June 24, 2024 | 10:30 GMT+7

Du lịch giúp “chữa lành” môi trường

Tường Bách -

Bền vững là hướng phát triển từ nhiều năm qua của ngành du lịch thế giới. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ, ngành này đã bắt đầu nghĩ đến một hình thái tiến hóa hơn, bền vững hơn, đó là “du lịch tái tạo” (Regenerative Tourism)…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bền vững được định hướng phải giao thoa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cụ thể là tận dụng tài nguyên sao cho vừa có lợi cho cộng đồng địa phương, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên và văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, có những vấn đề mà du lịch bền vững cũng chưa thực sự giải quyết được, như sự suy thoái tự nhiên, biến đổi khí hậu và tính đa dạng sinh học.

GIEO HẠT CHO THẾ HỆ TƯƠNG LAI

Ngày nay, ngành du lịch cần phải có một hình thái mới để không chỉ dừng lại ở giảm thiểu các tác động tiêu cực, mà còn liên tục ra tạo ra các tác động tích cực để bù đắp cho sự suy thoái tự nhiên. Du lịch tái tạo được hiểu một cách đơn giản là làm cho điểm đến trở nên tốt đẹp hơn sau mỗi chuyến đi. Cụm từ này xuất hiện đầu tiên trong bài phân tích của chuyên gia Anna Pollock, một nhà nghiên cứu và chiến lược cho các tổ chức du lịch toàn cầu, khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện và khiến người ta nhận ra những vấn đề lâu dài chưa được giải quyết một cách rõ ràng.

Theo bà Anna Pollock, có thể hình dung bản chất khai thác của du lịch tương tự như cách khai thác một vườn cây, nếu chỉ biết đến thu hoạch, những cái cây rồi cũng sẽ chết. Du lịch bền vững có thể được hiểu là dùng tiền thu được từ khách tham quan để mua phân bón chăm sóc, làm đẹp cho khu vườn.

Còn du lịch tái tạo đi một bước xa hơn, đó là gieo lại hạt từ quả đã thu hoạch vào khu vườn, tạo ra những cây mới để chúng có thể tiếp tục ra quả cho những thế hệ tương lai. Còn theo tờ The Sydney Morning Herald, du lịch tái tạo được coi là “biên giới mới”, tập trung vào những trải nghiệm giúp loại bỏ được nhiều carbon ra khỏi khí quyển hơn mức đưa vào. 

Du lịch tái tạo được hiểu một cách đơn giản là làm cho điểm đến trở nên tốt đẹp hơn sau mỗi chuyến đi.
Du lịch tái tạo được hiểu một cách đơn giản là làm cho điểm đến trở nên tốt đẹp hơn sau mỗi chuyến đi.

Hiện tại hầu hết chúng ta đều biết rằng du lịch chiếm ít nhất 8% lượng khí thải carbon trên thế giới. Một con số thúc giục con người làm rõ lý do tại sao chúng ta đi du lịch và chúng ta sẽ làm gì khi đến đó. Việc thực hiện những hành trình du lịch tái tạo có thể sẽ mang lại hiệu quả nhất vì chúng hướng tới việc tạo dựng mối quan hệ thân thiết và sâu sắc hơn với một địa điểm nhất định, không chỉ đơn giản là thực hiện giao dịch, chi tiêu.

Từ những chuyến đi bảo tồn văn hóa và tái thiết vùng hoang dã cho đến các buổi cắm trại và trồng cây, những cuộc phiêu lưu này sẽ góp phần to lớn trong việc cải thiện thế giới tương lai.

Tại Việt Nam, loại hình tour du lịch tái tạo thực tế đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp lữ hành, người dân địa phương và cả du khách. Đơn cử, chiến dịch “Vì một môi trường du lịch sạch” đã từng được Công ty Du lịch Vietravel tổ chức trên khắp các tỉnh, thành. Saigontourist cũng đã triển khai thành công tour “Mỗi du khách một cây xanh cho Đà Lạt”. Những tour này có điểm chung là thu hút được rất nhiều bạn trẻ, cả trong và ngoài nước.

Tại đảo Phú Quốc, các bạn trẻ “nhóm Phú Quốc sạch và xanh” đã kêu gọi du khách trở thành tình nguyện viên nhặt rác vào bao, rồi tập kết lại trên bãi biển, sau đó nhờ xuồng máy và cano trở vào trung tâm ấp Rạch Vẹm xử lý. Không dừng lại ở đó, các du khách còn được khuyến khích dùng sơn để viết lên những mảnh ván các thông điệp kêu gọi bảo vệ rừng và sao biển, rồi gắn chúng lên những thân cây, trụ cầu, vừa không ảnh hưởng đến mỹ quan vừa giúp nhắc nhở mọi người.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events, đồng thời là người sáng lập Cộng đồng Du lịch có trách nhiệm WAFORT, cho biết: “Du lịch tái tạo không phải một sản phẩm du lịch hay một hoạt động riêng lẻ, mà phải là chiến lược chung của doanh nghiệp lữ hành, bao gồm trong nội bộ - khách hàng -sản phẩm”.

Doanh nghiệp này thể hiện du lịch có trách nhiệm với những việc như đặt các thùng phân loại rác, thu thập pin sau khi sử dụng, tổ chức các buổi nhặt rác, trồng cây... “Điều quan trọng nhất là để du khách tự thực hiện hành vi có trách nhiệm, công ty chỉ là người hướng dẫn và đồng hành”, ông Toản nói...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2024 phát hành ngày 24/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Du lịch giúp “chữa lành” môi trường - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate