu hiệu nghi vấn) và người đang bị dương tính- F0 (có hoặc chưa có triệu chứng).