Chiều 22/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Báo cáo thẩm tra về nội dung này.
TĂNG TỔNG MỨC ĐẦU TƯ THÊM HƠN 350 TỶ USD
Trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án hồ chứa nước Ka Pét tqị huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019.
Dự án nhằm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Ngày 14/5/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao nhiệm vụ UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Công tác điều tra, đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành vào tháng 12/2020, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng tháng 4/2022.
Về công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thực hiện xong công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tuy nhiên, do diện tích rừng lớn, khối lượng công việc đánh giá hiện trạng rừng và trồng rừng thay thế nhiều, việc thực hiện phải đảm bảo theo đúng các quy định nên thời gian triển khai bị kéo dài.
Đồng thời, trong quá trình tổ chức công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, các chi phí về trồng rừng thay thế, giải phóng mặt bằng, xây lắp và thiết bị tăng dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận phải tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
"Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với tổng mức đầu tư là 585,647 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có sự thay đổi về đơn giá nhân công, máy móc thiết bị, giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư dự án tăng so với tổng mức đầu tư sơ bộ đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị Quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Tổng số vốn dự kiến sau điều chỉnh của dự án là 874,089 tỷ đồng, đã bố trí 519,93 tỷ đồng. Số vốn còn thiếu so với tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh là 354,162 tỷ đồng, gồm 288,442 tỷ đồng do tăng tổng mức đầu tư và 65,72 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 cho đến nay đã hết thời hạn thực hiện và giải ngân theo quy định.
Phần nguồn vốn tăng thêm dự kiến huy động từ nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025 và được bố trí điều chỉnh, bổ sung đối với 8 hạng mục.
Xét thấy việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do nguyên nhân khách quan và để có đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án phát huy hiệu quả đầu tư, việc UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là cần thiết và tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, do đó việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Bên cạnh điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn thực hiện dự án, Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh diện tích sử dụng đất của dự án thành: 697,73 ha (tăng 4,42 ha), trong đó: diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (giảm 0,69 ha) [đất có rừng là 619,58 ha (giảm 60,83 ha), gồm: đất rừng đặc dụng là 137,95 ha (giảm 24,6ha); đất rừng phòng hộ là 0,51 ha (giảm 0,4 ha); đất rừng sản xuất là 440,4 ha (giảm 30,69 ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha (giảm 5,13 ha) và đất không có rừng tăng 60,14 ha]; diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha (tăng 5,13 ha).
Diện tích sử dụng đất của dự án điều chỉnh là do cập nhật lại diện tích đất có rừng theo số liệu kiểm kê hiện trạng rừng được Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ lập tháng 12.2020 và cập nhật lại hiện trạng rừng trồng đến thời điểm tháng 4/2022, trong đó diện tích đất có rừng giảm 60,83 ha (=680,41 ha – 619,58 ha) và xác định lại diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo hồ sơ khảo sát, thiết kế giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi tăng 5,11 ha (=18,01 ha -12,9 ha).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, Tỉnh Bình Thuận đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án hồ chứa thủy lợi có quy mô tương tự hoặc lớn hơn. Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án tương tự như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
CẦN THIẾT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN
Trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra số 1477/BC-UBKHCNMT15 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Theo ông Huy, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bảo đảm đủ cơ sở pháp lý và Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là đúng thẩm quyền. Hồ sơ dự án đã đáp ứng đúng quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
"Tổng mức đầu tư cho dự án tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan từ việc cập nhật theo các quy định pháp luật mới, do trượt giá, bổ sung giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn công trình trong quá trình khảo sát báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt đầu tư dự án", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Hồ sơ Dự án là cần thiết.
Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các khoản mục chi phí để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện dự án và chịu trách nhiệm toàn diện về căn cứ, phương pháp xác định, tính chính xác của các số liệu trong nội dung cấu thành chi phí, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, đánh giá thêm các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thay đổi các giải pháp kỹ thuật so với thiết kế ban đầu, chậm hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt dự án, dẫn đến chậm tiến độ, qua đó rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án sau này.
Ngoài ra, đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với đề xuất của Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng Ngân sách trung ương năm 2016 của dự án đến hết ngày 31/12/2023.
Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025. Đồng thời, nếu được Quốc hội chấp thuận cho gia hạn, thời gian còn lại để triển khai Dự án không nhiều, do đó đề nghị Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cần khẩn trương, tập trung chỉ đạo phân công, phối hợp triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ điều chỉnh.
Theo ông Huy, qua giám sát cho thấy, việc triển khai dự án đã chậm gần 3 năm so với Nghị quyết số 93/2019/QH14. Ngoài một phần do nguyên nhân chủ quan thì phần lớn là do nguyên nhân khách quan, trong đó cần nhấn mạnh thời điểm triển khai dự án là thời điểm cả nước cũng như tỉnh Bình Thuận đang tập trung cao độ để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung này vào sáng 25/5 và thảo luận toàn thể tại hội trường vào sáng 30/5.