November 19, 2024 | 17:12 GMT+7

Cần kiện toàn chính sách và quy chuẩn về an toàn hồ đập

Chu Khôi -

Hiện cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ 15,2 tỷ m3, đảm nhiệm đa mục tiêu: Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, phát điện, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ… Tuy nhiên, hệ thống hồ đập của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức: mưa lũ bất thường, nhiều công trình đã xuống cấp gây ra nguy cơ mất an toàn…

Cả nước có hơn 7300 hồ đập đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ.
Cả nước có hơn 7300 hồ đập đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ.

Ngày 19/11/2024, tại Hà Nội, Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới” được tổ chức với sự phối hợp giữa Cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi và Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam.

NHIỀU HỒ CHỨA ĐÃ HƯ HỎNG, XUỐNG CẤP

Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thông tin hiện nay cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi (592 đập dâng, 6723 hồ chứa) với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. Các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt gồm Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng. Các địa phương quản lý hơn 6.700 hồ, trong đó 63 đơn vị cấp tỉnh quản lý kỹ thuật hơn 2.300 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ (chiếm 34%), các đơn vị cấp huyện, xã quản lý hơn 4.200 hồ chứa.

Các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập quy trình vận hành (gồm 213 hồ tràn có cửa van điều tiết và 1.600 hồ mà tràn xả lũ là tràn tự do).

 
 
Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi
Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi

"Trên cơ sở đã nhận diện những khó khăn thách thức, trong thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Cục Thủy lợi sẽ tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện thể chế, chính sách về quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi; hiện đại hóa hệ thống quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi…"

Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, cho biết Việt Nam được xếp vào top 10 các nước có hệ thống thủy lợi phát triển nhất thế giới. Quy hoạch đến năm 2030, ngành thủy lợi dự kiến xây dựng thêm 31 hồ chứa nước để tăng dung tích trữ lên 1,92 tỷ m3. Ngoài ra, trong quy hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng các hồ chứa nhỏ, phân tán và hệ thống tưới cho 0,3 triệu ha rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp đến năm 2030 và tăng thêm khoảng 0,6 triệu ha đến năm 2050; xây dựng chương trình hồ chứa nhỏ, phân tán cấp nước sinh hoạt và sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, ông Thành chỉ ra rằng nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng trên 30 năm, xảy ra hư hỏng xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Nhiều hồ chứa được chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế.

Hơn nữa, một số hồ lớn đã được xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa được đánh giá năng lực thoát lũ hạ du; nhiều hồ chứa nhỏ chưa có phương án đảm bảo an toàn hồ đập và phòng lũ hạ du. Hành lang thoát lũ ở hạ du của một số hồ chứa lớn bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không đảm bảo thoát lũ thiết kế, gây ra úng ngập hạ du khi vận hành xả lũ.

Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ, nguồn nước đến hồ còn hạn chế. Ngoài ra, tổ chức bộ máy quản lý, khai thác; công tác hiện đại hóa quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn đập còn hạn chế…

Trước những thách thức kể trên, ông Thành cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện chính sách về quản lý gồ đập. Phải rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới.

 
 
Cần kiện toàn chính sách và quy chuẩn về an toàn hồ đập - Ảnh 1
Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi.

“Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên là nâng cao năng lực thông tin, cảnh báo, dự báo, xây dựng các hệ thống quan trắc ở vùng thượng lưu và các hồ chứa để hỗ trợ phân tích thủy văn. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công cụ hỗ trợ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, AI trong việc ra quyết định trong vận hành an toàn đập, hồ chứa là cần thiết để chủ động dự báo, cảnh báo nguồn nước và đưa ra kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu”.

CẦN CÁC BỘ TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN

Ông Vũ Bá Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương, cho hay trong 31 hồ mà Công ty Bắc Sông Thương quản lý, có 5 hồ đã xuống cấp, gồm: Khuôn Thần, Cây Đa, Va Khê, Khoanh Song, Đá Cóc. Kết cấu công trình từ khi xây dựng đã xuất hiện một số bất cập, hư hỏng, nhất là khi xảy ra mưa lớn trên diện rộng như cơn bão số 3 vừa qua.

Bên cạnh đó, việc xả lũ đảm bảo an toàn cho hồ chứa theo quy trình khi mực nước sông Thương phía hạ lưu ở mức cao sẽ gây thêm ngập lụt, thiệt hại cho các vùng thấp ở ven sông, đồng thời đe doạ đến sự an toàn của hệ thống đê sông Thương.

Ông Thành cho rằng cần tăng cường áp dụng công nghệ trong tính toán điều tiết lũ, mang lại hiệu quả cùng với kinh nghiệm quản lý vận hành của các đợt mưa lũ của các năm trước để tính toán xem xét việc xả lũ hồ vừa đảm bảo an toàn công trình vừa giảm thiệt hại cho hạ du. Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cập nhật bản đồ ngập lụt và hệ thống cảnh báo lũ cho vùng hạ du, bổ sung kiểm định công trình và phê duyệt quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hồ Cấm Sơn theo quy định.

Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Đại diện Công ty TNHH MTV sông Chu cho biết đơn vị đang được giao quản lý 76 hồ đập; trong đó, có 3 hồ điều tiết bằng cửa van, còn lại xả tràn. Trong công tác quản lý, vận hành các hồ vẫn gặp nhiều khó khăn như: nguồn thu chính của các doanh nghiệp thủy nông chủ yếu từ nguồn thủy lợi phí do nhà nước chi trả trả hộ người dân.

Trong khi đó, việc lắp đặt thiết bị quan trắc, cắm mốc, dự báo, cảnh báo, cấp phép sử dụng nước hết sức quan trọng, yêu cầu phải có một nguồn kinh phí lớn. Giá thủy lợi phí áp dụng từ năm 2012 đến nay chưa thay đổi, trong khi tiền lương, điện, vật tư tăng… không ngừng tăng. Dẫn tới đơn vị “hụt hơi” trong hoạt động bộ máy, công tác duy tu bão dưỡng, phòng chống thiên tai…

Đại diện Công ty sông Chu đề nghị Cục Thủy lợi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ sửa đổi chính sách liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp thủy lợi để giảm bớt khó khăn trong hoạt động. Bên cạnh đó, hiện nay tốc độ đô thị hóa nhanh, các hành vi vi phạm lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi có chiều hướng gia tăng, do đó cần có chế tài xử lý mạnh hơn vi phạm công trình thủy lợi.

TS. Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cho rằng để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập, trước tiên phải đảm bảo công trình “có chủ”, đi cùng với đó là các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý hồ đập. Tiếp đến, cần  nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó chú trọng năng lực quan trắc, phân tích số liệu ho đạc để phát hiện rủi ro từ sớm. Bên cạnh đó, các hồ đập cần được đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ để đảm bảo hoạt động an toàn trong tình hình mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate