June 26, 2024 | 09:21 GMT+7

Cần một chiến lược đúng để thu hút du khách Trung Quốc

Tường Bách -

Dự báo về thời điểm các chuyến đi nước ngoài của người Trung Quốc sẽ quay trở lại mức trước đại dịch là khác nhau. Một số người kỳ vọng sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay, trong khi những tổ chức khác vẫn đang thận trọng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dữ liệu đặt chỗ và tìm kiếm cho thấy nhu cầu du lịch quốc tế trong mùa hè này đã tăng lên. Trip.com Group nhận thấy lượng du lịch nước ngoài từ Trung Quốc tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới hồi đầu tháng 6 cũng dự báo du khách Trung Quốc sẽ chi 1,8 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương khoảng 250 tỉ USD) cho các chuyến du lịch nước ngoài trong năm nay, lần đầu tiên vượt mức trước đại dịch.

NHIỀU THỊ TRƯỜNG TÌM CÁCH “HÚT” KHÁCH TRUNG

Theo dữ liệu của ForwardKeys được Bloomberg dẫn lại, Hàn Quốc và Nhật Bản đã chứng kiến lượng khách du lịch Trung Quốc tăng vọt sau khi đồng tiền của hai nước này suy yếu so với đồng Nhân dân tệ, còn các nước Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Thái Lan thu hút khách nước này bằng cách miễn thị thực và chi phí tương đối thấp hơn. Do đó, những điểm đến hàng đầu châu Á dành cho du khách Trung Quốc vào mùa hè 2024 bao gồm: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam, Ma Cau.

Đồng thời, theo nghiên cứu của Oxford Economics, ngành du lịch dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại, đạt khoảng 80% lượng khách trước đại dịch, báo hiệu sự hồi sinh mạnh mẽ trong du lịch giữa Trung Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, các báo cáo gần nhất chỉ ra rằng khách du lịch Trung Quốc thậm chí phát triển hơn so với giai đoạn trước đại dịch. Họ tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo và có những kỳ vọng khác nhau khi thực hiện những chuyến đi.

Nhật Bản đã chứng kiến lượng khách du lịch Trung Quốc tăng vọt sau khi đồng Yên suy yếu so với đồng Nhân dân tệ
Nhật Bản đã chứng kiến lượng khách du lịch Trung Quốc tăng vọt sau khi đồng Yên suy yếu so với đồng Nhân dân tệ

Gareth Matthews, nhà cung cấp và phân phối dịch vụ du lịch toàn cầu Didatravel và là đơn vị lữ hành tổ chức tour outbound lớn nhất Trung Quốc, cho biết: "Ban đầu sự phục hồi du lịch tập trung vào các điểm đến thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng gần đây chúng tôi ghi nhận lượng khách Trung Quốc đặt phòng ở châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh tăng đột biến".

Đối với thị trường châu Âu, ông Matthews cho rằng các chủ khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cần có một chiến lược phân phối mạnh mẽ - điều này không chỉ đơn thuần là việc có một trang web bằng tiếng Trung Quốc. Đồng tình, bà Juana Muro đại diện TourReview, nhận thấy những đánh giá tích cực là tiềm năng để các đơn vị tiếp cận với khách du lịch Trung Quốc.

"Một đánh giá tốt từ người dùng thực sự có thể giúp bạn xây dựng niềm tin vào thương hiệu và mang lại nguồn doanh thu lớn. Khi bạn tự tin rằng trải nghiệm bạn mang lại sẽ đáp ứng được nhu cầu đặc biệt của nhóm khách này, hãy khuyến khích du khách viết đánh giá trên tất cả website lớn của Trung Quốc", bà Juana Muro nói.

Bên cạnh đánh giá của du khách, những travel blogger và KOLs ở Trung Quốc có thể giúp tăng độ tin cậy và giúp những thương hiệu tiếp cận được với khán giả. Andrew Lockhead, Giám đốc điều hành của Stay22 - Công ty công nghệ du lịch cung cấp cơ hội liên kết giữa các travel blogger và truyền thông, cho biết: "Khách du lịch Trung Quốc bị chi phối bởi các gợi du lịch và những bài blog, đặc biệt là những nội dung đến từ người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Các công ty du lịch có thể hợp tác với những người sáng tạo nội dung du lịch để trực tiếp tiếp cận với đối tượng khách hàng mục tiêu".

Cần một chiến lược đúng để thu hút du khách Trung Quốc - Ảnh 1

ƯU THẾ CỦA VIỆT NAM

Tại Việt Nam, theo phân tích của các chuyên gia thuộc Tập đoàn quản lý đầu tư VinaCapital, lượng khách quốc tế hiện đã cao hơn một chút so với trước dịch Covid-19. Đồng thời du lịch Việt Nam được thúc đẩy bởi lượng khách từ thị trường Trung Quốc và Mỹ. Ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, chỉ ra, trước đây, khách du lịch Trung Quốc chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và mới chỉ lấy lại vị trí dẫn đầu lượng khách đến Việt Nam vào tháng 5/2024.

Từ góc độ doanh nghiệp, CEO Aza Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết một trong những lý do khiến lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam cao nhất tháng 5 là nỗ lực "ngoại giao du lịch" giữa hai nước. Cục Du lịch Quốc gia đã có nhiều chiến dịch để kích cầu du lịch như quảng bá, xúc tiến để tăng lượng khách Trung nói riêng và quốc tế nói chung ghé thăm.

Ngoài ra, tháng 5 cũng là tháng đầu hè, nhu cầu tắm biển, nghỉ mát của người dân Trung Quốc tăng. Tour du lịch biển đảo là một trong những sản phẩm hút khách của Việt Nam với thị trường khách này. Bên cạnh đó, khách Trung Quốc năm nay bị ảnh hưởng bởi kinh tế suy thoái. Do đó ngoài du lịch nội địa, sau dịch khách Trung thường ưu tiên chọn các điểm đến quốc tế an ninh, an toàn cao và gần để tiết kiệm chi phí. Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này.

Tuy nhiên, theo ý kiến từ đại diện các công ty lữ hành, trong khi các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã đặt mục tiêu đón khách quốc tế nói chung và khách Trung Quốc nói riêng (cụ thể Thái Lan năm nay kỳ vọng đón 36 - 38 triệu lượt khách quốc tế và 10 - 11 triệu lượt khách Trung Quốc), thì Việt Nam đưa ra chiến lược đón khách Trung Quốc thời điểm này có thể hơi muộn cho năm nay nhưng vẫn cần thiết cho thời gian tới.

Trung Quốc mới chỉ lấy lại vị trí dẫn đầu lượng khách đến Việt Nam vào tháng 5/2024.
Trung Quốc mới chỉ lấy lại vị trí dẫn đầu lượng khách đến Việt Nam vào tháng 5/2024.

Khách Trung Quốc không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà nhiều nước Đông Nam Á. Sự cạnh tranh giữa các điểm đến là rất lớn, đòi hỏi ngành du lịch cần có chiến lược, chính sách đón khách phù hợp mà trước tiên là cân nhắc vấn đề miễn thị thực (visa).

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt Phan Đình Huê nhận định: "Bên cạnh chính sách visa, cần nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đón khách bằng đường tàu hỏa, tàu biển cùng với hàng không và đường bộ. Khách Trung Quốc có đặc điểm hơi ồn ào nên có thể xây dựng những khu vực riêng để phục vụ phân khúc khách này, như quy hoạch mềm các tuyến phố đặc trưng đón khách Trung Quốc, vừa không ảnh hưởng những dòng khách truyền thống như châu Âu, Mỹ...".

Mùa cao điểm của khách châu Âu, Mỹ thường từ tháng 9 - 10 năm trước tới tháng 3 - 4 năm sau. Những giai đoạn còn lại thường vắng khách, nếu đón được khách Trung Quốc có thể giúp những cơ sở lưu trú đạt công suất phòng, duy trì hoạt động kinh doanh trong cả năm… “Nhu cầu, xu hướng của thị trường khách Trung Quốc đã thay đổi nên cần những sản phẩm phù hợp. Nhóm khách du lịch trẻ, ưa đi tour tự túc, ưu tiên điểm đến đẹp… cần đầu tư quảng bá, truyền thông nhiều hơn. Đồng thời, cần hạn chế tour giá rẻ như trước đây”, bà Vũ Nam Phương, Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Quốc tế Phương Nam bổ sung.

Du lịch quốc tế hiện đang chiếm khoảng 8% GDP của Việt Nam. Ngành du lịch phục hồi có thể đóng góp thêm 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của cả nước trong năm nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate